Những giai điệu đồng hành cùng văn hóa giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi xưa, trong chiến tranh, âm nhạc đã góp phần thúc giục bao người xông pha trận tuyến, sẵn sàng hy sinh để Tổ quốc thanh bình. Ngày nay, trong thời thanh bình, âm nhạc lại sẵn sàng đồng hành chia sẻ để giảm bớt nỗi hiểm họa cho những người tham gia giao thông.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của văn hóa, nghệ thuật đối với đời sống Nhân dân và đối với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Với Người: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, người văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Tư tưởng của Người là hiện thân những khát vọng của cả dân tộc ta trong việc khẳng định bản sắc của mình.

Suốt hơn nửa thế kỷ qua, theo tinh thần ấy, những chiến sĩ làm văn hóa văn nghệ, đặc biệt là đội ngũ nhạc sĩ, ca sĩ đã khẳng định vai trò xung kích của văn hóa nghệ thuật trong sứ mệnh giải phóng dân tộc. Một hồi kèn xung trận, một bài hát vút lên từ chiến hào, cả nước có phong trào "tiếng hát át tiếng bom" tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ đội quân xung trận giết thù. Rồi còn biết bao nhạc sĩ, ca sĩ, tay đàn, tay súng cùng chung chiến hào chống quân thù, trong đó có những nhạc sĩ hy sinh tại mặt trận. Cùng với các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế và các hoạt động nghệ thuật khác, âm nhạc có vai trò rất quan trọng tạo thành sức mạnh trong mặt trận giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngày nay, trong xu thế phát triển và hội nhập, nền kinh tế của đất nước và Thủ đô không ngừng phát triển, âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cổ vũ đời sống tinh thần, góp phần tạo ra của cải vật chất, nhất là trong mặt trận giữ gìn và phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh mặt tích cực về cải thiện đời sống tinh thần của người dân thì vấn đề ATGT đã và đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Thật vô lý khi ngay trong thời bình, số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông còn nhiều hơn số người chết trong chiến tranh. Giữa an toàn và tai nạn là một đường biên vô cùng mỏng manh. Bất cứ lúc nào lưỡi hái tử thần cũng có thể hạ xuống bởi sự bất cẩn, sự vô ý, sự vô trách nhiệm… của những người tham gia giao thông.

Dùng âm nhạc tuyên truyền văn hóa giao thông

Với mục tiêu chặn đứng lưỡi hái tử thần, để những người tham gia giao thông không phải chịu cái chết oan ức, tức tưởi, những người được lãnh trách nhiệm trong Ủy ban ATGT từ T.Ư đến địa phương đã phải tạo ra nhiều phương sách tuyên truyền và răn đe đối với tất cả những người tham gia giao thông nhằm mục đích giảm thiểu những mất mát đáng tiếc trong cộng đồng. Một trong những phương sách khá hữu hiệu là tìm đến sự trợ giúp của âm nhạc. Khi xưa, trong chiến tranh, âm nhạc đã góp phần thúc giục bao người xông pha trận tuyến, sẵn sàng hy sinh để Tổ quốc thanh bình. Ngày nay, trong thời thanh bình, âm nhạc lại sẵn sàng đồng hành chia sẻ để giảm bớt nỗi hiểm họa cho những người tham gia giao thông.

 
Nghiêm chỉnh chấp hành luật                      để tránh tai nạn và ùn tắc giao thông.  	Ảnh: Quỳnh Anh
Nghiêm chỉnh chấp hành luật để tránh tai nạn và ùn tắc giao thông. Ảnh: Quỳnh Anh
Thực ra, các nhạc sĩ đã đi trước với vấn đề này từ lâu. Ngay từ năm 1973, Hà Nội đã đón một cái Tết thanh bình sau 12 ngày đêm tháng Chạp nóng bỏng với trận "Điện Biên Phủ trên không". Trong không khí rộn rã ấy, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết về việc tham gia giao thông đúng luật qua ca khúc "Từ một ngã tư đường phố": Từ một ngã tư đường phố/Cuộc sống reo vui từng giờ/Khi nắng mai về người và xe nối nhau đi trên đường/Đèn đỏ, đèn xanh quanh anh/Đang nhảy múa như ngàn hoa …

Đến khi mặt trận "An toàn giao thông" mở ra những năm tháng này, biết bao ca khúc trên các miền Tổ quốc đã ra đời nhằm đồng hành cùng người tham gia giao thông. Có những ca khúc đã có những lời lẽ rất sát thực để người tham gia giao thông đón nhận như lời chia sẻ, lời nhắc nhở: “Nào cùng cất lên lời ca bảo vệ cho mình/Giữ vững an toàn khi ta đang lái xe/Còn mùi rượu bia thì không nên cầm lái/Đường về còn xa làm ta ai biết tỉnh say…” (ca khúc "Bài hát an toàn giao thông" của Kiều Tấn Minh)

Có những ca khúc mà ca từ như một lời hiệu triệu với những người tham gia giao thông về sự an toàn: “Tham gia giao thông chúng ta cần phải học luật lệ giao thông đường sông, đường bộ luôn chấp hành ý thức trong ta, là niềm vui chung cộng đồng xã hội…” (ca khúc "Hành khúc an toàn giao thông" của Trần Tôn)

Có những ca khúc với giai điệu mới mẻ đương đại cũng đưa đề tài này vào rất sôi động: “Những cánh tay xanh, những lá cờ đỏ bên ngã tư đường/Ngày ngày giúp giao thông không còn ùn tắc/Tuổi trẻ chung tay góp sức cho đời/Với hy vọng một thành phố an toàn giao thông” (ca khúc "Vì một TP an toàn giao thông" của Phan Hồng Quang).

Tác giả Thế Khoa lại dựa vào điệu hát ghẹo Phú Thọ "Bà rằng bà rí" để đưa vào đó ca từ tuyên truyền ATGT rất dí dỏm, dễ nhớ: “Đường gì mà ùn tắc, tắc tịt tì ti/Như nêm người đi trước sau chật cứng/Bước đi bươn rừng, mắt hoa chân chùng, vẫy vùng hoài công...”.

Những ca khúc về ATGT còn chú ý truyền đạt tinh thần cuộc chiến cam go này tới cả lớp thiếu niên nhi đồng ngây thơ. Tác giả Vũ Trọng Tường trong "Cô dạy bé bài học giao thông" đã thủ thỉ bằng giai điệu hồn nhiên: “Cô dạy cho bé học bài học giao thông/Lời dạy của cô bao mến yêu ngọt ngào/Khi lưu thông trên đường luôn đi bên lề phải/Bé luôn nhớ đừng quên để ATGT...”.

Câu chuyện ATGT còn khiến họa sĩ Tường Vân khi sinh thời đã viết ca khúc "Đường em đi" để dạy ngay cho con gái của mình: “Đường em đi là đường bên phải/ Đường ngược lại là đường bên trái/ Đường bên trái thì em không đi...”.

Sức lan tỏa lớn

Ý thức được tầm quan trọng của mặt trận đấu tranh vì ATGT, năm 2012, Ủy ban ATGT quốc gia đã phối hợp cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cuộc thi ca khúc viết về ATGT với sự tham gia của nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Văn Thành Nho, Lê Hàm, Lê Mây, Doãn Nguyên, Trương Quang Lục, Lê Quang Vũ, Trần Gia Cường... Các tác phẩm đoạt giải đã được thu âm, phát sóng trên truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam và được công chúng nhiệt tình đón nhận. Những quy định trong luật giao thông vốn khô cứng nay được truyền tải bằng ngôn ngữ âm nhạc khiến người tham gia giao thông dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc tạo ra sức lan tỏa nhanh trong cộng đồng. Từ đó, góp phần giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Các chương trình về ATGT trên sóng phát thanh, truyền hình địa phương và T.Ư nên thường xuyên đưa những giai điệu này đồng hành cùng những người tham gia giao thông để dần dà những lời hát đó tác động vào tâm thức của họ, để việc giữ gìn trật tự ATGT không còn là việc của riêng ai mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, nâng cao ý thức gìn giữ an toàn cho người tham gia giao thông.