Những điểm mới quan trọng trong chế định thừa kế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thừa kế là quan hệ pháp luật diễn ra phổ biến trong xã hội có thể ảnh hưởng đến đời sống của mỗi người dân.

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 bộc lộ một số thiếu sót như không quy định cụ thể sau khi hết thời hiệu thì di sản thừa kế được xử lý ra sao. Quy định này dẫn đến nhiều lúng túng khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến di sản. Cùng với việc sửa đổi các chế định trong BLDS năm 2005, chế định thừa kế đã có những sửa đổi quan trọng nhằm tạo thuận lợi hơn trong khi thực thi.

 
Khai nhận di sản thừa kế tại một phòng công chứng ở TP Hồ Chí Minh.
Khai nhận di sản thừa kế tại một phòng công chứng ở TP Hồ Chí Minh.
Nhìn chung, các quy định của dự thảo BLDS sửa đổi liên quan đến chế định thừa kế đã có một số thay đổi lớn. Tuy nhiên, để khẳng định tính phù hợp với thực tiễn, vẫn cần bổ sung, quy định rõ thêm một số điều. Trong phạm vi bài viết sẽ phân tích một số quy định mới của dự thảo BLDS sửa đổi về chế định thừa kế. Thứ nhất, về di sản thừa kế: Di sản thừa kế đối với tài sản đặc biệt như quyền sử dụng đất, quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ được xác định theo quy định của pháp luật chuyên ngành (Điều 635). Cơ sở của quy định này xuất phát từ quyền sử dụng đất, quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ đang trực tiếp được điều chỉnh bởi pháp luật về đất đai và sở hữu trí tuệ. Do đó, việc dẫn chiếu đến quy định của Luật Đất đai và Luật Sở hữu trí tuệ sẽ tránh được mâu thuẫn chồng chéo giữa các ngành luật. Tuy vậy, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật có chứa đựng chế định thừa kế từ trước tới nay ở Việt Nam chưa đưa ra được khái niệm di sản thừa kế. Chúng tôi cho rằng, việc đưa ra khái niệm di sản thừa kế rất quan trọng vì nó thể hiện được sự khái quát hóa các thuật ngữ pháp lý trước khi đi vào quy định chế độ pháp lý. Theo đó, khái niệm di sản thừa kế có thể được hiểu là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết để lại.

Thứ hai, đối với người thừa kế: Dự thảo BLDS sửa đổi đã quy định theo hướng rút gọn việc xác định người thừa kế (cá nhân và không phải là cá nhân). Với quy định này sẽ bao quát được tất cả các trường hợp người hưởng di sản và đáp ứng được ý nguyện của người lập di chúc khi muốn để lại di sản cho các DN, hợp tác xã, các tổ chức phi chính phủ... Tuy nhiên, những bất cập ở quy định cũ mà dự thảo vẫn giữ nguyên về người thừa kế chưa được khắc phục. Đó là trường hợp những đứa trẻ sinh thành thai sau khi người để lại di sản chết, ví dụ: Sinh con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản. Điều này chưa được dự liệu quy định trong dự thảo lần này.

Thứ ba, về thời hiệu khởi kiện: Thời hiệu khởi kiện về thừa kế phụ thuộc vào di sản thừa kế là động sản hay bất động sản. Trước đây, BLDS năm 2005 quy định thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, BLDS năm 2005 không quy định cụ thể sau khi hết thời hiệu thì di sản thừa kế được xử lý ra sao. Quy định này dẫn đến nhiều lúng túng khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến di sản. Để khắc phục bất cập này, dự thảo BLDS sửa đổi đã tăng thời hạn yêu cầu giải quyết việc thừa kế lên 30 năm nếu di sản thừa kế là bất động sản và 10 năm đối với động sản. Đây là sự thay đổi rất lớn nhằm tạo ra sự thống nhất trong các quy định của BLDS liên quan đến thời hạn luật định (Điều 177, 178), tạo điều kiện thuận lợi hơn về thời gian để người thừa kế thực hiện quyền của mình.

Bên cạnh đó, dự thảo BLDS sửa đổi quy định, nếu hết thời hiệu thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Mục đích của quy định này hướng đến việc đảm bảo tài sản phải được khai thác để mang lại lợi ích, giá trị cho con người. Đồng thời, duy trì sự ổn định xã hội khi thừa nhận quyền sở hữu đối với tài sản đó được xác lập cho một chủ thể mới. Tuy nhiên, quy định này lại mắc ở chỗ, di sản được định đoạt trong di chúc để thờ cúng thì không được chia, tức là không thuộc sở hữu của ai. Vì vậy, sự thay đổi lần này khắc phục được nhiều hạn chế bởi quy định cũ nhưng cần thiết phải loại trừ trường hợp trên.

Như vậy, để bảo đảm được quyền, lợi ích của người dân, các quy định về thừa kế cần phải được lấy ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp Nhân dân và điều chỉnh cho phù hợp trước khi ban hành để đảm bảo các quy định của BLDS thực sự đi vào cuộc sống.