Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những dấu ấn trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản dưới thời cố Thủ tướng Abe Shinzo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng với nhiều dấu mốc đáng nhớ.

Việc cố Thủ tướng Abe Shinzo từ trần sau khi bị một đối tượng tấn công ngày 8/7 khiến cả thế giới bàng hoàng. Trong những năm dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng với nhiều dấu mốc đáng nhớ.

Cố Thủ tướng Abe Shinzo là người đảm nhiệm chức vụ thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản: Nhiệm kỳ I từ tháng 9/2006 đến 9/2007, nhiệm kỳ II từ 12/2012 đến 12/2014, nhiệm kỳ III từ 12/2014 đến 11/2017 và bắt đầu nhiệm kỳ IV từ 1/11/2017.

Thủ tướng Shinzo Abe (giữa hàng trước) cười tươi khi mặc áo dài chuẩn bị chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2006 ở Hà Nội. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Shinzo Abe (giữa hàng trước) cười tươi khi mặc áo dài chuẩn bị chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2006 ở Hà Nội. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng từng khẳng định, trong cương vị Thủ tướng, ông Shinzo Abe đã đóng góp cho sự phát triển của đất nước ông và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ở khu vực thế giới, trong đó có thúc đẩy hợp tác quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. 

Thủ tướng Abe Shinzo chủ trì lễ đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 15 đến 18/9/2015. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Abe Shinzo chủ trì lễ đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 15 đến 18/9/2015. Ảnh: TTXVN

Bà Lê Thị Thu Hằng đưa ra phát ngôn trên trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố từ chức vì không thể đảm bảo sức khỏe để đảm đương vị trí lãnh đạo đất nước Nhật Bản hồi năm 2020.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Ngài Abe Shinzo đã được nhân dân Nhật Bản tín nhiệm nhiều năm ở cương vị Thủ tướng, là nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước Nhật Bản và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ở khu vực và thế giới".

Thủ tướng Abe đã từng tiếp đón nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang thăm Nhật, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2017… Thông qua các sự kiện này, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản liên tiếp đạt những dấu mốc mới.

Năm 2006, trong nhiệm kỳ đầu tiên làm thủ tướng của ông Abe, hai bên nhất trí đưa ra Tuyên bố chung "Hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược" trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tháng 3/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản; Hai bên ra Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản về quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Abe Shinzo tại cuộc họp báo chung tại Tokyo trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 15 đến 18/9/2015. Ảnh: Reuters. 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Abe Shinzo tại cuộc họp báo chung tại Tokyo trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 15 đến 18/9/2015. Ảnh: Reuters. 

Trong thời gian giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe Shinzo đã 2 lần thăm chính thức Việt Nam vào năm 2013 và 2017 và 2 lần đến Việt Nam tham dự Hội nghị APEC 2006, 2017.

Tháng 1/2013, nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân, Thủ tướng Abe Shinzo và phu nhân đến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 16-17. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 của ông Abe Shinzo trên cương vị thủ tướng Nhật Bản cũng đồng thời là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau khi tái đắc cử. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm quan trọng với Thủ tướng Shinzo Abe tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản ngày 15/12/2013. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm quan trọng với Thủ tướng Shinzo Abe tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản ngày 15/12/2013. Ảnh: VGP

Tháng 1/2017, nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và phu nhân đã thăm chính thức Việt Nam. Thủ tướng Abe Shinzo trở thành lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam trong năm 2017. Ông khẳng định, Nhật Bản ủng hộ sự phát triển vững mạnh của đất nước Việt Nam, coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Ngày 16/1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm chính thức Việt Nam tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Reuters
Ngày 16/1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm chính thức Việt Nam tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Reuters

Các chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Abe Shinzo đã đánh dấu những giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước, khẳng định Việt Nam - Nhật Bản là đối tác quan trọng và lâu dài.

Trong các chuyến thăm, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội thông qua nguồn vốn ODA cũng như thúc đẩy hợp tác các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao; cam kết tiếp tục dành ODA ở mức cao lên đến hàng tỷ USD, chứng kiến lễ trao đổi nhiều văn kiện ký kết giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước trị giá hàng chục tỉ yên, cam kết cung cấp các tàu tuần tra đóng mới cho Việt Nam nhằm hỗ trợ mạnh mẽ cho việc nâng cao năng lực chấp pháp trên biển của Việt Nam…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cùng tản bộ tại phố cổ Hội An tối 11/11/2017 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cùng tản bộ tại phố cổ Hội An tối 11/11/2017 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: VGP

Ông Abe Shinzo cũng có quan hệ tốt và rất đặc biệt với tất cả các vị lãnh đạo Việt Nam từ 2006, nhất là từ 2012 đến nay, mang lại nền tảng vững chắc cho quan hệ hiện nay của hai nước.

Quan hệ giữa hai nước hiện đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Đến nay, Nhật Bản nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn cho Việt Nam.

Nhật Bản là nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, là sự công nhận đối với "vị thế nâng cao của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế". Tháng 5/2016, lần đầu tiên trong lịch sử 42 năm của G7, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.