Những mảnh đời vượt lên số phận, giúp đỡ cộng đồng

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nỗ lực tột bậc để vượt qua số phận, sau khi thành công những người khuyết tật còn dành tâm huyết để hỗ trợ cho người đồng cảnh ngộ, giúp đỡ cộng đồng và góp phần làm rạng danh thể thao nước nhà.

Khi thoát nghèo quay trở lại giúp cộng đồng
Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi (NKT&TMC) TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức hội nghị tuyên dương gương NKT&TMC và người bảo trợ tiêu biểu (giai đoạn 2016-2020). Đến dự có đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Sở LĐ-TB&XT cùng các ban ngành và 51 gương tiêu biểu.
 Chị Đinh Thị Tuyết Đào sau khi thoát nghèo, vượt lên số phận đã hỗ trợ lại những người đồng cảnh ngộ.
Trường hợp chị Đinh Thị Tuyết Đào (SN 1970), chủ cơ sở đan móc len Phước Đào ở hẻm 174 Lê Văn Lương, phường Tân Hưng, quận 7, là một ví dụ điển hình người khuyết tật vươn lên bằng nghị lực của bản thân. Năm lên 4 tuổi, sau một cơn sốt chân trái chị bị teo và không thể đi đứng như người bình thường. Đến những năm 1997 - 2008, gia đình chị Đào thuộc diện hộ nghèo, bằng nghị lực của bản thân, chị Đào vay 10 triệu đồng vốn xóa đói giảm nghèo của Hội LHPN phường để hành nghề đan móc len. Giai đoạn 2009 - 2012, gia đình chị vươn lên… diện cận nghèo, và mở hẳn Công ty TNHH MTV Phước Đào chuyên đan móc len. Khi đã có của ăn của để, chị Đào quay lại hỗ trợ những người khuyết tật như chị bằng cách dạy họ đan len, miễn giảm học phí cho các chị em thuộc diện hộ nghèo và tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động. Tính đến nay chị Đào đã trực tiếp truyền nghề và đào tạo nghề cho gần 500 chị em phụ nữ ở quận 7, 4 và 8. Từ những thành tích nêu trên, chị Đào được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vì đã có thành tích trong phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2002 – 2012, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh về thành tích xuất sắc trong việc tham gia thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 – 2015”.
Đoạt huy chương đồng Paralympic đầu tiên cho Việt Nam
Đó là trường hợp anh Cao Ngọc Hùng (SN 1990, ngụ quận 3), bị sốt bại liệt quái ác vào năm 2 tuổi, khiến đôi chân anh bị liệt. Với tình thương yêu vô bờ bến đối với đứa con bé bỏng không may bị khuyết tật, cha mẹ anh Hùng vẫn cho anh đi học. Năm 2003, khi Hùng được 13 tuổi, học tại Trường THCS Trần Văn Đang, lúc này thầy giáo dạy thể dục thể thao phát hiện năng khiếu của Hùng và hướng dẫn em tham gia thể thao dành cho người khuyết tật. Không phụ lòng thầy cô và các huấn luyện viên, Hùng chịu khó luyện tập ngày đêm, lúc đầu chỉ tham gia các giải thể thao dành cho người khuyết tật cấp quận, thành phố. Sau đó là các giải toàn quốc, rồi giải Đông Nam Á - Asean Paragames Việt Nam, giải thể thao Bắc Kinh…, Cao Ngọc Hùng em đều tham gia và đoạt giải. Đặc biệt, tại giải thể thao thế giới Paralympic Rio 2016 tại Brazil, Hùng đã xuất sắc đoạt Huy chương đồng Paralympic lần đầu tiên trong lịch sử điền kinh người khuyết tật Việt Nam về môn ném lao. Sau thành tích này, Cao Ngọc Hùng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3.
 Anh Cao Ngọc Hùng bị liệt 2 chân từ nhỏ, nhưng đã không ngừng tập luyện để đem về tấm Huy chương đồng Paralympic đầu tiên trong lịch sử điền kinh người khuyết tật Việt Nam về môn ném lao.
Có mặt tại hội nghị tuyên dương NKT&TMC, Hùng cho biết nguồn sống chính của gia đình em là từ thể thao và thể thao cũng là đam mê, ước nguyện của em. Giai đoạn 2019-2020, dù dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên thế giới, nhưng Hùng vẫn không ngừng luyện tập để tham gia giải đấu ở Nhật Bản, nhờ thành tích này anh được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là vận động viên xuất sắc - Xuất sắc tiêu biểu môn điền kinh tuyển Việt Nam và được tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2019.
Trở thành giảng viên của 4 trường Đại học
Tương tự những trường hợp vượt lên số phận bằng ý chí, nghị lực của chính mình là chị Lê Thị Bích Loan (SN 1983). Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị Loan lại bị di chứng sốt bại liệt từ nhỏ, do đó việc đi lại phải sử dụng nạng. Trong suốt quá trình đi học từ lớp 1 đến lớp 10, chị Loan nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè. Với suy nghĩ không thể lệ thuộc vào người khác, chị Loan đã nỗ lực tập luyện để có thể tự đi lại rồi thi vào trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và nhận được học bổng của Hội bảo trợ NKT&TMC TP.
 Chị Lê Thị Bích Loan bằng ý chí bản thân, sự giúp đỡ của bạn bè và Hội Bảo trợ NKT&TMC đã tốt nghiệp thủ khoa Thạc sỹ Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và làm giảng viên 4 trường Đại học.  
Năm 2006, với đề tài xây dựng bộ môn nhận diện thương hiệu cho Trung tâm phục hồi chức năng, chị Loan tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Kiến trúc. Sau đó tiếp tục tốt nghiệp thủ khoa Thạc sỹ chuyên ngành “Lý luận và lịch sử mỹ thuật” trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Hiện nay, ngoài công việc làm Giám đốc sáng tạo cho một công ty bao bì, chị Loan còn làm giảng viên thỉnh giảng cho 4 trường Đại học ở TP Hồ Chí Minh và trở thành gương giáo viên điển hình Trung tâm Polyart thuộc Đại học Mỹ thuật TP, với 7 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí các trường Đại học, trang kỷ yếu hội thảo khoa học.
Khi đã thành danh trên con đường học vấn, Bích Loan không quên những ngày tháng mình nhận được sự giúp đỡ của người thân, bạn bè và của Hội Bảo trở NKT&TMC TP Hồ Chí Minh. Vì vậy nhiều năm liền và cho tới hiện nay, Loan chính là người thiết kế các phông màn, panô, áp phích, prosua của Hội Bảo trợ NKT&TMC mỗi khi có hội nghị, hội thảo…, mà không nhận thù lao.
Luôn tri ân những nhà hảo tâm
Bà Hoàng Thị Khánh - Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC TP Hồ Chí Minh, cho biết trong 5 năm (2016 - 2020), Hội đã trợ giúp được 100.507 lượt người với tổng kinh phí trên 50.532.666.000 đồng (gồm tiền và hiện vật quy ra tiền). Hội cũng chia sẻ với NKT&TMC ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Hòa Bình, Khánh Hòa, Cà Mau, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, Đắc Nông…, mỗi khi bị bão lũ, hạn hán, khi những tỉnh bạn có nhu cầu về xe lăn, xe lắc, nạng, áo ấm, lương thực thực phẩm…
 Bà Hoàng Thị Khánh - Chủ tịch Hội NKT&TMC TP Hồ Chí Minh báo cáo tại hội nghị.
Để công tác bảo trợ cho NKT&TMC được duy trì bền vững là nhờ những nhà hảo tâm đã hỗ trợ chi phí học nghề, lương giáo viên, tiền ăn, tiền trang bị các phương tiện dạy nghề, sinh hoạt. Hội Bảo trợ NKT&TMC TP Hồ Chí Minh luôn trân trọng tri ân những tấm lòng thiện nguyện của các đơn vị, nhà hảo tâm. 
Cũng theo bà Hoàng Thị Khánh, tiêu biểu cho các cá nhân, tập thể có tấm lòng hảo tâm là Linh mục Nguyễn Ngọc Sơn trong 5 năm đã huy động, tổ chức 27 chuyến đi khám chữa bệnh, phát thuốc, trao quà cho 29.465 người khuyết tật…, với tổng giá trị 10.261.047.000 đồng. Hay tổ chức Taiwan Fund for Children and Families (TFCF) từ năm 2015 đã hỗ trợ nhiều chương trình giúp trẻ em và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong 5 năm, TFCF đã trao 2.000 phần quà cho mục đích đóng học phí, mua sách vở, dụng cụ học tập cho trẻ để trẻ được tiếp tục cắp sách đến trường. Giai đoạn 2018 - 2020, trao 65 suất học bổng dành cho học sinh giỏi có thành tích ưu tú, tặng BHYT cho 208 trẻ em. Phối hợp với Hội Bảo trợ NKT&TMC TP xây dựng, sữa chữa nhà ở cho 8 hộ gia đình trên địa bàn quận 8, huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Tổng giá trị các đợt hỗ trợ của tổ chức TFCF trong 5 năm là 3.982.084.200 đồng. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần