Những điểm nhấn của ngành Giao thông vận tải năm 2023

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành giao thông vận tải vừa trải qua năm 2023 với rất nhiều sự kiện lớn. Trong đó, hầu hết các lĩnh vực lớn của ngành đều có những điểm nhấn rất đáng chú ý.

Ngành đăng kiểm đang dần đi vào ổn định.
Ngành đăng kiểm đang dần đi vào ổn định.

Đăng kiểm tạm bước qua khó khăn

Ngành đăng kiểm bước vào năm 2023 với một biến cố lịch sử. Hàng loạt lãnh đạo, cán bộ của ngành này bị bắt giam vì liên quan đến tiêu cực. Cùng với đó là hàng loạt trung tâm, cơ sở đăng kiểm phải tạm đóng cửa để phục vụ công tác điều tra. Điều này khiến cho ngành đăng kiểm trải qua những tháng đầu năm 2023 với vô vàn khó khăn, thách thức.

Tình trạng quá tải, ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm trở thành hình ảnh phổ biến trên nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên toàn ngành, đăng kiểm đã từng bước vượt qua khó khăn và dần ổn định hoạt động.

"Đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, đáp ứng nhu cầu đăng kiểm phương tiện, thiết bị của người dân, DN” - đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam nói và cho biết thêm, từ tháng 6/2023 đến nay đã giải quyết tình trạng ùn tắc phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm.

Ngoài ra, với việc Bộ GTVT ban hành Thông tư 02/2023/TT-BGTVT và Thông tư 08/2023/TT-BGTVT, ngành Đăng kiểm đã khắc phục một số hạn chế, bất cập tồn tại lâu dài, giúp giảm chi phí, thời gian của người dân, DN, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Ông Nguyễn Chiến Thắng - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đơn vị đã vượt qua nhiều khó khăn để củng cố, dần đưa công tác kiểm định xe cơ giới hoạt động bình thường, ổn định; đồng thời bảo đảm các lĩnh vực hoạt động khác phục vụ tốt cho người dân và DN.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, thời gian tới, ngành Đăng kiểm sẽ tiếp tục được củng cố nhân lực, tháo gỡ các khó khăn để phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, DN.

Hàng không là một trong những loại hình vận tải tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2023.
Hàng không là một trong những loại hình vận tải tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2023.

Vận tải dần trở lại đường đua

Vận tải chính là một trong những lĩnh vực có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong năm 2023. Bỏ lại sau lưng quãng thời gian “đen tối” vì đại dịch Covid-19, hầu hết các loại hình vận tải nòng cốt, từ đường bộ, hàng không đến đường sắt đều cho thấy sự trở lại mạnh mẽ với đường đua của mình.

Sự vươn mình của vận tải thể hiện rõ ràng qua từng con số khi số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023, vận tải trong nước ước đạt 4.203,5 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước và 181,9 tỷ lượt khách.km luân chuyển, tăng 9,7%; vận tải ngoài nước ước đạt 13,9 triệu lượt khách vận chuyển, gấp 3,1 lần và 40,6 tỷ lượt khách.km luân chuyển, gấp 2,9 lần cùng kỳ năm trước.

Theo lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ GTVT, với sự tăng trưởng của ngành Vận tải trong 11 tháng đầu năm, nhất là vận tải hàng hóa tăng cao (12,9%), đã tạo đà cho nền kinh tế phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, ngành vận tải nói chung đã tăng trưởng trở lại, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thông thương hàng hóa trong nước và quốc tế.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhận xét, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước chịu tác động bởi nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài như tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường, xung đột tại Ukraina, Dải Gaza kéo dài, đầu tư, thương mại toàn cầu suy giảm, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng....

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng lòng, tham gia tích cực của cộng đồng DN và người dân; sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Cao tốc Bắc - Nam đang dần hoàn thiện.
Cao tốc Bắc - Nam đang dần hoàn thiện.

Đột phá trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông

Năm 2023 thực sự là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án, trong đó rút ngắn thời gian khởi công 6 dự án quan trọng quốc gia 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường.

Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ GTVT thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần; khởi công các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, các tuyến Vành đai đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khởi công công trình nhà ga Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất..

Đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với 9 dự án dài 475km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900km. Bên cạnh đó, công tác lập, triển khai quy hoạch thực hiện bài bản, khoa học. Bộ GTVT là một trong các bộ trình sớm nhất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/5 quy hoạch ngành Quốc gia.

Việc chuẩn bị các đề án quan trọng đạt được kết quả tích cực, Bộ GTVT đã tiếp thu, hoàn thiện, trình Thường trực Chính phủ Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Đặc biệt, công tác giải ngân vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp kinh tế của Bộ GTVT tiếp tục đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra. Năm qua, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao số vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay với hơn 94 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần so với năm 2022), cùng với số vốn sự nghiệp kinh tế hơn 19,9 nghìn tỷ đồng phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

Bộ GTVT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả để điều hành giải ngân kế hoạch vốn. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kết quả giải ngân của Bộ đến hết niên độ kế hoạch dự kiến đạt trên 95%.

 

"Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ GTVT cũng thẳng thắn, cầu thị nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế cần được xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Đó là công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng “trá hình” còn diễn ra ở nhiều địa phương. Tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Mặc dù nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, tuy nhiên các trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân. Việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng" – Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng