Chủ yếu là công trình thấp tầng mật độ cao
Theo Quyết định 1361/QĐ-UBND (ngày 19/3/2021) của UBND TP Hà Nội, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-1A (khu phố cổ), tỷ lệ 1/2000 có tổng diện tích khoảng 80,93ha, thuộc địa giới hành chính 10 phường của quận Hoàn Kiếm, gồm: Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Mã, Cửa Đông, Lý Thái Tổ, Đồng Xuân, Hàng Gai, Hàng Đào. Quy mô dân số khoảng 45.000 người, được phân chia thành 6 ô quy hoạch và đường giao thông. Tại các ô quy hoạch sẽ được nghiên cứu bổ sung hạ tầng xã hội, bảo tồn cấu trúc các ô phố với nhà ống có sân trong. Từng bước giãn mật độ xây dựng và kiểm soát xây dựng theo quy chế quản lý kiến trúc khu vực.
Về không gian kiến trúc toàn phân khu đô thị được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng với mật độ cao, hình thức công trình khuyến khích phục dựng theo kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ. Cấu trúc không gian đô thị được tổ chức theo các tuyến trục trung tâm, đường chính theo hướng Bắc Nam gồm: Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy và các trục đường ngang theo hướng Đông Tây gồm: Hàng Mã - Hàng Chiểu - Ô Quan Chưởng; Bát Đàn - Hàng Bồ - Hàng Bạc - Hàng Mắm.Trong đó, trục trung tâm bảo tồn, cải tạo nguyên trạng các công trình được xác định có giá trị theo quy định. Các công trình khác phục dựng theo kiến trúc đặc trưng tiêu biểu khu phố cổ và được kiểm soát theo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc; bổ sung cây xanh, tiện ích đô thị; Xây dựng hình ảnh tuyến phố đi bộ với các cửa hàng buôn bán sản phẩm truyền thống, phục vụ du lịch.
Các điểm nhấn lớn trong đô thị tại khu vực này là các không gian mở gắn với công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị; các công trình tôn giáo tín ngưỡng có giá trị văn hóa và giá trị lịch sử, gồm: Quảng trường giao thông cầu Chương Dương; không gian cầu đường sắt Long Biên gắn với ga Long Biên; không gian mở gồm chợ Đồng Xuân và các dãy công trình xung quanh; không gian mở gồm chợ Hàng Da và các dãy công trình xung quanh; chùa Bạch Mã, Ô Quan Chưởng, ngôi nhà di sản 87 Mã Mây.
Các tuyến phố được phân loại theo tính chất đặc trưng, gồm: Phố nghề truyền thống, phố chuyên doanh, phố đi bộ, ngõ phố, được kiểm soát kiến trúc mặt đứng. Chiều cao của các công trình mặt phố tùy theo đặc điểm, tính chất đặc trưng của tuyến phố và tuân thủ theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực được duyệt.
Đáng chú ý về tầng cao, chiều cao công trình, bản quy hoạch nêu, đối với các khu đất có chiều rộng từ 7m trở lên, chiều sâu so với chỉ giới đường đỏ từ 16m trở lên, nằm giáp các tuyến phố đường bao khu vực phố cổ (không thuộc ranh giới khu phố cổ) có mặt cắt ngang đường 13m trở lên (trừ các khu đất nằm giáp tuyến phố đường bao khu phố cố đoạn giao thoa với khu vực Hồ Gươm và phụ cận), thuận lợi về giao thông, đáp ứng các yêu cầu an toàn về phòng cháy chữa cháy, đỗ xe, vệ sinh môi trường... không gây ách tắc ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt của dân cư khu vực có thể xem xét nghiên, cứu xây dựng công trình cao 8 tầng với các chức năng dịch vụ, thương mại, khách sạn...
Cầu Long Biên được cải tạo thành cầu đường bộ
Một trong những nội dung đáng chú ý tại bản quy hoạch phân khu này xác định tuyến đường sắt quốc gia đoạn chạy dọc theo phố Gầm Cầu về lâu dài sẽ dỡ bỏ, cầu Long Biên hiện có được cải tạo nâng cấp thành cầu cho đường bộ đi riêng. Quá trình triển khai sẽ nghiên cứu gắn kết với các dự án cải tạo, phát huy giá trị vòm cầu dẫn đường sắt, dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa cầu Long Biên. Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi, hướng tuyến xác định cơ bản theo hành lang tuyến đường sắt quốc gia hiện có, đoạn tuyến đấu nối với cầu vượt sông Hồng đi dọc theo phố Hàng Đậu. Cầu đường sắt vượt sông Hồng xây dựng mới tại vị trí cách cầu Long Biên hiện có khoảng 75m về phía thượng lưu.
Về đường bộ, mạng lưới đường giao thông trong khu vực lập quy hoạch cơ bản đã có chỉ giới đường đỏ ổn định. Do đó, một số tuyến phố được cải tạo, chỉnh trang vỉa hè và lòng đường đảm bảo về cảnh quan đô thị. Cụ thể, các tuyến đường liên khu vực gồm: Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải (đê hữu Hồng) sẽ được nghiên cứu cải tạo, mở rộng thêm từ 2 - 4 làn xe (mở rộng vào phần đất dải phân cách giữa đường hoặc thay thế kết cấu đê đất băng đê bê tông cốt thép), nâng cao năng lực lưu thông trên tuyến đường; Phố Hàng Đậu, quy mô mặt cắt ngang rộng 19,5 - 20,5m (4 làn xe). ‘ ’
Ngoài ra, các tuyến đường chính khu vực gồm: Nguyễn Hữu Huân (quy mô mặt cắt ngang 17,3 - 21,5m; 3 làn xe), Phùng Hưng (quy mô mặt cắt ngang 29m; 3 làn xe chính, dải đất xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 và đường gom dọc theo phía Tây đường sắt).
Các tuyến đường khu vực gồm: Hàng Lược, Chả Cá, Hàng Cân, Lương Văn Can, Đưòng Thành, Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng có bề rộng mặt cắt ngang 9,5 - 17m (2 - 3 làn xe).
Đường cấp phân khu vực gồm: Cửa Đông, Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Giấy, Hàng Chiếu, Hàng Mã, Bát Đàn, Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Hàng Vải, Lãn ông, Hàng Buồm, Mã Mây có bê rộng mặt cắt ngang từ 8,2 - 14,5m (2 làn xe). Tổ chức giao thông trên các tuyên phố này chủ yểu là đường 1 chiều.
Các tuyến đường nội bộ nhóm ở gồm: Hàng Chai, Cầu Đông, Thanh Hà, Chợ Gạo, Đào Duy Từ, Đồng Thái, Hàng Giấy, Tạ Hiện, Gia Ngư, Đinh Liệt, Hàng Hành, Hàng Mành, Hàng Phèn, Nhà Hỏa có quy mô mặt cắt ngang 5 - 13m (1 - 2 làn xe).
Trong phạm vi quy hoạch phân khu, tổ chức phố đi bộ trên các tuyến phố gồm: Hàng Đào - Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Giày, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện, về lâu dài, tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi tổ chức phố đi bộ trên các tuyển phố còn lại. Cụ thể sẽ được thực hiện theo Đề án riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Về quy hoạch bãi đỗ xe, bố trí 3 bãi chỗ xe ngầm tại khu vực chợ Đông Xuân, khu vực vườn hoa Phùng Hưng, Bát Đàn, khu đất nhà in báo Nhân Dân với tổng diện tích 23.700m2, khuyến khích xây dựng gara ngầm từ 3 - 5 tầng, đáp ứng một phần nhu cầu đỗ xe của khu quy hoạch. Phần còn lại được bố trí tại các bãi đỗ xe tập trung ở lân cận khu quy hoạch (bãi đỗ xe giàn thép cao tầng Trần Nhật Duật, bãi đỗ xe ngầm dưới vườn hoa Hàng Đậu, bãi đỗ xe tại khu đất số 1 Trần Quang Khải, các bãi đỗ xe khác ngoài khu vực bãi sông Hồng) và bổ sung trong các ô đất dự án đầu tư xây dụng mới trong khu quy hoạch.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, khu phố cổ Hà Nội là không gian đặc biệt quan trọng nên đồ án quy hoạch phân khu được nghiên cứu rất công phu. Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đã tiếp thu giải trình, bổ sung hoàn chỉnh theo các góp ý của chính quyền địa phương, các tổ chức cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan, Bộ Xây dựng và theo các chỉ đạo của UBND TP. Bản quy hoạch phân khu H1-1A vừa được duyệt sẽ là cơ sở để quản lý, phát triển khu vực này một cách toàn diện. Tuy nhiên, bên cạnh những quy định đưa ra thì quan trọng nhất vẫn cần có sự nghiêm túc đồng lòng chung tay, chung sức của chính quyền và người dân trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ gìn giữ phát huy món quà di sản của Thủ đô.