Lao động tự do xúc động khi được hỗ trợ kịp thời
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 3462/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 30/7, quận Hà Đông đã chi trả kinh phí hỗ trợ cho 26 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, 10 trẻ em dưới 6 tuổi là con của lao động; và 17 lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) ở phường Kiến Hưng, Dương Nội gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trưởng phòng LĐTB&XH Hà Đông Đỗ Minh Loan cho biết: Các phường trên địa bàn quận vừa đồng thời triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo an sinh xã hội. Các phường đã tiến hành tuyên truyền, phát đơn, hướng dẫn người dân, NLĐ, người sử dụng lao động làm hồ sơ. Và, trong thời gian tới, các đơn vị đồng loạt gửi hồ sơ lên quận Hà Đông để thẩm định, xét duyệt.
Vinh dự nhận được 1.500.000 đồng hỗ trợ từ tay Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng Nguyễn Duy Mạnh cùng những lời thăm hỏi ân tình, chị Lê Thị Huyền – lao động tự do làm nghề cắt tóc, gội đầu (phố Mậu Lương, tổ dân phố 10, phường Kiến Hưng) chia sẻ: “Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, thực hiện chỉ thị của UBND TP Hà Nội, vợ chồng tôi đã đóng cửa tiệm để phòng chống dịch. Ở nhà, không có nghề phụ, chúng tôi dùng số tiền tích cóp để duy trì cuộc sống, nhưng nay nguồn đã cạn. Trong lúc khó khăn lại được TP, quận, phường quan tâm chi trả tiền hỗ trợ, tôi rất xúc động và cảm thấy an ủi, động viên”.
Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) Nguyễn Duy Mạnh trao tiền hỗ trợ cho anh Trần Văn Lâm, Lê Thị Huyền là đối tượng lao động tự do. Ảnh: Trần Oanh. |
Là trụ cột gia đình, phải nghỉ làm ở nhà nên anh Trần Văn Lâm (39 tuổi) – chồng chị Hiền, hết sức bí bách. Trước đây khi chưa có dịch, mỗi ngày anh Lâm cắt tóc, gội đầu thu được 200.000 – 300.000 đồng, đã trừ tiền thuê cửa hàng. Mấy tháng nay, không mở tiệm nhưng anh vẫn phải trả 5,5 triệu đồng thuê/tháng, khiến cuộc sống khó khăn hơn. “Chúng tôi chi tiêu rất tiết kiệm, chỉ phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày và hai con nhỏ. Với số tiền Nhà nước hỗ trợ, vợ chồng tôi cố gắng tằn tiện để vượt qua đợt dịch này” – anh Trần Văn Lâm bày tỏ.
Thông tin về tiến độ thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng Nguyễn Duy Mạnh cho hay: Ngày 23/7 UBND phường đã tiếp nhận 5 hồ sơ của NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do đại dịch Covid-19 đề nghị hỗ trợ. UBND phường đã tổ chức họp hội đồng xét duyệt, lấy ý kiến các thành viên hội đồng và các tổ dân phố, niêm yết công khai danh sách NLĐ, hoàn thiện đề nghị hỗ trợ và trình UBND quận xem xét, quyết định đối với 5 trường hợp.
Chúng tôi sẽ dùng tiền hỗ trợ để mua gạo!
Ngoài các đối tượng NLĐ và người sử dụng lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 3642 của UBND TP Hà Nội, quận Hà Đông đã hỗ trợ 278 hộ cận nghèo, mỗi hộ 1.500.000 đồng để vượt qua giai đoạn giãn cách xã hội (quận không còn hộ nghèo). Cho đến ngày 30/7, 278 hộ cận nghèo trên địa bàn quận Hà Đông đã rất phấn khởi khi được đủ nhận kinh phí hỗ trợ.
Được mời lên hội trường UBND phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) để nhận tiền hỗ trợ, đại diện các hộ cận nghèo hết sức vui mừng. Bởi họ là đối tượng yếu thế, cuộc sống hằng ngày vốn đã khó khăn, khi đại dịch Covid-19 xảy ra lại càng túng bấn hơn.
Thực hiện phòng chống Covid-19, đại diện các hộ cận nghèo đến phường Kiến Hưng nhận tiền hỗ trợ đều được bố trí ngồi khoảng cách, đeo khẩu trang đầy đủ. Ảnh: Trần Oanh. |
Vài bác gái cao tuổi thuộc hộ cận nghèo, làm nghề bán hàng nước, ngồi giãn cách trong hội trường UBND phường Kiến Hưng chia sẻ: Mấy tháng nay chúng tôi ở nhà, chẳng kiếm ra tiền, lại không có nguồn thu từ đồng ruộng. Hộ cận nghèo Lê Thị Xuân (64 tuổi) ở phố Đa Sỹ chỉ sống bằng nguồn 700.000 đồng bảo trợ/tháng (con trai bị bại não) và 350.000 chăm nuôi con. Chỉ với 1.050.000 đồng/tháng nên các bữa ăn hàng ngày của hai mẹ con bà Xuân chỉ có cơm và lạc rang muối vừng. Bà Lê Thị Xuân cho biết: Số tiền 1,5 triệu đồng được hỗ trợ hôm nay, tôi sẽ đóng tiền điện, còn lại để mua gạo.
Khi biết hoàn cảnh hộ cận nghèo Trần Thị Loan, ai nấy đều thương cảm. 71 tuổi, sức khỏe yếu nhưng bà Loan phải chăm nuôi con gái bị bệnh trầm cảm và 3 cháu ngoại. Năm 2020, quận Hà Đông đã trích ngân sách hỗ trợ 50 triệu đồng và nguồn xã hội hóa để xây cho gia đình bà Loan ngôi nhà 2 tầng có diện tích mặt bằng 28 m2 để các thành viên trong gia đình có chỗ ở khang trang.
Về phía phường Kiến Hưng đã tạo điều kiện cho bà Loan một chỗ bán hàng nước, để kiếm thêm đồng tiền mua rau. “Thực hiện giãn cách xã hội, mấy tháng nay tôi ở nhà, không có nguồn thu. Tôi đã phải đi đong chịu gạo; bữa ăn chỉ có rau, còn thịt thì không dám nghĩ tới. Với số tiền quận hỗ trợ 1.500.000 đồng, tôi sẽ dùng hết để mua gạo. Tôi chân thành cảm ơn quận Hà Đông và lãnh đạo phường Kiến Hưng đã giúp đỡ hộ gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này” – bà Loan ngậm ngùi nói.
Bà Trần Thị Loan thuộc hộ cận nghèo cẩn thận cất số tiền hỗ trợ vừa nhận được để mang về mua gạo cho gia đình. Ảnh: Trần Oanh. |
Chia sẻ với báo chí về việc tiếp tục hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, Trưởng phòng LĐTB&XH Hà Đông Đỗ Minh Loan cho biết: Quận Hà Đông đang chỉ đạo Phòng LĐTB&XH rà soát, lên phương án phối hợp với các đoàn thể (Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Liên đoàn lao động) và UBND 17 phường để hỗ trợ kịp thời các đối tượng khó khăn, yếu thế, NLĐ tại các khu nhà trọ trên địa bàn quận, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19 này.