Những khoảnh khắc của bản lĩnh và ý chí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/11, triển lãm ảnh "Biển đảo Tổ quốc" đã khai mạc tại nhà triển lãm...

Kinhtedothi - Sáng 20/11, triển lãm ảnh "Biển đảo Tổ quốc" đã khai mạc tại nhà triển lãm 45 Tràng Tiền (Hà Nội). 200 bức ảnh của phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cho công chúng thấy suốt chiều dài lịch sử dân tộc, biển đảo luôn thấm đẫm mồ hôi và cả máu của những người con đất Việt; mỗi tấc đất ven bờ, mỗi dặm dài trùng khơi đều là những biểu tượng của bản lĩnh và khát vọng làm chủ biển cả của dân tộc.

Những hình ảnh đặc sắc 

Có điều kiện đi tới nhiều vùng biển của Tổ quốc, các phóng viên của TTXVN đã có mặt ở những nơi đầu sóng, ngọn gió, từ những miền duyên hải cát trắng đến Trường Sa xa xôi; cả những khi thuyền về với khoang đầy cá hay những lúc bão tố gầm gào nơi đảo xa... Ống kính của họ đã ghi lại một cách trung thực và sinh động sự lao động và sẵn sàng chiến đấu vì biển đảo thiêng liêng của quân và dân ta qua các thời kỳ. Với 200 bức ảnh được chắt lọc từ hàng chục ngàn tấm phim, files tư liệu của TTXVN và một số tư liệu của Vietsovpetro, triển lãm "Biển đảo Tổ quốc" là sự thể hiện tình cảm và trách nhiệm với những mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, với những người con đã ngã xuống cũng như những người đã và đang nỗ lực hết mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương.

 
Tác phẩm “Đảo Đá Nam (Quần đảo Trường Sa)” được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Trọng Đạt
Tác phẩm “Đảo Đá Nam (Quần đảo Trường Sa)” được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Trọng Đạt
Các bức ảnh "đứng" trong 5 chủ đề tựa như 5 câu chuyện về biển đảo: Phong cảnh biển đảo và một số tư liệu về chủ quyền biển đảo của Việt Nam; Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với biển đảo; Bảo vệ, xây dựng và phát triển biển đảo qua các thời kỳ; Sự lớn mạnh của ngành dầu khí góp phần vào sự phát triển và bảo vệ biển đảo Tổ quốc; Cả nước hướng về biển đảo. Triển lãm giúp người xem có cái nhìn tổng quát nhất về toàn cảnh biển đảo Việt Nam xưa và nay.

Ước được ở lại Trường Sa

Tới thăm triển lãm, nhìn hình ảnh con tàu Bệnh viện phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho quân và dân trên đảo Trường Sa mang tên HQ 561 của tác giả Nguyễn Thủy, Chính trị viên tàu HQ 561 Phạm Hồng Phú đã rất xúc động. Anh chia sẻ: "Đối với những người lính Hải quân như chúng tôi, "tàu chính nhà, biển cả chính quê hương". Thấy hình ảnh "ngôi nhà" mà mình được phục vụ ở đó, tôi thấy vô cùng tự hào". 

Đã từng hai lần đến Trường Sa, nữ nhà báo Thu Hà (Đài Tiếng nói Việt Nam) không giấu nổi niềm vui khi thấy hình ảnh vùng đất, con người Trường Sa: "Đến với triển lãm, tôi như gặp lại cả một vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, với nhiệm vụ cao cả và cuộc sống rất đỗi bình dị của quân và dân huyện đảo Trường Sa. Đây là một triển lãm vô cùng ý nghĩa Ban tổ chức dành tặng đất liền". Và có lẽ, đối với những "thợ ảnh" được "khoe" tác phẩm trong dịp này là những người vui hơn cả. May mắn được ra huyện đảo Trường Sa hồi tháng 5, phóng viên Nguyễn Thủy tâm sự: "Trước đây, khi chưa ra Trường Sa, tôi hình dung ở nơi đó đang có các chiến sĩ ngày đêm bảo vệ Tổ quốc. Nhưng khi đến đây, tôi thấy tự hào vô cùng, vì khung cảnh nơi này quá thanh bình, quá đẹp với biển xanh, cát trắng, những con người hiền hậu, chất phác. Ngày cuối cùng lên chuyến tàu về đất liền, tôi đã ước rằng, giá như mình có thể ở đây lâu thêm nữa".

Những hình ảnh của bản lĩnh và ý chí ấy đang chuyển tải một thông điệp lớn: Với 3.260 km bờ biển, hơn 1 triệu km2 diện tích  biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cùng hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, với lòng yêu chuộng hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng ý chí sắt đá bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, Việt Nam đang vững bước trong cuộc hành trình trên biển lớn.