Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những người lính già vẫn lặng thầm đi tìm đồng đội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những người lính già đang sinh sống tại Đất Tổ Phú Thọ vẫ...

Kinhtedothi - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những người lính già đang sinh sống tại Đất Tổ Phú Thọ vẫn đau đáu nhớ về những người đồng đội năm xưa, bởi lẽ đâu đó phần mộ đồng đội của các ông vẫn còn cô quạnh nơi đất khách quê người. Tâm niệm ấy đã thành động lực thôi thúc họ một lần nữa lên đường đi tìm đồng đội mình dù tuổi đã cao, sức đã yếu.

Theo lời kể của ông Trần Văn Bé, Trưởng Ban liên lạc Sư đoàn 305 - bộ binh dù đặc công khu vực tỉnh Phú Thọ, sau Hiệp định Geneva năm 1954, Sư đoàn 305 - liên khu V - bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, về Phú Thọ có nhiệm vụ cùng với nhân dân miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

"Tôi là người Quảng Ngãi và được vinh dự là cùng đồng đội vào Nam tiếp tục chiến đấu những năm 1959, 1960 và tiếp tục trở về đất này sau khi hòa bình lập lại. Và hiện giờ trên mảnh đất Phú Thọ vẫn còn trên 40 người con miền Nam tập kết ra Bắc sinh sống và định cư tại đây, người còn, người mất, nhiều đồng đội của chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại nơi đất mẹ," ông Bé ngậm ngùi nhớ về đồng đội của mình.

 
(Ảnh minh họa; Anh Tuấn/TTXVN)
(Ảnh minh họa; Anh Tuấn/TTXVN)
"Vì nhiệm vụ, nhiều bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc không kịp lập gia đình, nhiều người không còn người thân trong miền Nam. Có người mất do bom đạn của chiến tranh, có người sau khi cùng với nhân dân miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa và khuất núi tại mảnh đất khách quê người. Tại tỉnh Phú Thọ, nhiều phần mộ của bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc nằm rải rác trong tỉnh, nhiều phần mộ không có người chăm sóc," ông Bé cho biết thêm.

Với mong muốn tìm lại những đồng đội của mình đã nằm lại nơi mảnh đất này để tiện chăm sóc, hương khói. Cách đây hơn 10 năm, ông Bé cùng những người lính già của Sư đoàn 305 đã quyết định đi tìm đồng đội của mình đã nằm xuống tại những nơi mà bộ đội Sư đoàn 305 đóng quân xây dựng kinh tế tại tỉnh Phú Thọ.

Việc làm của các ông đã khiến nhiều người nghi ngại, lo lắng. Bởi các ông đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, phương tiện không có, kinh phí lại eo hẹp. Nhưng dường như tình cảm đồng đội, đồng hương, đồng ngũ đã thôi thúc các ông lên đường. Chỉ bằng những chiếc xe đạp cũ, từng phần hài cốt của đồng đội đã được các chiến sỹ của Sư đoàn 305 - liên khu V - bộ đội miền Nam tập kết để đưa về nơi quy tập.

Dù đã qua đến hơn cả thập kỷ nhưng kỷ niệm về những ngày đầu tiên đi tìm đồng đội vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của các ông.

Tháng 12/2005, sau nhiều năm mải miết đi tìm đồng đội, khu tưởng niệm các chiến sỹ Sư đoàn 305 đã được khánh thành tại nghĩa trang thành phố Việt Trì. Khó có thể tả xiết niềm hạnh phúc của những người ở lại đã đi tìm đồng đội.

Năm 2006, khi 52 phần mộ chiến sỹ sư đoàn 305 đã được yên nghỉ tại khu tưởng niệm, các cựu chiến binh già vẫn tiếp tục tìm kiếm, hy vọng tìm thêm được những phần mộ của đồng đội còn nằm lại ở nơi nào. Và trên một đồi chè xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn, 3 phần mộ nữa đã được tìm thấy.

Ông Trần Văn Bé xúc động chia sẻ: "Đồng đội của tôi ra Bắc làm kinh tế, có người có vợ con, người cô đơn đến khi nằm xuống lòng đất. Từng ấy phần mộ lạnh lẽo và cô đơn suốt mấy chục năm trời. Nay các đồng chí đã được về cùng một chỗ, được nằm bên nhau, tình cảm ấp áp sẽ khiến những linh hồn bớt cô quạnh hơn."

Trong ngôi nhà nhỏ của ông Trần Văn Bé những ngày này, luôn rộn tiếng cười nói, những cái bắt tay ấm tình đồng đội, những câu chuyện râm ran ôn lại chặng đường chiến đấu và những ngày tháng đi tìm đồng đội vất vả mà ý nghĩa biết nhường nào. Các ông đang chuẩn bị lên lên thắp nén nhang cho đồng đội của mình nhân ngày 27/7. Khu tưởng niệm bây giờ đã khang trang hơn trước rất nhiều.

Hơn 60 ngôi mộ đã được quy tập tại đây, mỗi nén hương nghĩa tình như nhắc nhở mỗi người các ông nhớ về đồng đội, tình cảm thiêng liêng đó đã làm ấm lòng những người đồng đội của các ông đang nằm dưới suối vàng. Và đó cũng chính là nguyện ước của những cựu chiến binh già đi tìm đồng đội.

Chiếc xe đạp phải xếp vào góc nhà, đôi mắt người lính già đã mờ dần, đôi tay run rẩy không còn tiếp tục đi tìm đồng đội được nữa, nhưng các ông không nguôi trăn trở nhớ về đồng đội.

Ông Văn Tiến Miễn tâm sự: "Tôi năm nay đã 88 tuổi rồi, ở cái tuổi gần đất xa trời như thế này chúng tôi cũng không còn sức khỏe để đưa nốt một số phần mộ của đồng đội chúng tôi về quy tập được, chúng tôi sẽ giao lại cho thế hệ sau tiếp tục công việc này."

Khi được hỏi, sau này các ông có trở về quê hương của mình không, các ông đều khẳng định rằng sau này chúng tôi qua đời, chúng tôi chỉ mong muốn được nằm cạnh đồng đội của mình, đó là tâm nguyện cuối cùng của chúng tôi.