Năm 2019, tròn 20 năm thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, khoa học, văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Danh hiệu cao quý này được UNESCO trao cho Hà Nội ngày 16/7/1999, tại La Paz , thủ đô của Bolivia . Vinh dự hơn, Hà Nội là TP duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
Hà Nội đã phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời trở thành một trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, là nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế, vì nền hòa bình, ổn định và phát triển. Thủ đô Hà Nội cũng được truyền thông quốc tế đánh giá là một điểm đến đặc biệt an toàn và hấp dẫn du khách bởi bề dày lịch sử hơn nghìn năm tuổi, với những cảnh quan kiến trúc độc đáo, di sản văn hóa phong phú.
Bên cạnh vai trò là Thủ đô - trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, nơi diễn ra phần lớn hoạt động đối ngoại của Nhà nước, Hà Nội đáp ứng đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, an ninh để tổ chức các hội nghị quốc tế quan trọng.
Đặc biệt, sự an toàn, tận tình, chu đáo và chuyên nghiệp được chứng minh qua hàng loạt sự kiện đối ngoại được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội trong 20 năm qua, như: Hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2006; Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU-132) năm 2015; Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018); Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2…
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2006
Năm APEC 2006 với trọng tâm là Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra từ ngày 12 đến 19/11/2006 tại Thủ đô Hà Nội là hoạt động đối ngoại lớn nhất mà Việt Nam đăng cai tổ chức tính thời điểm đó.
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam tại Hội nghị APEC 2006 ở thủ đô Hà Nội, ngày 19/11/2006. |
Việc đăng cai Hội nghị APEC 2006 là vinh dự, là niềm tự hào của Việt Nam, đồng thời là đóng góp lớn nhất của Việt Nam vào tiến trình phát triển của APEC, thể hiện sinh động hình ảnh và vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Mặc dù là lần đầu tiên với vai trò chủ nhà, nhưng trong các hoạt động xuyên suốt sự kiện, Việt Nam được các lãnh đạo APEC và bạn bè quốc tế đánh giá rất cao từ khâu tổ chức, xử lý, điều hành… Họ cũng dành nhiều lời khen ngợi cho sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội Việt Nam và ấn tượng với cách thức tổ chức, bản sắc văn hóa và tính nhân văn của Việt Nam .
Thành công của APEC-14 đã góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam và làm sáng hơn lên hình ảnh một Việt Nam trên đường đổi mới thành công, một Việt Nam hòa bình, năng động, an toàn và mến khách.
Qua tổ chức năm APEC 2006, chúng ta đã tranh thủ được nhiều cơ hội để mở rộng thị trường, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, khoa học - công nghệ, tranh thủ sự hỗ trợ của các nước thành viên APEC trong những vấn đề chúng ta quan tâm và tạo cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương tìm hiểu những cơ hội và khả năng làm ăn với Việt Nam.
Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU-132) năm 2015
Kỳ họp Đại hội đồng IPU-132 diễn ra từ ngày 28/3 đến 1/4 tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp, làm hài lòng các đại biểu tham dự. Nước chủ nhà Việt Nam cũng nhận được sự khen ngợi từ lãnh đạo nghị viện, các nghị sĩ và các đại biểu tham dự Hội nghị.
Thành công của IPU không chỉ đến từ sự chuẩn bị của chính quyền và người dân Hà Nội mà còn đến từ tinh thần và mục đích xuyên suốt của Đại hội đồng. IPU cũng thể hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế và kêu gọi các thành viên của tổ chức cũng làm như vậy bởi vì luật pháp quốc tế là trọng tài giải quyết các mối quan hệ bất hòa giữa các quốc gia với nhau ở khu vực hoặc trên toàn cầu.
Việt Nam - với lịch sử chiến thắng nhiều đế quốc lớn trên thế giới - giờ đây được thế giới biết đến như một đất nước yêu chuộng hòa bình, chủ nhà của rất nhiều sự kiện quốc tế thành công từ APEC 2006, “Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi” 2013, đến IPU - 132. Những thành tựu này thể hiện một Việt Nam nhanh chóng đứng dậy sau chiến tranh, đạt nhiều thành công và khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế và khu vực.
Sau khi IPU-132 khép lại thành công, đồng loạt các báo chí, trang mạng các nước trên thế giới vẫn tiếp tục có nhiều tin, bài về IPU -132 với phần lớn là những bài viết ca ngợi công tác tổ chức của nước chủ nhà.
Tờ The Diplomatic Society của Nam Phi ngày 9/4/2015 đăng tải bài viết về sự thành công tốt đẹp của Hội nghị cũng như sự hài lòng của các đại biểu tham dự và nhấn mạnh, sự thành công đó không chỉ đến từ sự chuẩn bị của chính quyền và người dân Hà Nội mà còn đến từ tinh thần và mục đích xuyên suốt của Đại hội đồng. Đó là sự tôn trọng nhân quyền gắn với chủ quyền quốc gia, gắn với quyền tự do dân chủ.
Đại biểu các nước tham dự IPU-132 đánh giá cao công tác tổ chức của Việt Nam, nhất là trong việc hỗ trợ, cung cấp đầy đủ thông tin cho các nghị sĩ và truyền tải các thông điệp đến nhân dân thế giới.
Hội nghị APPF 26 - Dấu ấn đối ngoại đầu tiên trong năm 2018
Trong các ngày từ 18 - 20/1/2018, Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững” do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Thủ đô Hà Nội đã thành công tốt đẹp.
Đây là một sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng, mở đầu cho hoạt động ngoại giao của Nhà nước ta trong năm 2018, đồng thời thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF.
Việc đăng cai và tổ chức APPF-26 là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, góp phần quan trọng vào những thành công chung trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Đây là lần thứ 2 Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên của APPF, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong Diễn đàn Nghị viện lớn nhất khu vực.
Hội nghị APPF-26 thúc đẩy vai trò của các nghị viện đối với hoạt động hợp tác của APEC, phát huy những kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng trên kênh nghị viện. Hội nghị cũng có ý nghĩa quan trọng khi thông tin rộng rãi đến nhân dân cả nước, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài và bạn bè quốc tế về Quốc hội Việt Nam; giới thiệu về đất nước Việt Nam hội nhập và phát triển; con người Việt Nam năng động và thân thiện; văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Có thể nói, việc đăng cai và tổ chức thành công APPF-26 trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là ngay sau khi nước ta tổ chức thành công APEC 2017 đã nâng cao vị thế của Quốc hội nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, tạo dựng hình ảnh về một Việt Nam trách nhiệm, hội nhập và phát triển.
Hội nghị GMS-6 và CLV-10
Tiếp nối thành công của Hội nghị APEC 2017, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 10 (CLV-10) tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác liên kết khu vực.
Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 xác định hướng đi cho hợp tác nhằm xây dựng khu vực tiểu vùng Mekong thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững. |
Trong 2 ngày 30 và 31/3/2018, 2 hội nghị GMS-6 và CLV-10 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018 có sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu, 200 tập đoàn, doanh nghiệp và gần 300 phóng viên các cơ quan báo chí.
Đồng thời, Hội nghị là cơ hội để các nhà lãnh đạo trao đổi về tăng cường hợp tác đầu tư, kết nối khu vực, thúc đẩy thương mại, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc tổ chức thành công 2 Hội nghị GMS 6 và CLV 10 một lần nữa giúp Việt Nam nói chung, các cán bộ ngoại giao Việt Nam nói riêng, ghi dấu ấn đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Nhờ những kinh nghiệm sẵn có, Việt Nam đã sớm xây dựng và chuẩn bị chu đáo các phương án tổ chức, lễ tân, báo chí, hậu cần, an ninh, y tế và các phương án dự phòng khác, đảm bảo các hoạt động diễn ra thông suốt, trang trọng, an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn theo thông lệ các Hội nghị thượng đỉnh GMS và Hội nghị cấp cao CLV và trên cơ sở hiệu quả, tiết kiệm tối đa.
Bên cạnh đó, nhiều phiên thảo luận chuyên đề tại hội nghị đã thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, học giả, các tổ chức tài chính và doanh nhân trong khu vực.
Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018)
Với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế thế giới và gần 1.000 đại biểu đến từ các Tập đoàn đa quốc gia, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất trong năm 2018 do Việt Nam tổ chức. Hội nghị diễn ra từ ngày 11 - 13/9 tại Hà Nội, với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0” đã đạt được những kết quả quan trọng.
Các tiểu ban đã hoạt động, phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm, quyết liệt và sáng tạo. Mặc dù có những phương án thay đổi phút chót về công tác lễ tân, văn nghệ chào mừng, nhưng các bộ phận đã nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm để hướng tới giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp đột xuất.
Với những nỗ lực đó, WEF ASEAN 2018 đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện từ chủ đề, nội dung, tuyên truyền - văn hóa đến lễ tân, hậu cầu, an ninh và y tế, cả về đa phương và song phương, góp phần quan trọng khẳng định và nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của khu vực và thế giới.
Ông Klaus Schwab - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho hay, Hội nghị WEF ASEAN 2018 do Việt Nam đăng cai là hội nghị thành công nhất trong 27 năm WEF tổ chức hội nghị tại khu vực. Việc vận dụng và phát huy tốt kinh nghiệm từ tổ chức các hội nghị đa phương lớn tại Việt Nam trong thời gian qua như Năm APEC 2017, Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 và CLV 10… là một trong những yếu tố quyết định thành công của Hội nghị WEF ASEAN 2018.
Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 nâng cao vị thế Việt Nam
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lần 2 từ ngày 27 - 28/2/2019 diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm Hà Nội nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đây là cơ hội để Hà Nội giới thiệu bạn bè quốc tế một Thủ đô yêu chuộng hòa bình và nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim cùng một số thành viên nội các hai nước có cuộc đàm phán song phương mở rộng sáng 28/2. |
Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” được UNESCO trao cho Hà Nội ngày 16/7/1999, tại La Paz , Thủ đô của Bolivia . Vinh dự hơn, Hà Nội là TP duy nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đón nhận danh hiệu này.
Sau 2 thập kỷ với nhiều đổi thay, đến nay, Thủ đô Hà Nội đã và đang phấn đấu không ngừng, tiếp tục xây dựng, phát triển để phát huy giá trị của danh hiệu này.
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft cho biết, đây là cơ hội để Hà Nội quảng bá hình ảnh một Thủ đô yêu chuộng hòa bình, thân thiện, có nền văn hiến lâu đời và nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển.
Ông Michael Croft cho rằng, liên quan đến sự kiện này, những người ưa chuộng hòa bình đều rất hài lòng khi 2 nước đang tham gia vào một cuộc đối thoại, vượt qua sự khác biệt của họ thông qua đàm phán.
"Chúng ta đều biết rằng Việt Nam có khả năng tổ chức một sự kiện lớn như vậy. Lý do khiến Hà Nội trở thành sự lựa chọn của sự kiện lớn này bởi đất nước Việt Nam đại diện cho hòa bình, thân thiện và an toàn tuyệt đối cho người dân và mọi người đến thăm”, ông Croft nhấn mạnh.
Đại diện UNESCO đánh giá, Hà Nội từ “Thành phố vì hòa bình” hướng đến thủ đô sáng tạo. Bên cạnh bảo tồn nét đẹp văn hóa, TP tập trung phát triển kinh tế bền vững. "Chúng tôi tin rằng đây là cách để TP duy trì sự tăng trưởng, thu hút nhân tài cho Thủ đô và cung cấp việc làm cho thanh niên…", Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định.