Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ đồng hành với DN nhưng sẽ có độ trễ, không bao hết mọi DN và mọi khó khăn của từng DN. Theo quy luật sinh tồn, DN phải biết mình cần làm gì lúc này và giai đoạn trước mắt.
Những thách thức chưa từng có tác động lên doanh nghiệpTheo Tổng cục Thống kê lũy kế 8 tháng đầu năm 2021 trong cả nước có 85.500 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, đang làm thủ tục giải thể và hoàn thành thủ tục giải thể. Con số này thực tế có thể lớn hơn rất nhiều khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các DN cạn kiệt khả năng chống chịu. Các DN đang tồn tại cầm cự được nói chung hết sức lao đao, hụt hơi và thở dốc sau quãng đường chạy marathon không cân sức.
Chỉ DN trong một số lĩnh vực như chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ y tế, các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi cung cấp các sản phẩm/dịch vụ thiết yếu và hệ thống phân phối sản phẩm giáo dục chịu tác động không đáng kể từ dịch Covid-19. Những DN thuộc các lĩnh vực khác đều ảnh hưởng lớn với mức độ có khác nhau.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Đặc biệt, DN thuộc các lĩnh vực như du lịch, lữ hành; khách sạn, nhà hàng, giải trí; vận tải hành khách hàng không, đường bộ, đường sắt; sản xuất tại các khu công nghiệp và một số lĩnh vực khác bị tác động hết sức nặng nề về nguồn lao động, chi phí, doanh thu, tài chính, dòng tiền…Chính vì thế để phục hồi sản xuất kinh doanh (SXKD) trong điều kiện dịch bệnh chưa thể kiểm soát được hoàn toàn đòi hỏi các DN phải quyết tâm, với phương châm vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm sản xuất an toàn. Chính phủ không thể không đồng hành với DN song có độ trễ nhất định. Chấp nhận quy luật sinh tồn, trước hết DN phải tự cứu mình, và đương nhiên DN biết họ cần làm gì lúc này.6 giải pháp gỡ khó cùng doanh nghiệpTùy theo mức độ khó khăn, nguồn lực hiện tại, khả năng hồi phục của mỗi DN để có bước đi, xử lý hệ công việc không hoàn toàn như nhau nhưng đều có quy trình và các nội dung công việc phần lớn phải tiến hành gần giống nhau. Với tinh thần đó, xin kiến nghị một số điểm sau:Thứ nhất, phải khẳng định ngay rằng, để vượt qua tứ bề khó khăn lúc này các DN không thể đơn độc. Chính quyền đã có những chính sách ban đầu hỗ trợ DN và đòi hỏi thêm nhiều chính sách mới phù hợp nữa. Chính sách phải thực tế, phải quy định và hướng dẫn cụ thể, không đánh đố làm khó DN. Vấn đề mấu chốt là chính sách ban hành phải triển khai ngay, nói là phải hành động, vào cuộc để tháo gỡ ngay khó khăn.Thứ hai, an toàn phòng dịch là ưu tiên số một của DN khi triển khai SXKD trong trạng thái bình thường mới. Vì vậy DN cần phối hợp tích cực với chính quyền tại chỗ đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine phủ sóng mũi 1 và sớm tiêm mũi 2 cho người lao động, đặc biệt ưu tiên lực lượng nhân viên giao dịch trực tiếp với khách hàng. Cùng với đó, xây dựng cơ sở y tế chống dịch bệnh của DN bảo đảm tuân thủ quy định 5K, cách ly tại chỗ, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế cơ sở phường, xã. Không chuẩn bị tốt khâu này DN không thể đăng ký triển khai hoạt động.Thứ ba, đa số DN bị đứt gãy nguồn lao động ở các mức độ khác nhau và tỷ lệ thuận với mức độ thu hẹp/đóng băng SXKD, cho nên ổn định lại nguồn lao động là bước tiếp DN cần triển khai nhanh. Trường hợp cần kêu gọi số lao động chạy về quê trở lại hay DN tuyển lao động mới bổ sung đòi hỏi phải có chính sách mới phù hợp, tạo nguồn lao động bền vững. DN không thể không đồng cảm người lao động bỏ/nghỉ việc chạy về quê vì tác động của dịch bệnh hiện đang có cuộc sống khó khăn sau thời gian dài bị giảm/ mất thu nhập.Thứ tư, DN cần nhanh chóng tìm kiếm các đơn hàng mới sau gián đoạn chuỗi cung ứng cả hai chiều do thời gian giãn cách, phong tỏa phần lớn các địa phương trong cả nước thời gian kéo dài. Không chỉ đứt gãy/gián đoạn chuỗi cung ứng nội địa mà chuỗi cung ứng bên ngoài cũng ảnh hưởng nhiều do chốt chặn giao thông kiểm soát phòng dịch từ Bắc chí Nam. Chi phí logistics tăng cao gây ùn tắc tại các cảng lưu chuyển hàng hóa quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đối với DN xuất khẩu. Đơn hàng mới là vấn đề khẳng định khả năng vực dậy như thế nào đối với từng DN. Không hàn nối nhanh chóng được chuỗi cung ứng các DN khó có thể khôi phục được hoạt động SXKD. Thực tế mỗi chuỗi cung ứng có nhiều DN tham gia, DN này phụ thuộc vào một hay nhiều DN khác tùy vào vị trí họ đứng đầu, cuối, giữa, hay một vị trí nào đó cụ thể trong chuỗi đó. Cho nên nới lỏng giãn cách để tạo điều kiện cho DN phục hồi SXKD muốn đạt hiệu quả phải giải được bài toán bất cập đó.Về phạm vi địa lý có 4 loại chuỗi cung ứng là chuỗi nội quận/huyện, chuỗi nội tỉnh thành, chuỗi liên tỉnh thành và chuỗi khu vực/toàn cầu mà các DN đang tham gia. Điều này đang đặt ra việc hàn/nối lại chuỗi cung ứng trước hết các DN phải hết sức chủ động thương lượng với đối tác kinh doanh. Nhưng sẽ rất khó khăn nếu không có chính sách đồng hành, có tính mở đường của chính quyền TP, của Chính phủ trong quyết định lộ trình nới lỏng giãn cách và kiểm soát dịch bệnh phù hợp.Thứ năm, khó khăn lớn nhất hiện nay của phần lớn DN là đã cạn kiệt nguồn tài chính sau một thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, trong khi dòng tiền mới chưa tạo ra ngay. Chính vì thế với DN đang có tồn kho sản phẩm phải đẩy mạnh bán ra, trong khi DN đang tồn kho nguyên vật liệu đầu vào phải đẩy mạnh SX ngay. Không ít DN sẽ rơi vào tình trạng chấp nhận “giật gấu vá vai” trong huy động dòng tiền SXKD. Điều đó đòi hỏi DN phải tiết giảm chi phí, điều chỉnh quy mô, cơ cấu sản phẩm, thị trường để nhanh chóng tạo ra doanh thu.Thứ sáu, qua cuộc khủng hoảng với đại dịch Covid-19 đợt 4 này đã cho thấy sức chống chịu của DN phụ thuộc vào nguồn tài chính tích lũy của từng DN. Các DN phải coi đây là bài học cho hoạt động bền vững. Bài toán lợi nhuận chia bao nhiêu và để dành bao nhiêu, rồi trích lập quỹ dự phòng bao nhiêu cho chủ động trong tình huống khủng hoảng. Nên nhớ dịch Covid-19 chưa kiểm soát được hoàn toàn, xã hội phải sống chung với dịch bệnh. Điều này đòi hỏi DN phải có phương án tích lũy nguồn lực để chủ động chống chọi dịch khi nó tái bùng phát.