Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những điều làm nên một Vũ Đức Sao Biển!

Theo congan.com.vn
Chia sẻ Zalo

Trong biển cả những bản tình ca nhạc Việt, bên cạnh tác phẩm của các cây đa cây đề tình khúc, bản “chân tình ca” Thu hát cho người nổi bật như một bông hoa dân dã không tên giữa bạt ngàn cúc, hồng, thược dược…

Sáng nay vừa chạy bộ bờ kè về thì nghe báo tin buồn về anh, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển!
Dạo ấy tôi phụ trách chương trình Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, hẹn làm một cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Tôi gặp và trò chuyện, ghi âm phỏng vấn anh ngay trên chiếc ghế đá giữa cái sân rộng thênh của tòa soạn Báo Công an TPHCM, nơi anh đang công tác.
 Cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Thái độ anh từ tốn, khiêm nhường dù anh lớn tuổi hơn tôi nhiều. Vẻ chỉn chu, mô phạm của Vũ Đức Sao Biển khiến tôi chợt nhớ anh xuất thân từ một ông giáo. Sau đó tôi còn có dịp gặp gỡ anh nhiều lần, có lần chỉ cà phê cà pháo bâng quơ chuyện văn nghệ; có lần là thông tin, bài vở; có lần là một chuyến đi đâu đó của anh Huỳnh Bá Thành (Tổng biên tập Báo Công an TPHCM) có anh Vũ Đức Sao Biển tháp tùng mà tôi được mời đi cùng…
Từ hồi còn là học sinh “trung học đệ nhất cấp” ở Sài Gòn tôi đã thuộc nằm lòng bài ca Thu hát cho người, cũng biết đến tên tuổi nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từ đó. Hồi đó, thời “bom rơi đạn lạc”, lại tuổi mới lớn mà nghe câu chuyện tình “Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó. Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư. Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió. Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ…”. Thú thật, suốt mấy chục năm sau và cho đến tận bây giờ tôi cứ bị ám ảnh mãi câu hát “Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ…”. “Sáng linh lan” là cái buổi sáng kỳ quái nào thế?
 
Cũng có lần lựa lúc vui chuyện tôi hỏi đột ngột, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nở nụ cười mỉm chi nửa miệng quen thuộc: “Ông hiểu sao tùy ông!”. Phải nhìn nhận, trong biển cả những bản tình ca của miền Nam trước 30-4-1975, hầu hết là tác phẩm của các cây đa cây đề tình khúc, bản “chân tình ca” Thu hát cho người nổi bật như một bông hoa dân dã không tên giữa bạt ngàn cúc, hồng, thược dược…
Lại nhớ, khoảng năm 1985 – 1987, khi mà “nhạc vàng” chưa được trình diễn rộng rãi như bây giờ, cả TPHCM chỉ có duy nhất sân khấu ở 81 Trần Quốc Thảo (Hội LHVHNT TPHCM) do nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu phụ trách là được “trình diễn thử nghiệm” một số bản “nhạc tiền chiến”.
Cùng lúc đó chúng tôi – nhạc sĩ Võ Đăng Tín và tôi – tổ chức một “quán cà phê nhạc” tại sân vườn của Hội Mỹ thuật TP (218A Pasteur, Q3) quy tụ nhiều ca sĩ hát tình khúc, đặc biệt nam ca sĩ “sáng say chiều xỉn” Nhật Tài cứ đến giờ trình diễn là đòi hát bằng được tình khúc Thu hát cho người của Vũ Đức Sao Biển, tôi không đồng ý vì đây là “bài hát trước 1975”. Thế nhưng khi đã “làm chủ sân khấu” thì Nhật Tài cứ… Thu hát cho người.
 
Tôi nhìn hàng trăm khán giả đang chết lặng, đang dừng ly cà phê khi đã đưa lên kề môi để “nuốt” từng ca từ “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa. Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ. Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ…”. Tôi đã hiểu ra chân lý thật đơn giản: Không thể cấm đoán cái đẹp! Mà Thu hát cho người là một tình khúc mà ca từ đẹp như một giấc mơ, hòa quyện cùng giai điệu rất du dương, giản dị… đương nhiên nó không thể chờ đợi cho đến khi “được phép”!
Một hôm bất chợt tôi bị “vỡ mộng” khi biết anh nhạc sĩ trữ tình mà mình hằng ngưỡng mộ kia lại chính là tác giả Đồ Bì thường xuất hiện dưới các bài viết mượn thể loại văn tế xa xưa để châm chích chính trường (trước 1975) và thói hư tật xấu. Đọc những bài văn tế biền ngẫu có cách tân của Đồ Bì tôi cứ nghĩ tác giả là một ông già khăn đóng áo the mặt mũi đăm đăm khó tính…
Vỡ lẽ, tôi lại không hiểu được vì đâu một ông giáo, một nhạc sĩ tình ca lại có thể viết văn biền ngẫu, đối từ đối câu đối ý chan chát như sấm sét vậy. Hai tư duy thể loại trái ngược nhau sao lại có thể “chung sống hòa bình” trong não bộ một con người? Tôi còn được biết dưới bút danh Đồ Bì, Vũ Đức Sao Biển đã xuất bản hàng chục đầu sách trào phúng như: Bản báo cáo biết bay, Vạn tuế đàn ông, Thỏ thẻ cùng hoa hậu, Ba đời ham vui…
Quen biết, giao du với Vũ Đức Sao Biển tôi còn nhìn thấy ở anh một điểm đặc biệt nữa: Là người Quảng Nam rặt nhưng những bài hát nổi tiếng của anh đều là những bài ca mang âm hưởng miền Tây Nam bộ, vùng đất đã cưu mang anh những năm tháng khốn khó sau 1975. Không nói đến Thu hát cho người vốn đã có chỗ đứng từ trước 1975, các nhạc phẩm sau này tô đậm thêm tên tuổi của Vũ Đức Sao Biển đều là sáng tác anh viết về miền Tây: Đau xót lý chim quyên, Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Lý vọng phu…
Đâu đó trên internet tôi còn bắt gặp tâm huyết của Vũ Đức Sao Biển dành cho âm nhạc dân gian miền Tây Nam bộ khi mà ông bỏ công sức để phục dựng lại bài Dạ cổ hoài lang, sau đó ông lại tham gia dịch ca từ Dạ cổ hoài lang ra ba thứ tiếng Anh, Pháp và Quan thoại…
Mỗi lần trò chuyện với anh, nghe giọng Quảng rặt của anh, liên tưởng đến các bài hát của anh mang đậm âm hưởng dân ca Tây Nam bộ tôi vẫn không ngừng thắc mắc vì sao trái tim miền Trung trong con người nhạc sĩ ấy lại dào dạt tuôn chảy dòng máu sông hồ của người miền Tây nơi cuối đất…
Vĩnh biệt anh Vũ Đức Sao Biển, tôi chỉ muốn những thắc mắc trên sẽ mãi còn đọng lại, vì chính những điều đó đã làm nên một Vũ Đức Sao Biển như anh!