Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Những kiến nghị nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế với TP Hà Nội] Bài 1: Lộ trình và biện pháp

TS Phan Văn Thường (Đại học Quốc tế Hồng Bàng)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, tình dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội cơ bản đã được kiểm soát. Đây là điều kiện và cơ hội để TP quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế đòi hỏi phải có lộ trình, biện pháp thích hợp để đảm bảo hiệu quả, an toàn.

Kiểm tra tại chốt kiểm soát ra, vào ''vùng đỏ'' TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Riêng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, tính đến 12 giờ ngày 14/9, cộng dồn số mắc tại Hà Nội (từ ngày 27/4/2021) là 3.828 ca, trong đó số trường hợp ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.232 ca. Nếu so với các địa phương khác, TP Hà Nội có tổng số ca nhiễm đứng thứ 12 cả nước. So với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An... con số ca nhiễm của Hà Nội là không nhiều, bình quân chỉ mấy chục trường hợp mỗi ngày.
Từ cuối tháng 7/2021 đến nay TP Hà Nội đã thực hiện 3 đợt giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế số ca nhiễm bệnh trên địa bàn TP đang có xu hướng giảm rõ rệt. Nếu số ca nhiễm bình quân mỗi ngày trong 10 ngày từ 23/8 - 1/9 là 76 ca thì 10 ngày từ 2/9 - 11/9 chỉ 44 ca. Đây là dấu hiệu dịch tễ rất tích cực đánh giá khả năng bùng phát dịch trên địa bàn đã được ngăn chặn rõ rệt. Đặc biệt số ca nhiễm bị tử vong từ năm 2020 đến nay chỉ 43 ca, chiếm 1,07% số ca nhiễm, trong khi TP Hồ Chí Minh là 3,99%. Điều này chứng tỏ năng lực y tế chống dịch và khả năng điều trị bệnh trên địa bàn là khá tốt.

Căn cứ vào thực tế đó, không ít chuyên gia cho rằng TP Hà Nội cần nghiên cứu sớm nới lỏng giãn cách xã hội, để thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh vừa vực dậy kinh tế. Từ cuối tháng 8 đến nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hơn một lần xác định, và cho rằng chúng ta “phải chung sống lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”.

Đương nhiên, nếu nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh chưa thể kiểm soát hoàn toàn là vấn đề hết sức hệ trọng. Đòi hỏi nới lỏng, mở cửa phải trên nguyên tắc tuyệt đối an toàn, phải có lộ trình cụ thể, làm tới đâu chắc chắn tới đó. Không thể đánh đổi sự an toàn người dân lấy thành tích phát triển kinh tế. Xuất phát từ cách đặt vấn đề đó, với tư duy cá nhân, người viết bài này xin có một số kiến nghị với lãnh đạo TP Hà Nội như sau:

Thứ nhất, việc phân vùng theo địa bàn dân cư tương ứng các màu đỏ, cam, xanh hiện tại là đòi hỏi của yêu cầu phòng chống dịch bệnh và phát huy tích cực ở mức độ nhất định trong chống dịch bệnh, nhưng có mâu thuẫn với mở cửa phát triển kinh tế. Doanh nghiệp/hộ kinh doanh trên địa bàn “xanh” bị bao vây bởi địa bàn “đỏ”/“cam”, thì đường cung ứng đầu vào và mở thị trường đầu ra ngoài địa bàn rõ ràng sẽ vướng mắc.

Cho nên bản đồ phân biệt “đỏ”, “cam”, “xanh” để kiểm soát dịch bệnh cần vo nhỏ lại địa bàn theo từng khu phố/thôn hoặc từng con ngõ/đoạn ngõ, dựa vào diễn biến dịch tễ thực tế. Không cần thiết một vài ca nhiễm trong một con ngõ mà tô đỏ cả khu phố, hoặc một phường có ca nhiễm mà tô đỏ toàn quận. Bản đồ dịch tễ như vậy chỉ cần thiết khi dịch bệnh có nguy cơ lây lan quá rộng tạo vết dầu loang trên toàn quận/huyện.
Dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Tập đoàn Sunhouse. Ảnh: Hoàng Anh
Thứ hai, để vực dậy kinh tế cấp bách trước mắt đề nghị 4 việc: Không bắt buộc doanh nghiệp thực hiện ''3 tại chỗ'' cùng ''1 cung đường 2 địa điểm''; TP tạo điều kiện tối đa nối lại các cửa ngõ giao thông liên vùng cho lưu thông hàng hóa trở lại an toàn; TP triển khai giải quyết ngay các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn và khả năng riêng; Nghiên cứu và công bố miễn thuế đối với hộ kinh doanh từ 6 tháng đến 1 năm (tùy đối tượng) - đây là đối tượng dễ tổn thương nhất và cũng chịu tác động trực tiếp nặng nề nhất trong thời gian qua.

Thứ ba, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các bộ chức năng triển khai thống nhất, chỉ sử dụng 1 ứng dụng công nghệ (app) trong quản lý phòng chống dịch Covid-19. Do lúng túng từ trung ương đến các địa phương nên đang tồn tại 21 app quản lý, gây không ít khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy để nới lỏng giãn cách xã hội, TP cần kết hợp với bộ hướng dẫn người dân và doanh nghiệp để tích hợp toàn bộ thông tin trên nhiều app khác nhau về chung 1 app thống nhất. Ngoài ứng dụng chung này TP không mở ra bất kỳ ứng dụng quản lý khác biệt nào khác.

Thứ tư, trên nguyên tắc tuyệt đối thủ quy định 5K, cho phép người dân lưu thông tại vùng ''xanh'', vùng ''cam'' khi đã tiêm vaccine ít nhất 1 mũi sau khi đủ kháng thể. Quy định này cũng tạo áp lực buộc người dân phải tiêm vaccine, tuy nhiên cũng phải loại trừ những người đang bị trì hoãn tiêm và chưa có đủ vaccine để tiêm. Việc đi lại làm ăn, giao dịch mua bán của người dân tuyệt đối thực hiện cấm tụ tập không quá 10 người.

Thứ năm, để an toàn trong nới lỏng, mở cửa kinh tế tất yếu phải đáp ứng điều kiện phủ xanh vaccine. Với quyết tâm và tốc độ tiêm vaccine của TP trong những ngày qua cho thấy điều kiện này là khả quan. Tuy nhiên nguồn vaccine là có giới hạn, nên đòi hỏi TP phải có trật tự ưu tiên. Ngoài các đối tượng ưu tiên đang triển khai nên có ưu tiên cho những người bán hàng trực tiếp giao dịch với khách hàng, và người lao động trong các doanh nghiệp.

Thứ sáu, việc kiểm soát dịch bệnh có thể kéo dài, không ngoại trừ tình huống mới phức tạp sẽ xẩy ra, vì vậy TP phải sẵn sàng các kịch bản ứng phó kịp thời, hiệu quả từ nhân lực, vật lực chống dịch, đặc biệt là hệ thống y tế và thuốc điều trị. Cùng với đó, đòi hỏi TP phải thiết kế hệ thống giám sát dịch bệnh thường xuyên, kết hợp với nghiên cứu giám sát điểm theo dõi dịch bệnh. Mọi hành động xử lý kiểm soát khi dịch có nguy cơ bùng lại phải chủ động, nhất thiết trên cơ sở khoa học dịch tễ được tham vấn từ cơ quan/chuyên gia y tế.

Thứ bảy, để từng bước nới lỏng, mở cửa kinh tế đương nhiên TP phải đưa ra lộ trình với bước đi và biện pháp cụ thể. Bước đi có tình huống thuận và nghịch cho nên biện pháp cũng phải thay đổi cho phù hợp. Lộ trình, bước đi tuyệt nhiên khó dự đoán chính xác, vì vậy không cần thiết đưa ra con số một cách cụ thể được.
(còn nữa)