Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những lưu ý khi ô tô đi qua đoạn đường ngập nước và cách xử lý khi bị thủy kích

Văn Sinh (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng thời gian này trong năm, Hà Nội cùng các địa phương khác ở vào giai đoạn cao điểm mùa mưa. Với kết cấu đô thị hiện tại, ngập úng đang là mối lo lắng thường trực của các tài xế ô tô.

Nếu mức nước quá sâu hoặc không thể đánh giá được tình trạng ngập nước thì tốt nhất không nên lái xe qua
Khi lưu thông qua đoạn đường ngập nước, tài xế cần đánh giá đúng về mức độ ngập của đoạn đường đó. Nếu mức nước quá sâu hoặc không thể đánh giá được tình trạng ngập nước thì tốt nhất nên dừng lại. Nếu quyết định lái xe vượt qua đoạn đường ngập nước, tài xế nên tắt các phụ tải của xe như điều hòa, hệ thống giải trí để tăng khả năng vận hành của động cơ.

Lưu ý đầu tiên, tài xế cần đi với tốc độ chậm, đều ga. Với xe số tự động, tài xế nên chuyển chế độ S, ga từ từ và không nên thốc ga. Bởi khi đi đường đông, ngập nước, việc thốc ga và phanh lại khiến nước có thể sẽ tràn vào cổ hút, xâm nhập vào máy gây hiện tượng thủy kích. Đặc biệt lưu ý là không dừng lại trong vùng ngập. Nếu bắt buộc phải dừng lại thì về số N (mo), kéo phanh tay và vẫn giữ ga. Khi có thể tiếp tục lăn bánh, nhanh tay vào số và di chuyển qua vùng ngập. Nếu quan sát thấy mức nước cao hơn nửa bánh xe thì bạn không nên liều lĩnh chạy qua.
"Kẻ thù" số 1 với tài xế ô tô trong mùa mưa bão

Thủy kích là hiện tượng mà các tài xế ô tô có nguy cơ gặp phải khi lái xe trong mùa mưa bão hay đi qua những vũng nước ngập. Hiện tượng thủy kích động cơ chỉ về tình trạng ô tô chết máy do nước tràn vào qua đường hút gió. Thường thì những chiếc sedan hay hatchback cỡ nhỏ, có khung gầm xe thấp hay gặp hiện tượng thủy kích hơn các mẫu SUV/crossover gầm cao.

Khi nước tràn vào xe sẽ tạo nên một lực ép lớn, đối đầu với áp lực từ các piston đang từ dưới đẩy mạnh lên hỗn hợp khí nạp. Trong trường hợp này, nếu như tài xế vẫn cố khởi động xe ô tô vô tình khiến cho lượng nước tràn vào càng nhiều với lực càng mạnh làm cho các tay biên piston bị biến dạng, thậm chí là bị gãy, hỏng hóc. Khi tay biên piston gãy sẽ làm chất lượng hoạt động của xi lanh bị giảm sút và làm hỏng trục cơ, thủng vỡ lốc máy ô tô khiến động cơ xe bị hư hỏng nghiêm trọng.

Sau động cơ, hệ thống điện là thành phần tiếp theo chịu ảnh hưởng. Khi bị ngâm nước hệ thống điện có thể bị chập cháy, gỉ sét các mối nối hay ảnh hưởng tới tín hiệu, các nút hay bộ điều khiển những trang bị như đèn, hệ thống giải trí, ghế chỉnh điện, loa… dẫn đến buộc phải thay thế hết các dây dẫn lẫn bộ phận quan trọng.

Bên cạnh đó, các chi tiết mềm của xe như tấm lót, đệm ghế ngồi cũng là những thành phần chịu ảnh hưởng nặng nề, bởi nó hút và giữ nước rất mạnh. Để khắc phục phải tháo rời toàn bộ sấy khô thật kỹ, tuy nhiên độ bền sau đó sẽ không còn được như trước, chưa kể nếu ngâm nước quá lâu thường phải thay mới.
Hình ảnh động cơ hư hỏng nặng sau khi bị thủy kích
Ngoài những bộ phận kể trên, hệ thống khung sườn, hệ thống treo, truyền động hay cả túi khí của xe ngập nước cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Những tác động xấu do nước ngập thường sẽ ảnh hưởng từ từ tới các thành phần này gây mất ổn định, hỏng hóc nhanh hơn theo thời gian.

Chi phí để sửa chữa những hỏng hóc liên quan đến động cơ xe ô tô không hề rẻ, nếu không muốn nói là rất đắt đỏ. Chi phí sẽ rơi vào tầm vài chục triệu đồng nếu như chỉ thay tay biên piston, và con số sẽ đội lên rất nhiều nếu như hệ thống điện và động cơ xe bị hỏng. Đặc biệt là đối với những mẫu xe sang, chi phí thay phụ tùng rất lớn.

Chưa kể đến, những chiếc ô tô bị thủy kích nhiều lần không được chăm sóc và bảo dưỡng xe tốt thông thường giá trị thanh khoản không cao. Khi muốn bán lại, những chiếc xe ô tô cũ này có giá chuyển nhượng thấp.
Lời khuyên dành cho tài xế

Khi xe bị ngập nước, các chủ xe cần hết sức bình tĩnh và làm theo các bước sau: Nếu xe bị tắt máy đột ngột giữa vùng ngập, bạn tuyệt đối không tìm cách khởi động lại.

Kiểm tra lại dầu máy, nếu dầu máy chuyển màu nước gạo tức là nước đã vào động cơ. Lúc đó, bạn tuyệt đối không nên tìm cách khởi động lại, nên rút chìa khoá điện, đẩy xe lên chỗ cao phòng tránh bị sóng nước do xe khác chạy làm trôi dạt.

Đừng nên tìm cách tự sửa nếu các bạn không có chuyên môn kỹ thuật, bạn nên tháo càng sớm càng tốt dây nối với bình ắc quy, gọi về hãng xe của bạn để tìm người tư vấn hoặc đơn giản hơn bạn gọi cứu hộ 116, thông báo rõ loại xe và tình trạng bị ngập để được tư vấn cách không bị thiệt hại thêm cũng như các việc cần thiết nếu xe bạn có mua bảo hiểm thủy kích.

Ngoài ra, khi xe bị thủy kích, không nên mở cửa ngay khi xe bị chết máy mà cần chú ý tới mức nước. Nếu nước cao hơn phần thấp nhất của cửa ra vào, tuyệt đối không được mở cửa, vì sẽ làm nước bên ngoài tràn vào làm hư các hệ thống điện tử. Trong trường hợp này, cần mở cửa sổ để ra vào xe.

Ngoài ra thì cách phòng ngừa rủi ro hữu hiệu nhất là sở hữu gói bảo hiểm vật chất xe cơ giới, bao gồm cả bảo hiểm thủy kích. Nhờ đó, chủ xe sẽ được bồi thường cho những thiệt hại vật chất xảy ra trong những tai nạn bất ngờ như đâm, va, lật đổ, thủy kích, bị mất cắp, mất cướp… Hiện tại, trên thị trường có khá nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang cung cấp sản phẩm này với mức giá dao động trong khoảng từ 0,3 - 0,5% giá trị xe.