Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những "lá chắn" dịch Covid-19 nơi lối mòn biên giới Tây Nam

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Dưới thời tiết khắc nghiệt của mùa khô phương Nam, các chiến sĩ tại các chốt kiểm dịch đã nỗ lực vượt khó kiên trì bám trụ, canh gác ngày đêm tuyến đường biên giới trọng điểm phía Nam.

Trong thời gian qua, bên cạnh các điểm chốt tại cửa khẩu, lối mở hiện hữu, đã có hàng trăm chốt kiểm dịch biên giới của các lực lượng chức năng được thiết lập trên suốt chiều dài hơn 615km biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc địa bàn Quân khu 7.
Dưới thời tiết khắc nghiệt của mùa khô phương Nam, các chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7 và đơn vị phối hợp tại các chốt kiểm dịch đã nỗ lực vượt khó kiên trì bám trụ, canh gác ngày đêm tuyến đường biên giới trọng điểm phía Nam, ngăn chặn kịp thời các nguồn dịch Covid-19 lây lan qua biên giới.
Những chốt kiểm dịch dã chiến
Những chốt kiểm dịch đường biên được lập mới trong mùa Covid-19 có thể là những lều bạt giữa cánh đồng đất khô nỏ sau mùa gặt, giữa rừng cao su, đồng mía ngút ngàn; những căn nhà trông đồng mái lá không tường, nhà lắp ghép dã chiến bên cạnh những con đường mòn... nhưng có một điểm chung là đều nằm sát ngay cạnh đường biên giới Việt Nam - Campuchia.
Đã hơn một tháng nay, tại các điểm chốt kiểm dịch đường biên này, các chiến sĩ bộ đội biên phòng, công an, dân quân tự vệ đã kiên trì cắm chốt, ngày đêm canh gác mốc giới, đường biên, các lối mòn tự phát, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động đi lại của người dân hai bên biên giới, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm nhập trái phép cũng như các nguồn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 vào nội địa.
Phần lớn các điểm chốt mới được lập trong mùa dịch đều nằm ở những địa điểm xa dân cư, thiếu điều kiện sinh hoạt sinh hoạt cần thiết như điện, nước sạch, nhà vệ sinh... Ban ngày thì nóng như rang dưới tiết trời đầu mùa khô đất phương Nam, đêm thì lồng lộng gió lùa với vô vàn các loại côn trùng bị thu hút bởi ánh đèn từ chốt.
Đứng bên điểm Chốt số 15 của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) là một chiếc lều kiểu nhà sàn cột tre mái lá chừng 9m2 bên bờ kênh cạn ven đường, anh Trần Văn Châu - Công an viên xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu (Tây Ninh) cho biết, căn lều này mới được chính quyền và đơn vị dựng lên thay cho chiếc lều bạt dã chiến vừa thấp, nóng.
Giờ thì tuy vẫn chỉ có võng để nghỉ ngơi sau giờ trực thì anh em cũng không còn bị lo bị dột nước trong những trận mưa đổi mùa như mấy ngày trước.
Giống như phần lớn các điểm chốt khác, do ứng trực suốt ngày đêm, nên lực lượng cắm chốt ở đây phải tự nấu ăn. Nước thì được chở đến bằng can, thùng.
 Công an viên Nguyễn Trường Duy chuẩn bị bữa trưa trong phần bếp sơ sài tại Chốt kiểm dịch 07, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, Tây Ninh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Ngoài những đồ khô được các mạnh thường quân hỗ trợ và anh em vẫn thỉnh thoảng thay nhau đi chợ mua thức ăn và mang rau ở nhà đến nấu. “Ngoài giờ trực thì bắt thêm cá, chuột đồng, dế. Rồi có người dân địa phương mang cho thêm nên phần ăn uống tuy khó khăn nhưng cũng không là vấn đề gì lớn”, anh Châu vui vẻ cho biết.
Không khác nhiều so với địa bàn Tây Ninh, Chốt kiểm dịch G1 Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, Long An cũng chỉ là một căn lều mượn tạm của người dân được gia cố lại mái và bưng thêm vách lá. Đây là một trong 6 chốt kiểm dịch biên giới mới được lập trên suốt chiều dài 11,4km đường biên giới do Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây phụ trách.
Thiếu tá Đỗ Quang Trung - Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây cho biết, chuyện thiếu nước, ngủ vòng, chõng tre, tự xoay xở nấu ăn... đối với anh em cũng là chuyện thường vì là người lính ai cũng biết vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Nở nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt rám đen vì nắng, anh Trung chia sẻ: “Anh em dân quân tự vệ địa phương cách nhà chỉ vài km mà thời cao điểm cả mấy tuần không được về thăm gia đình. Cắm chốt giữa đồng, không điện, mạng điện thoại đôi lúc cũng chập chờn, chiếc radio chạy pin giúp tôi theo dõi tình hình thời sự. Đã xác định chống dịch như chống giặc thì mọi vất vả cũng không quản ngại.”
Trước những vất vả khó khăn của những người chiến sĩ đang ngày đêm chặn dịch, rất nhiều mạnh thường quân, tổ chức xã hội và nhân dân các địa phương nơi cắm chốt đã chung tay góp công, góp của cùng chia sẻ những khó khăn để các anh vững tâm làm nhiệm vụ.
Chính quyền và các đồn biên phòng đã xây dựng các nhà sàn mái lá kiên cố hơn, thoáng mát hơn thay cho lều bạt, lều lắp ghép ban đầu khi mới thành lập chốt.
Các nhu yếu phẩm, thuốc phòng bệnh, thiết bị y tế phòng dịch, nước sạch... do các cơ quan, tổ chức và các mạnh thường quân ủng hộ đã được chuyển đến các chốt phòng dịch đường biên.
Chị Trần Thị Ngọc Trinh - Bí thư Huyện đoàn Bến Cầu, Tây Ninh cho biết, thời gian qua, các cơ quan, tổ chức xã hội, Đoàn viên thanh niên, người dân địa phương tổ chức vận động quyên góp đồ ăn, nước uống, đồ giải nhiệt, khẩu trang y tế, nước rửa tay, thuốc chống muỗi... ủng hộ cho các lực lượng cắm chốt trên địa bàn.
“Những chuyến thăm, tặng quà của các tổ chức, cá nhân không chỉ mang đến các chốt kiểm dịch những vật dụng thiết yếu phục vụ đời sống, cải thiện nơi ăn chốn ở cho anh em, mà còn mà lời cảm ơn, sự trân trọng của người dân địa phương với sự nỗ lực không quản khó khăn của lực lượng làm công tác phòng, chống dịch nơi biên giới”, chị Trần Thị Ngọc Trinh chia sẻ.
Bức tường thành chặn dịch nơi biên ải
Đại úy Phạm Văn Hoàn - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài cho biết, để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch qua biên giới, đơn vị đã thiết lập thêm 16 điểm chốt mới tại các lối mòn tự phát, các địa điểm có khả năng qua lại biên giới của người dân.
Trên địa bàn biên phòng do Đồn quản lý, gần một trăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, trong đó có hàng chục chiến sĩ biên phòng tăng cường từ tuyến biển cùng các lực lượng công an, dân quân thường trực, dân quân tự vệ đã căng mình chống dịch trong suốt hơn một tháng qua.
Cùng với những nỗ lực vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, khó khăn về điều kiện sinh hoạt, các lực lượng tại chốt kiểm dịch đường biên phải luôn ở tư thế cảnh giác, ứng trực ngày đêm bởi luôn có hàng trăm lối nhỏ, đường ngang tự phát mà người dân có thể đi qua giữa biên giới hai nước trong mùa khô.
Những đường ngang tự phát qua cánh đồng, nơi mà phân giới chỉ là một bờ ruộng nhỏ, thậm chí là một cây gỗ chắn ngang là cơ hội cho những hành vi vượt biên trái phép của những người dân thiếu ý thức chấp hành pháp luật.
Để đối phó với sự lây lan dịch Covid-19 qua biên giới, Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây, Long An đã triển khai thêm 7 chốt kiểm dịch đường biên.
Đại úy Huỳnh Công Thinh - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây cho biết, từ đầu tháng 3/2020 đến nay, 46 cán bộ chiến sĩ biên phòng, trong đó có 17 chiến sĩ tăng cường từ tuyến biển và 2 chú chó nghiệp vụ cùng các cán bộ công an địa phương, dân quân tự vệ kiểm soát chặt chẽ gần 14km đường biên giới trong phạm vi địa bàn đơn vị quản lý.
 Chốt kiểm dịch đường biên số 15 Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Tây Ninh vừa được dựng thay cho chiếc lều bạt dã chiến trước kia. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Các điểm chốt lối mòn biên giới của Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây đã phát hiện, xử lý 4 trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, buộc đưa đi cách ly y tế tập trung.
Tại địa bàn biên phòng liền kề, các chốt kiểm dịch đường biên của Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây, Long An cũng đã phát hiện 3 trường hợp xâm nhập đường biên trái phép, buộc cách ly y tế tập trung một người; xử lý 14 vụ buôn lậu, thu giữ hàng chục nghìn bao thuốc lá ngoại nhập lậu.
Đánh giá về vai trò của các chốt kiểm dịch đường biên trên địa bàn, ông Võ Anh Hy - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Huệ, Long Anh cho rằng, sự nỗ lực vượt khó của các lực lượng phối hợp tại các điểm kiểm dịch nơi đường ngang, lối nhỏ dọc biên giới đã góp phần tích cực ngăn chặn nguồn lây nhiễm dịch Covid-19 qua biên giới, mang lại sự yên tâm và cuộc sống bình yên giữa mùa dịch cho người dân huyện Đức Huệ nói riêng cũng như người dân trong nước.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch Covid-19, có thể nói trong thời gian tới, nhiệm vụ của các chiến sĩ làm công tác phòng, chống dịch tại các chốt kiểm dịch nơi biên giới sẽ chưa thể bớt căng thẳng.
Nhưng như lời Đại úy Cao Hùng Nam - Đại đội trưởng quản lý học viên của Trường Trung cấp Biên phòng 2, đã khẳng định: "Tôi và 80 học viên được tăng cường lên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đợt này xác định rõ dù thiếu thốn, khó khăn đến mấy cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch, đảm bảo không để nguy cơ mầm bệnh lọt qua biên giới".
Dưới cái nắng chói chang của thời tiết mùa khô phương Nam, những lá quốc kỳ phấp phới bay cao trên chốt và tấm bảng hiệu đỏ tươi với hàng chữ vàng “Chốt phòng, chống dịch COVID-19” bằng hai ngôn ngữ Việt Nam-Khmer là một khẳng định đanh thép về chủ quyền quốc gia, ý chí quyết tâm chống dịch của các lực lượng cắm chốt chống dịch nơi biên giới.
Đó cũng là lời nhắn gửi với hậu phương với người dân trong nội địa về quyết tâm của những người chiến sĩ đang thầm lặng thực hiện nhiệm vụ xây dựng bức lá chắn thép phòng chống dịch nơi biên ải.