Những giải pháp bền vững cho phát triển chăn nuôi bò sữa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối năm 2014, việc tiêu thụ sữa gặp khó khăn (nhất là ở khu vực huyện Gia Lâm), giá cả không ổn định làm cho người chăn nuôi hết sức lo lắng.

Vậy có giải pháp nào phù hợp, hiệu quả trong việc thu mua sữa để chăn nuôi bò sữa tiếp tục phát triển?

Khó khăn và nguyên nhân

Thực tế những năm qua, việc tiêu thụ sữa của Hà Nội khá ổn định. Đó là do TP và các công ty thu mua sữa đã có những chính sách phù hợp như quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến sữa. Các cơ quan, DN phối hợp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tham quan học tập kinh nghiệm. Mặt khác, có cơ chế cho mạng lưới thu gom tiêu thụ sữa, thưởng cho hộ có chất lượng sữa cao, ký hợp đồng với người dân để đảm bảo cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất... Với sự vào cuộc đồng bộ và những chính sách phù hợp của TP đã thúc đẩy tốc độ tăng đàn bò sữa khá mạnh từ 8.500 con năm 2010 lên gần 15.000 con năm 2014.
Một mô hình nuôi bò sữa tại huyện Gia Lâm.
Một mô hình nuôi bò sữa tại huyện Gia Lâm.
Tuy nhiên, cuối năm 2014, việc tiêu thụ sữa gặp khó khăn (nhất là ở khu vực huyện Gia Lâm), giá cả không ổn định làm cho người chăn nuôi hết sức lo lắng. Có nhiều nguyên nhân khiến việc tiêu thụ sữa gặp khó khăn như giá sữa bột trên thị trường thế giới giảm mạnh, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ... Riêng địa bàn Hà Nội còn có những nguyên nhân chủ quan như chăn nuôi tự phát, không nằm trong quy hoạch nhưng đã tự phát triển bò sữa. Các hộ chăn nuôi chủ quan không thực hiện việc ký kết với công ty thu mua sữa để đảm bảo đầu ra ổn định... Bên cạnh đó là cách sản xuất thiếu chuyên nghiệp: Vì lợi ích trước mắt, nhiều hộ chăn nuôi không thực hiện cam kết với công ty đã bán sữa ra ngoài làm ảnh hưởng nguồn cung nguyên liệu sản xuất. Đến khi thị trường tiêu dùng sữa tươi giảm, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn sẽ khó có được sự hỗ trợ từ các công ty... Những bất cập này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ sữa từ chính các hộ chăn nuôi và gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất. Một nguyên nhân nữa được đề cập trong việc thu mua sữa không ổn định là công tác quản lý nâng cao chất lượng sữa. Do chăn nuôi nhỏ lẻ (có nơi chỉ nuôi 1 - 2 con/hộ), nhiều hộ chăn nuôi chưa áp dụng quy trình nên lượng sữa thu gom từ các hộ thấp, không đồng đều, chất lượng sữa không cao... Những nguyên nhân đó đồng nghĩa với việc giá sữa do các công ty trả đến người chăn nuôi không thể ổn định.

Những giải pháp cơ bản

Để việc tiêu thụ sữa năm 2015 và những năm tới có bước phát triển ổn định, ngành NN&PTNT Hà Nội đã và đang tập trung triển khai những giải pháp cụ thể. Đó là tiếp tục phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trong đó, tập trung tại các xã thuộc 2 huyện Ba Vì, Gia Lâm và các hộ chăn nuôi lớn ngoài khu dân cư. Nâng quy mô chăn nuôi quy mô trang trại xa khu dân cư lên trên 10 con/hộ để từng bước đảm bảo việc đầu tư trạm thu mua sữa lớn tập trung. Rà soát để tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi bò sữa thực hiện chăn nuôi theo quy hoạch. Mặt khác, làm tốt công tác truyên truyền giúp người chăn nuôi có đầu ra cho sản phẩm bằng việc ký hợp đồng với các công ty thu mua sữa ngay từ khi bắt đầu chăn nuôi. Các cơ quan chuyên môn sẽ làm cầu nối để các công ty đảm bảo thu mua hết sữa cho nông dân...

Ngoài những động thái trên thì một giải pháp rất cơ bản để việc tiêu thụ sữa thuận lợi là nâng cao chất lượng sữa cho các hộ chăn nuôi. Việc này vừa nâng cao giá bán vừa dễ dàng tiêu thụ. Thực tế, thời điểm thu mua gặp khó khăn, các công ty thu mua sữa luôn ưu tiên mua sữa của các hộ có chất lượng sữa tốt thay vì mua của các hộ có chất lượng sữa thấp. Thu hẹp số lượng trạm thu gom sữa nhỏ lẻ, mở rộng các trạm thu gom sữa lớn để tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng thu gom, tiện cho việc vận chuyển sữa từ các trạm đến nhà máy sản xuất. Với số lượng 106 trạm như hiện nay cần thu lại còn khoảng 50 - 60 trạm đặt ở các khu vực phù hợp với vùng, xã chăn nuôi trọng điểm để tăng đầu tư nâng cao chất lượng các trạm thu gom. Có chính sách đầu tư nâng cấp, cải tạo nhà xưởng, dụng cụ chuyên ngành phục vụ việc thu gom bảo quản sữa đến các trạm thu mua sữa để đảm bảo thu mua hết sữa cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP. Từng bước tuyên truyền thay đổi tập quán cho người chăn nuôi, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường hợp tác liên kết chuỗi tiêu thụ sữa, gắn kết từ người chăn nuôi đến trạm thu gom và nhà máy chế biến sản xuất sữa. Tăng cường kiểm tra việc xây dựng thương hiệu nhãn hiệu sản phẩm; việc sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu của các cơ quan thu mua sữa nhằm gắn trách nhiệm và quyền lợi giữa các bên trong việc tiêu thụ sữa. Thực hiện các chính sách về hỗ trợ sản xuất giống bò sữa, cải tiến điều kiện chăn nuôi, khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi ngoài khu dân cư. Có chính sách động viên khuyến khích các hộ chăn nuôi có chất lượng sữa cao, đầu tư công nghệ chăn nuôi tiên tiến, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ...

Với những giải pháp nêu trên cùng sự vào cuộc đồng bộ, có hiệu quả của các cấp, ngành, các công ty thu gom sữa, chắc chắn việc tiêu thụ sữa tươi của người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có bước chuyển biến tích cực góp phần thúc đẩy chăn nuôi bò sữa phát triển hiệu quả, bền vững.
Đàn bò sữa Ba Vì tăng 15%
6 tháng đầu năm 2015, đàn bò sữa của huyện Ba Vì tiếp tục được phát triển trên quy mô lớn. Tính đến nay, đàn bò sữa toàn huyện đạt 8.800 con, tăng 15% so với cùng kỳ 2014, sản lượng sữa đạt hơn 11.200 tấn. Các xã có nhiều bò sữa là Tản Lĩnh hơn 1.700 con, Vân Hòa hơn 2.000 con, Yên Bài 1.603 con. Ngoài các xã trên, một số xã khu vực đồng bằng ven sông như Cổ Đô, Phong Vân, Phú Đông cũng đang phát triển mạnh đàn bò sữa. Để chăn nuôi bò sữa phát triển ổn định, huyện Ba Vì đang tiếp tục có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho người dân, tập trung đào tạo các kiến thức chuyên sâu về chăn nuôi, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu sữa Ba Vì. (Hồng Đạt)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần