Những đóng góp bằng trí tuệ và tâm huyết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (3/3) là kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập ngành Tuyên giáo Thủ đô (3/3/1949 - 3/3/2015). Trong những năm qua, bằng trí tuệ và tâm huyết, đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo đã góp phần quan trọng để Thủ đô vững bước trên con đường phát triển văn minh, hiện đại hơn.

Những ngày đầu thành lập

Tháng 6/1930, Thành ủy Hà Nội chính thức ra đời do đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ làm Bí thư. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc kỳ, Thành ủy đã tổ chức Đội tuyên truyền xung phong tích cực tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng của Đảng trong các tầng lớp Nhân dân, tập hợp quần chúng vào các đoàn thể, ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, mở rộng và phát triển cơ sở cách mạng không chỉ ở địa bàn Hà Nội mà còn ở cả một số vùng của Hà Đông và Sơn Tây. Có thể nói, đây chính là tổ chức tiền thân của Ban Tuyên huấn Thành ủy sau này.

 
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho đảng viên Đỗ Cẩn (chi bộ 10, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai).  	Ảnh: Hà Vy
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho đảng viên Đỗ Cẩn (chi bộ 10, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai). Ảnh: Hà Vy
Giai đoạn trước, trong và sau Cách mạng tháng Tám, công tác tuyên truyền của Thành ủy do đồng chí Bí thư trực tiếp phụ trách. Trong Thành ủy có một bộ phận cán bộ ra hoạt động công khai, lấy danh nghĩa Thành bộ Việt Minh. Công tác tuyên truyền của Thành bộ do đồng chí Khuất Duy Tiến - Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách. Tỉnh ủy Hà Đông và Tỉnh ủy Sơn Tây do các đồng chí Bí thư phụ trách. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục từ tỉnh, thành xuống tận khu phố, làng xã; mở các lớp huấn luyện cấp tốc về "Chủ nghĩa cộng sản sơ giản"; "Năm bước công tác trong quần chúng"; giải thích kịp thời các chủ trương của Đảng và Chính phủ, chính quyền cách mạng đã đứng vững trước sự chống phá của kẻ thù.

Ngày 16/2/1949, Thành ủy ban hành Nghị quyết số 10 phân công đồng chí Khuất Duy Tiến - Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban Tuyên huấn. Đến ngày 3/3/1949, Thành ủy ra Quyết định số 18-QĐ/TUHN tách Ban Tuyên huấn ra khỏi Ban Đảng vụ và phân công đồng chí Ngô Ngọc Du - Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban Tuyên huấn.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, phối hợp với chiến trường toàn quốc, các Ban Tuyên huấn đẩy mạnh tuyên truyền về các tin chiến thắng trên các chiến trường, đặc biệt tập trung mũi nhọn vào việc tuyên truyền cho công tác tiếp quản Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây, thực hiện tốt chính sách đối với các TP, thị xã mới giải phóng, chống địch cưỡng ép Nhân dân di cư vào Nam. Giai đoạn này, tổ chức Ban Tuyên huấn đã từng bước phát triển và trưởng thành, góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của dân tộc.

Trưởng thành từ gian khó

Sau khi Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, Ban Tuyên huấn Hà Nội và Ban Tuyên - văn - giáo - huấn Hà Đông, Sơn Tây đã mở đợt tuyên truyền sâu rộng về thắng lợi của Đại hội; đồng thời, tham mưu cho Thành ủy, Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng trong toàn Đảng bộ cũng như các cấp, các ngành về nhiệm vụ chung của cả nước, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Nhiệm vụ công tác tuyên huấn thời kỳ 1961 – 1965 là tuyên truyền về các phong trào thi đua lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm; tuyên truyền về những chiến thắng của quân và dân miền Nam. Năm 1965, đế quốc Mỹ tăng cường cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc. Cả nước chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Để hoàn thành nhiệm vụ vừa sản xuất vừa chiến đấu, Ban Tuyên huấn được tăng cường thêm bộ phận khoa giáo, tuyên truyền chiến đấu; ngoài số cán bộ chuyên trách của Ban, có thêm sĩ quan của Bộ tư lệnh Thủ đô biệt phái đến hỗ trợ về tuyên truyền chiến đấu. Lúc này, Ban Tuyên huấn Thành ủy đổi tên là Ban Tuyên giáo.

Trong những năm chống Mỹ cứu nước 1965 - 1975, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Tỉnh ủy đã tham mưu, chỉ đạo hướng dẫn các cấp, các ngành trong khối tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên mọi lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng. Tuyên truyền tin chiến thắng của quân và dân hai miền Nam - Bắc, về gương của những tập thể, đơn vị xuất sắc, gương "người tốt, việc tốt". Một hình thức sinh hoạt mới được Hà Nội áp dụng là "Báo công, lập công" có tác dụng giáo dục sâu sắc lôi cuốn đông đảo Nhân dân tham gia.

Vững bước trên con đường đổi mới

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) đề ra đường lối đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Ban Tuyên huấn đã tập trung cao độ cho nhiệm vụ tuyên truyền, quán triệt đường lối đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nhất là về đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, tuyên truyền 3 chương trình kinh tế của Đảng là: Lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng cùng các nghị quyết Hội nghị T.Ư khóa VI của Đảng.

Công tác chính trị tư tưởng càng được đẩy mạnh, nhất là sau sự kiện Liên Xô và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa ở châu Âu tan rã. Cán bộ, chuyên viên, nhân viên Ban Tuyên giáo đã đồng tâm nhất trí phối hợp với các ngành, các cấp tuyên truyền chống lại những luận điệu của các phần tử đi ngược lại chủ nghĩa xã hội, âm mưu thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình”, chuẩn bị kế hoạch bạo loạn, lật đổ Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Bên cạnh việc tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các Nghị quyết Hội nghị T.Ư khóa VII, Ban Tuyên giáo chú trọng tuyên truyền các chương trình kinh tế - xã hội của Thành ủy, Tỉnh ủy, sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh, xây dựng quản lý đô thị và các phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, dân số - kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới…

Trong những năm từ 1991 - 2008, công tác Tuyên giáo đã có những đóng góp to lớn vào sự ổn định về các mặt trong sự lãnh đạo của Thành ủy và Tỉnh ủy. Từ 1/8/2008 đến nay, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Đảng ủy và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã động viên cán bộ, đảng viên, chuyên viên, nhân viên cơ quan đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành mọi nhiệm vụ của Thành ủy giao cho.

Trong đó, nổi bật là việc tham mưu triển khai quán triệt có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của T.Ư, TP; Tham mưu triển khai học tập, quán triệt tổ chức thực hiện nghị quyết hội nghị T.Ư, gắn với tiếp tục nắm bắt tình hình việc thực hiện kiểm điểm, phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”. Ban cũng đã kịp thời nắm bắt tình hình dư luận về các vấn đề liên quan đến các chủ trương, chính sách lớn cũng như các vấn đề đột xuất phát sinh trên địa bàn TP. Kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện Đề án 05 về “Đổi mới công tác nắm bắt, nghiên cứu và định hướng dư luận xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của TP”. Duy trì thường xuyên và nâng cao chất lượng giao ban hàng tháng tại các cụm dư luận do Ban Tuyên giáo quản lý; tổ chức cho đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội TP đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại cơ sở. Tiến hành điều tra xã hội học trên các lĩnh vực như văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới... Phối hợp thực hiện tốt Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo và chính quyền cùng cấp theo Quy định 221 của T.Ư về tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân...

Hệ thống Tuyên giáo các cấp còn làm tốt công tác tham mưu đưa nội dung học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) trở thành công việc thường xuyên, nền nếp. Ban Tuyên giáo Thành ủy còn chỉ đạo báo chí TP tuyên truyền các hoạt động kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước, thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội; việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các hoạt động, chỉ đạo, điều hành của TP Hà Nội; đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, cơ hội, phản động...

Với những đóng góp to lớn ấy, trong những năm qua, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Ba cùng nhiều bằng khen của Thành ủy, Tỉnh ủy. Đây là những phần thưởng quý báu, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần đối với tập thể Ban Tuyên giáo cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo của Thủ đô để tiếp tục hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao.