Bộ GD&ĐT đã công bố lịch thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra từ ngày 6 – 9/7. Trong đó, ngày 6/7 là họp cán bộ làm công tác coi thi tại điểm thi và thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến Quy chế thi, Lịch thi. Ngày 7/7, buổi sáng, thí sinh thi bài thi Ngữ văn; buổi chiều, thí sinh thi Toán. Ngày 8/7, buổi sáng thí sinh thi bài Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân); buổi chiều thi bài Ngoại ngữ. Ngày 9/7 là dự phòng.
Bộ GD&ĐT lưu ý, khi đăng ký dự thi (ĐKDT), thí sinh phải kê khai bảo đảm chính xác thông tin về mã tỉnh, mã trường phổ thông... đúng quy định. Đồng thời nghiên cứu kỹ lưỡng hướng dẫn thực hiện Quy chế tuyển sinh trình độ đại học (ĐH), trình độ cao đẳng (CĐ) ngành Giáo dục mầm non hiện hành để ghi các thông tin vào mục đăng ký xét tuyển sinh ĐH, CĐSP trong Phiếu Đăng ký dự thi.
Khi đăng ký bài thi tổ hợp/môn thi thành phần: Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT chỉ được ĐKDT một bài tổ hợp (Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội).
Thí sinh thuộc điểm c, khoản 1, Điều 12 Quy chế thi, chỉ được ĐKDT các môn thi thành phần trong cùng một bài thi tổ hợp.
Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh được chọn dự thi một trong 7 ngôn ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn. Thí sinh được đăng ký thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông. Thí sinh là học viên GDTX được đăng ký dự thi bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Các trường hợp thí sinh được miễn bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT, đó là: Thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Thí sinh có một trong các chứng chỉ Ngoại ngữ (giống hoặc khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông) hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 6/7/2021 và đạt mức điểm tối thiểu theo bảng dưới dây:
Thí sinh có nguyện vọng được xem xét bảo lưu điểm thi theo quy định tại khoản 1 Điều 38 của Quy chế thi. Điểm bảo lưu do hiệu trưởng trường phổ thông, nơi thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 kiểm tra và xác nhận (trong trường hợp thí sinh dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại tỉnh khác với tỉnh đã dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thì việc xác nhận điểm bảo lưu phải do sở GD&ĐT nơi thí sinh đã dự thi năm 2020 thực hiện kiểm tra và xác nhận).
Thí sinh thuộc điểm b, khoản 1, Điều 12 Quy chế thi có học bạ theo chương trình THPT nào thì phải ĐKDT theo quy định dành cho chương trình đó. Nếu thí sinh mất bản chính học bạ THPT có nguyện vọng dự thi năm 2021 phải có xác nhận bản sao học bạ được cấp hoặc bản sao kết quả học tập THPT, trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ của các kỳ thi trước.
Ảnh của thí sinh là ảnh màu cỡ 4x6cm, kiểu Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân, được chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng. Ảnh của thí sinh (có thể quét ảnh thí sinh đã nộp hoặc nhập từ file ảnh hoặc chụp ảnh trực tiếp) phải được nhập ngay khi nhập Phiếu ĐKDT. Ảnh của thí sinh đưa vào hệ thống có độ phân giải là 400x600 pixels và phải được gắn đúng với thí sinh.
Từ ngày 27/4 đến ngày 11/5 , các đơn vị ĐKDT thực hiện thu hồ sơ ĐKDT và bản photocopy Căn cước công dân (riêng đối tượng thí sinh thuộc điểm b, điểm c, khoản 1, Điều 12, Quy chế thi có thể nộp phong bì có dán tem ghi rõ địa chỉ và thông tin người nhận nếu thấy cần thiết); nhập dữ liệu vào hệ thống Quản lý thi. Sau khi đã nhập dữ liệu xong, in thông tin ĐKDT của thí sinh từ Hệ thống Quản lý thi, giao cho giáo viên chủ nhiệm hoặc người được phân công để tổ chức cho học sinh rà soát, ký xác nhận.
Sau khi kết thúc thời hạn đăng ký dự thi, thí sinh không được thay các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký.