Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những lưu ý trong tục hóa vàng và bài văn khấn năm Tân Sửu 2021

Trương Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ hóa vàng, còn gọi là lễ đưa tiễn ông bà, lễ hóa vàng cho tổ tiên, hay lễ tạ năm mới. Sau khi đốt vàng mã, con cháu tề tựu đông đủ, cùng nhau dùng bữa cơm thân mật, vui vẻ, kết thúc những ngày Tết và bắt đầu trở lại với công việc.

 Những lưu ý trong tục hóa vàng và bài văn khấn năm Tân Sửu 2021. Ảnh minh họa
Theo phong tục truyền thống của người Việt, 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời. Chiều 30 Tết (nếu tháng thiếu thì vào ngày 29 Tết), các gia đình sẽ bày biện ban thờ, chuẩn bị mâm ngũ quả, bánh mứt và một mâm cỗ cúng tất niên.
Đêm giao thừa sẽ sắp xếp mâm cơm cúng như một hình thức mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Do đó, các đồ lễ (trừ đồ mặn, dễ hỏng) sẽ được giữ nguyên trên ban thờ trong suốt 3 ngày Tết (mùng 1, 2, 3). Sau 3 ngày Tết, các gia đình sẽ làm một mâm cơm cúng làm lễ hóa vàng.

Lễ hóa vàng, còn gọi là lễ đưa tiễn ông bà, lễ hóa vàng cho tổ tiên, hay lễ tạ năm mới. Có những gia đình chỉ làm gói gọn trong gia đình. Nhưng cũng có gia đình mời thông gia, hàng xóm thân thiết tới dùng cơm lễ hoá vàng, coi như là dịp gặp mặt nhau ngày đầu Xuân. Hóa vàng tiễn các cụ xong ai cũng có cảm giác Tết đã hết. Người kinh doanh lại bắt đầu mở hàng kinh doanh như mọi ngày. Người làm công việc khác cũng vậy.

Trước đây, lễ hóa vàng thường được tổ chức vào ngày mùng 3 hoặc mùng 7 Tết, nhưng nay tùy điều kiện của mỗi gia đình, lễ hóa vàng cũng được tổ chức linh động hơn. Thông thường là từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 10 Tết.

Để làm lễ hóa vàng, bên cạnh các đồ lễ vẫn bày trên ban thờ từ trước (mâm ngũ quả, bánh kẹo…) gia chủ thường chuẩn bị thêm hương, hoa, tiền vàng, đèn nến, trầu cau, rượu và một mâm cỗ.

Mâm cỗ cúng có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn đều được. Trước đây, nếu làm cỗ mặn thì không thể thiếu đĩa gà trống. Ngày nay, quan niệm đời sống tâm linh đã nhẹ nhàng hơn, gia chủ không cần bày biện quá nhiều lễ vật.

Đồ làm lễ chỉ cần chọn những nông sản tươi ngon, đảm bảo vệ sinh, an toàn, nhẹ nhàng, tinh khiết là được.

Sau khi thắp hương làm lễ, gia chủ sẽ đốt vàng mã - hóa vàng. Khi hóa thì thường hóa của gia thần trước rồi mới đến phần vàng mã của tổ tiên để không nhầm lẫn.

Đặc biệt, phần vàng mã dành cho người mới mất trong năm thì sẽ hóa cuối cùng. Lúc hóa xong, phần tiền vàng, sớ trạng đã cháy hết thì gia chủ vẩy vào thêm chút rượu, vì quan niệm xưa cho rằng phải như thế thì khi đến cõi âm các cụ mới nhận và tiêu được số tiền đó.

Nhiều nhà còn cẩn thận mang theo hai cây mía hơ trên phần tiền vàng mới hóa xong ví như nó là đòn gánh cho các cụ gánh tiền, gánh vàng về cõi âm.

Sau khi đốt vàng mã, con cháu tề tựu đông đủ, cùng nhau dùng bữa cơm thân mật, vui vẻ, kết thúc những ngày Tết và bắt đầu trở lại với công việc.
Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam của Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, bài văn khấn trong lễ hóa vàng như sau:
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)

Kính lạy:

Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.

Ngài Đương niên, Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng, các Ngài Thổ Địa, Táo Quân, Long Mạch Tôn Thần.

Các Tổ Khảo, Tổ Tỷ, nội ngoại tiên linh. Hôm nay là ngày mùng Ba tháng Giêng năm Tân Sửu.

Tín chủ chúng con .......................... Ngụ tại .......................................... Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cúng dâng trước án.

Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên Đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ Tôn Thần, rước tiễn tiên linh trở về Âm giới.

Kính xin: Lưu phúc lưu ân, phù hộ độ trì, dương cơ âm mộ, mọi chỗ tốt lành. Cháu con được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.

Nam mô Chứng Minh Sư Bồ Tát (3 lần).