Những kết nối của điện ảnh dành cho khán giả Hà Nội

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Như trăng trong đêm” là dự án có nhiều hoạt động bổ ích dành cho giới làm phim trẻ. Sắp tới, chủ đề bao trùm sẽ là những chuyển động của điện ảnh dành cho khán giả Thủ đô.

Hà Nội qua góc nhìn điện ảnh

Ngày 18/3, tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace (24 Tràng Tiền) sẽ diễn ra buổi chiếu 2 bộ phim tài liệu được quay cách nhau 60 năm tại Hà Nội gồm: Phim “Phong cảnh Hà Nội” của hai đạo diễn Bùi Đình Hạc và Nguyễn Đăng Bẩy thực hiện năm 1958; phim “Đường Bưởi” của hai đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus, quay từ năm 2016 tới 2018.

Hình ảnh trong phim ''Phong cảnh Hà Nội''.
Hình ảnh trong phim ''Phong cảnh Hà Nội''.

Theo ban tổ chức, nếu như những cảnh phim năm 1958 - “Phong cảnh Hà Nội” của hai đạo diễn Bùi Đình Hạc, Nguyễn Đăng Bẩy mở ra tương lai sau ngày giải phóng Thủ đô, có sự hài hòa với thiên nhiên, gợi cảm giác về sự thoáng đãng; đến 60 năm sau, “Đường Bưởi” của hai nhà làm phim Trần Phương Thảo và Swann Dubus lại khắc họa một Hà Nội có “bề mặt đô thị dày vô tận, thủng để lại đầy,” trên nền bối cảnh đó là những người phá dỡ và dọn phế liệu.

Theo nghệ sĩ thị giác Trương Quế Chi, trước khi vào tiếng ồn thường trực của “Đường Bưởi”, “Phong Cảnh Hà Nội” sẽ được trình chiếu trong hiện trạng đang được lưu trữ là không có âm thanh, đó là những ngõ đi vào di sản phim đến từ góc nhìn của ngày hôm nay.

Trước đó, mở đầu cho “Như trăng trong đêm” vào đầu tháng 3, bộ phim “Hãy tha thứ cho em” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh được làm năm 1992 đã được trình chiếu. “Hãy tha thứ cho em” khắc họa một thời có sự chuyển giao mạnh mẽ của xã hội, giữa thế hệ từng trải qua đau thương chiến tranh với thế hệ sinh ra trong thời bình. Trong cái nhìn cởi mở, nhóm giám tuyển miêu tả “phim thở hơi thở của tuổi trẻ, một sức sống mới.” Cũng nhẩn nha trên đường phố Hà Nội 20 năm trước là bộ phim tâm lý xã hội “Của rơi” (2002, Vương Đức) sẽ được chiếu ngày 24/3 sắp tới.

Không gian của giới trẻ yêu nghệ thuật

Khác với những bộ phim bom tấn của điện ảnh quốc tế đang được ông chiếu khi rạp chiếu phim được mở cửa trở lại, những bộ phim cũ trong dự án “Như trăng tromg đếm” được chiếu tại phòng nhỏ, không gian khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, những tác phẩm điện ảnh như “Miền ký ức” (Bùi Kim Quy), “Tiền ơi” (Trần Vũ - Nguyễn Hữu Luyện), “Vào đời” (Síu Phạm), “Xanh/Xanh: Chùm phim đêm Hà Nội”… vẫn thu hút được giới trẻ yêu nghệ thuật. Bởi, phim trong dự án “Như trăng trong đêm” là những tác phẩm do Viện phim Việt Nam cung cấp, hoặc là những thuộc sở hữu cá nhân không được chiếu rộng rãi, thường xuyên. Từ một hoạt động của lớp Giám tuyển tại Trung tâm TPD, “Như trăng trong đêm” đã tạo nên một cộng đồng cùng tên, tập hợp những người yêu điện ảnh cùng ngồi xuống với nhau để tìm lại và nghiên cứu những tác phẩm quý giá của Việt Nam.

Ngày 9/3, trong biểu trình chiếu mở màn, với phim “Hãy tha thứ cho em”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh lặng lẽ ngồi trên ghế hàng ghế thứ năm. Được xem lại bộ phim sau 30 năm, ông bồi hồi nhớ lại thời điểm làm phim đầy khó khăn, phim nhựa để quay thì ít, lại phải tự chạy vạy khắp nơi xin cũng chỉ được khoản kinh phí nhỏ để tự làm phim… tất cả để cho ra bộ phim với mong ước có thể xoay vần thời thế.

Đón những khán giả trẻ trong ngày chiếu đầu tiên, Giám đốc Trung tâm TPD, ông Nguyễn Hoàng Phương cho hay: “Trong năm qua, chúng ta đã dần mất sự giao tiếp, kết nối và tính cộng đồng mà cụ thể là cộng đồng điện ảnh. Tôi tin rằng điện ảnh có sức mạnh để mọi người có thể cùng hàn gắn và giúp nhau vượt qua những thời gian khó khăn này”.

Tổ chức lần đầu vào tháng 6 và 7/2020 tại Hà Nội, sau đó là tháng 4/2021 tại TP Hồ Chí Minh, “Như trăng trong đêm” là chuỗi sự kiện xoay quanh di sản điện ảnh Việt Nam qua các bối cảnh, giai đoạn và thể loại khác nhau. Sự kiện gồm các buổi trình chiếu, trò chuyện, trưng bày... qua đó góp phần soi rọi những câu chuyện và ký ức, đưa đến góc nhìn khác về một nền điện ảnh quen thuộc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần