Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những khuyến cáo khi cho trẻ dùng các thiết bị điện tử cầm tay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay đang sử dụng đồ điện tử nhiều gấp 4-5 lần so với quy định. Điều này ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến quá trình phát triển tâm sinh lý và hành vi của trẻ.

1. Ảnh hưởng đến quá trình phát triển não của trẻ

Từ 0-2 tuổi là thời điểm phát triển nhanh nhất của não trẻ. Trong thời gian này, não trẻ tăng gấp 3 lần về kích thước. Các năm tiếp theo cho đến 21 tuổi, não trẻ cũng phát triển nhanh chóng. Trong quá trình phát triển, não trẻ dễ ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường bên ngoài. Tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị công nghệ (điện thoại di động, internet, ipad, TV) đã được chứng minh tác động xấu đến trẻ: thiếu tập trung, nhận thức chậm, học tập kém, làm tăng tính bốc đồng và làm giảm khả năng tự điều tiết cảm xúc bản thân, do đó trẻ dễ cáu gắt.

2. Phát triển chậm

Tiếp xúc đồ công nghệ khiến trẻ hạn chế sự chuyển động, gây ra chứng ì người và dẫn đến sự chậm phát triển toàn diện. Hiện nay, trong 3 trẻ thì có 1 trẻ đến tuổi đi học nhưng về nhận thức chưa thể đáp ứng cho việc đi học, kéo theo đó là khả năng đọc và viết kém, sự chú ý kém.
Những khuyến cáo khi cho trẻ dùng các thiết bị điện tử cầm tay - Ảnh 1
3. Béo phì

Các nhà khoa học đã chứng minh việc sử dụng TV hay máy điện tử chơi game gây ra tình trạng béo phì ở trẻ nhỏ. Những trẻ có phòng riêng được lắp đặt các thiết bị điện tử thì có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn 30% so với các trẻ khác. Tại Canada, cứ 4 trẻ thì 1 trẻ bị béo phì (tỷ lệ này ở Mỹ là 3/1). Những trẻ bị béo phì lại có nguy cơ mắc các bệnh liên quan như tiểu đường, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và tuổi thọ bị rút ngắn. Năm 2002, giáo sư Andrew Prentice từ hãng tin BBC đã cảnh báo: với nguyên nhân chính là bênh béo phì, những trẻ em thế kỉ 21 có thể sẽ là thế hệ đầu tiên có tuổi thọ không cao hơn cha mẹ chúng.

4. Thiếu ngủ

Theo thống kê của đại học Boston, Mỹ, hiện nay có đến 75% trẻ em dưới 12 tuổi sử dụng đồ công nghệ thường xuyên. Điều này dẫn đến việc các trẻ bị thiếu ngủ trầm trọng. Tình trạng này diễn ra nhiều nhất với trẻ trong độ tuổi 9-10 tuổi. Thiếu ngủ ở trẻ dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng, uể oải, dễ bị kích động thần kinh, hay cáu gắt và suy nghĩ tiêu cực.

5. Dễ mắc bệnh tâm lý

Đây là hậu quả đáng tiếc của việc trẻ tiếp xúc với đồ công nghệ quá sớm và quá nhiều. Trẻ dễ mắc bệnh trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm lý, thiếu tập trung, tự kỉ, rối loạn lưỡng cực và ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi. Tại Canada, cứ 6 trẻ thì có 1 trẻ  được chuẩn đoán mắc bệnh tâm thần và đang dùng thuốc điều trị tâm thần tích cực. Tất cả nguyên nhân là do để trẻ sử dụng nhiều đồ thiết bị cầm tay.

6. Gây ra tính bạo lực cho trẻ

Những trò chơi điện tử, những bộ phim, thông tin mang tính bạo lực có thể tác động đến tâm lý của trẻ, hướng trẻ trở nên hung hăng và ưa thích bạo lực. Điều đáng báo động là hiện nay rất nhiều trò chơi điện tử, bộ phim và các chương trình TV có nội dung về bạo lực, tình dục, giết người, hãm hiếp, tra tấn... Nước Mỹ đã xếp các loại hình truyền thông có tính bạo lực vào nhóm nguyên nhân tác động tiêu cực nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ em.

7. Làm giảm trí nhớ

Những trẻ tiếp xúc sớm và nhiều với các đồ công nghệ sẽ bị giảm tính tập trung và trí nhớ, làm ảnh hưởng đến kết quả học tập.

8. Phụ thuộc vào đồ công nghệ

Tình trạng phổ biến hiện nay là các ông bố bà mẹ quá bận rộn nên cho con chơi những đồ công nghệ để rảnh rang làm việc. Hoặc chính những người làm cha mẹ quá đam mê với những chiếc ipad, điện thoại thông minh... nên cũng để cho trẻ chơi những thứ đồ đó. Điều này khiến cho cuộc sống những đứa trẻ ngày càng phụ thuộc vào đồ công nghệ. Rất nhiều trẻ chỉ ăn khi mà có chiếc ipad được đặt cạnh thay vì nghe mẹ hát, trò chuyện. Các nhà khoa học gọi đó là chứng "nghiện ngập" đồ công nghệ. Theo thống kê thì hiện nay, cứ 11 trẻ trong độ tuổi 8-18 tuổi thì có 1 trẻ bị chứng nghiện đồ điện tử nặng và phải điều trị bởi bác sỹ tâm lý.

9. Chất bức xạ trong thiết bị điện tử có thể gây ung thư

Tháng 5 năm 2011, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại điện thoại di động và nhiều thiếu bị điện tử không dây khác vào nhóm gây nguy cơ ung thư cao do các phóng xạ được phát ra từ các thiết bị này (các chất phát ra từ đèn, sóng... các thiết bị). Trẻ em nhạy cảm hơn với các chất phóng xạ này so với người lớn do bộ não và hệ miễn dịch còn non yếu. Chính vì thế, nguy cơ mắc ung thư do dùng đồ công nghệ đối với trẻ cao hơn rất nhiều so với người lớn.