Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những điều chỉ có ở Tết Đoan ngọ

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tục lệ cổ truyền, Tết Đoan ngọ hay còn gọi Tết Giết sâu bọ. Hầu hết ở các vùng quê người Việt đều ăn các loại quả vải, mận và thịt vịt để giết sâu bọ.

Những điều chỉ có ở Tết Đoan ngọ
Theo triết lý y học phương Đông, ngày Tết Đoan ngọ vào thời điểm từ 11 giờ trưa đến 13 giờ chiều là khoảng thời gian mặt trời gần trái đất nhất, sinh ra dương khí nhiều; hỏa khí trong người trong ngày này cũng tiết ra nhiều nhất, do đó còn gọi đây là Tết Đoan dương. Như vậy, cả trời và người đều sinh ra dương khí cao nhất. Do đó, vào thời điểm này người ta thường hái những loại lá cây để làm thuốc vì chúng tiết ra lượng lớn các chất có tác dụng chữa bệnh, đặc biệt những loại cây chữa cảm mạo, ho, sốt, mụn nhọt, đau răng, rôm sảy… như chanh, sả, bưởi, hương nhu, kinh giới, tía tô, lá tre…
 Vải thiều, mận hậu mỗi năm chỉ có 1 vụ quả, việc dâng cúng gia tiên dịp Tết Đoan ngọ thể hiện lòng biết ơn, hiếu thuận.

Tết Đoan ngọ, theo lịch Âm dương ngũ hành, đây là thời điểm giao mùa, tiết trời bắt đầu bước vào tiết Hạ chí, được diễn ra vào khoảng thời gian là tháng 5 Âm lịch. Đây là khoảng thời gian nắng nóng diễn ra cực điểm trong năm; cũng là thời điểm người dân ở những nước có nền nông nghiệp lúa nước, trong đó có Việt Nam cơ bản kết thúc vụ thu hoạch nông sản đầu tiên trong năm.
Do đó, theo tục lệ xưa: Thịt vịt, mận hậu, vải thiều… là những trái cây, thực phẩm vừa được thu hoạch theo mùa, người dân dâng cúng tổ tiên để thể hiện lòng hiếu thuận, báo công có vụ mùa thắng lợi, cũng là cầu cho trời đất mưa thuận, gió hòa, bước vào vụ sản xuất mới. Sau một vụ mùa, người nông dân bắt đầu chiến dịch bắt sâu, làm sạch đồng ruộng chuẩn bị cho vụ sản xuất mới đó là thuận theo lẽ tự nhiên, do đó ngày 5/5 Âm lịch nhiều nơi có tục đi bắt sâu bọ bảo vệ mùa màng, cây cối.
Tác dụng ăn trái cây trong ngày Tết Đoan ngọ
Vào ngày Tết Đoan ngọ, theo phong tục cổ truyền, những loại quả thường được sử dụng mang tính chua như mận, đào, vải, xoài… Tuy nhiên, mận và vải là 2 loại quả được dùng nhiều nhất. Như đã nói ở trên đây là 2 loại quả thu hoạch theo mùa, mỗi năm chỉ có 1 mùa được người dân dâng cúng tổ tiên, cùng với gạo nếp mới nấu cơm, làm rượu theo tục lệ cổ truyền.
 Mận hậu, vải thiều và cái rượu nếp dâng lễ gia tiên dịp sáng sớm 5/5 Âm lịch, sau đó thừa lộc để giết sâu bọ.

Tuy nhiên, vải, mận hậu mang ý nghĩa giết sâu bọ, bởi vì vào thời gian này nắng nóng gay gắt, khiến trong mỗi người chúng ta mất nước và khoáng chất nhiều do đó ăn các loại trái cây nhằm bổ sung năng lượng cho cơ thể, chống lại nắng nóng và bệnh tật.
Cả 2 loại quả vải và mận hậu đều có khá nhiều dưỡng chất bồi bổ cơ thể như: Phòng chống ung thư, tăng cường can xi hỗ trợ chắc xương khớp, hỗ trợ tiêu hóa tốt, chống lão hóa, tăng cường vitamin C và B, cải thiện làn da, hỗ trợ giảm cân, ngăn ngừa bệnh tim, cải thiện thị lực…
Trong trái vải còn có chất oligonol là một loại polyphenol trọng lượng phân tử thấp chứa nhiều trong vải. Đây là loại chất có các đặc tính chống oxy hóa và chống virus cúm. Nó cũng giúp cải thiện lưu thông máu, giảm cân và bảo vệ làn da khỏi tia UVA có hại trên da khi đi vào những ngày nắng nóng, làm giảm mỡ sâu, giảm mệt mỏi sau tập luyện, tăng cường sức chịu đựng cũng như giảm nếp nhăn và tàn nhang trên da. Vitamin B trong trái vải là hợp chất như thiamine, riboflavin, niacin và folate, giúp tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện chức năng gan cũng như các cơ quan khác trong cơ thể. Các chất trong trái vải còn có tác dụng làm cho mái tóc khỏe, đẹp.
Tuy nhiên, vì trong 2 loại trái cây này có nhiều vitamin C dễ gây hại cho niêm mạc dạ dày, do đó chỉ nên ăn ít vào buổi sáng khi chưa ăn gì. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người dân, nhất là những người có bệnh về dạ dày chỉ nên ăn vải, mận sau khi đã ăn bữa sáng khoảng 30 phút. Những người bị cảm nắng, sốt, mụn nhọt không nên ăn 2 loại quả này.
Thịt vịt bồi bổ sức khỏe ngày nắng nóng
Cũng giống 2 loại trái cây kể trên, theo cách nuôi truyền thống trước kia, mỗi năm vịt chỉ được nuôi 2 vụ. Người nông dân nuôi vào mùa lúa đến tháng 5 và tháng 10 Âm lịch trở đi là được thu bán, nhằm tận dụng hạt lúa rơi vãi trên đồng ruộng sau thu hoạch. Ngày nay, do công nghệ phát triển, thức ăn cho gia súc, gia cầm được chế biến sẵn bán trên thị trường nên vịt được chăn thả quanh năm.
Thịt vịt có thể luộc, nấu canh sấu, canh măng. Đặc tính mát, tính bình, giải nhiệt, bồi bổ cơ thể, giúp người dân lựa chọn sử dụng trong ngày nắng nóng.

Cùng với đó, đặc tính quan trọng của thịt vịt trong nhóm thực phẩm gia cầm đã giúp người dân lựa chọn ăn vào dịp Tết Đoan ngọ. Cụ thể, theo y học phương Đông, thịt vịt có tính bình, mát, ngọt, có tác dụng bồi bổ cơ thể cho những người làm việc nhiều trong những ngày nắng nóng, có thể giúp cơ thể hạ nhiệt khi bị nóng sốt, cảm nắng.
Đặc biệt, Tết Đoan ngọ, mặt trời ở gần trái đất nhất, do đó khí trời nóng nực nhiệt độ tăng cao, việc ăn thịt vịt nhằm giải nhiệt, bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe cân bằng âm dương trong cơ thể.
Thịt vịt là loại gia cầm chế biến được khá nhiều món, như: Vịt luộc, vịt nướng, nấu canh măng, canh sấu, cháo vịt, vịt hầm thuốc bắc, hầm hạt sen… Những người gầy yếu, mới ốm dậy có thể dùng vịt hầm thuốc bắc, hầm hạt sen để bồi bổ giúp cơ thể nhanh bình phục. Những người bị cảm nắng, sốt nóng có thể nấu cháo thịt vịt cho hành hoa, tía tô ăn nóng vừa bồi bổ cơ thể, vừa giải cảm, giảm sốt.
Như vậy, ăn các trái cây vải thiều, mận hậu mang tính nóng với thịt vịt mát cùng 1 ngày sẽ quân bình âm dương, khí huyết trong người. Ăn thức ăn nóng buổi sáng là vải, mận; ăn thịt vịt buổi trưa tối sẽ giải nhiệt nắng nóng.