Để đến được điểm lẻ của trường mầm non Trà Xinh tại thôn Trà Ôi (xã Trà Xinh, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi), cô Võ Thị Thu Huệ (37 tuổi) gửi nhờ xe tại nhà dân ở bên tuyến đường bê tông đầu đội 4 (thôn Trà Ôi), rồi bắt đầu leo núi, băng rừng đến lớp.
Thôn Trà Ôi nằm cách trung tâm xã chừng hơn 5km nhưng đến một nửa là đường đất, đồi núi dựng đứng. Cô Huệ phải đi bộ gần 1 tiếng, trèo qua nhiều con dốc cao mới tới được lớp học. Đó là ngày nắng, còn những ngày mưa, hành trình đến lớp của cô càng khó hơn vì đường rất trơn và lầy lội.
9 năm gắn bó với học trò vùng cao, cô Huệ thấm đủ gian nan, khó khăn không riêng của nghề, mà còn là của bà con Cadong ở vùng “chó ăn đá, gà ăn cát”.
“Mới đầu không thích nghề này vì khổ quá, đi suốt ngày không có thời gian lo cho con cái. Vậy mà riết rồi gắn bó lúc nào chẳng hay. Bà con ở đây rất thiệt tình, chất phác. Ngày lễ 20/11, 8/3, quà cho cô giáo thường là nải chuối, mớ rau rừng… Đơn giản thế nhưng lại là niềm động viên lớn để mình tiếp tục cố gắng bám nghề, bám lớp”- cô Huệ cười.
Nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn, địa hình của huyện Trà Bồng có độ dốc cao, đồi núi chiếm phần lớn diện tích. Điểm lẻ của trường mầm non Trà Xinh tại thôn Trà Ôi nằm lọt thỏm giữa bao la rừng núi. Lớp học chỉ có 36 học sinh, ghép các em từ 3-5 tuổi và có 2 cô giáo phụ trách.
Điểm lẻ này chỉ có 1 phòng học, cũng đồng thời là nơi ăn, ngủ trưa của các em. Phòng sinh hoạt của 2 giáo viên là cô Huệ và cô Hồ Thị Tâm (31 tuổi) được tận dụng phòng bếp cũ, kê giường để ở lại qua đêm.
“Điều kiện sống ở Trà Ôi rất thiếu thốn, ở đây lâu rồi cũng quen. Mấy chị em hay nói đùa, riết rồi giống đàn ông luôn, cưa, đục, sửa chữa vật dụng gì cũng phải tự tay làm”- cô Huệ chia sẻ.
Học sinh ở Trà Ôi là người Cadong, ít tiếp xúc với người miền xuôi nên tiếng Việt chưa thành thạo. Nhiều lúc giáo viên nói nhưng các em không hiểu, phải nhờ người dân “phiên dịch” lại bằng tiếng bản ngữ.
Các em trong thôn đều đi bộ đến điểm trường để học và ở lại tới chiều. Đường xa nên vào cuối giờ, mỗi xóm thường cử 1-2 người lớn để dẫn con em trong xóm mình về nhà.
“Nơi đây cách xa trung tâm, đường đi hiểm trở nên người dân rất khó khăn trong tiếp cận y tế. Có người mất vì không được chữa trị kịp, con cái để cho ông bà nuôi. Trong lớp có em Hồ Văn Long mới 4 tuổi, mẹ mất vì bệnh lao phổi. Nhà Long có 3 anh em, Long là con út, gia đình rất nghèo, thiếu thốn đủ bề”- cô Hồ Thị Tâm ngậm ngùi.
Ở thôn Trà Ôi, đồng bào người Cadong làm nương rẫy, hái đót, làm thuê ở các rừng keo, điều kiện sống còn nhiều hạn chế. Trẻ em cũng vì vậy mà thiếu thốn về vật chất, ăn uống kham khổ, chủ yếu là rau rừng. Quần áo các em đang mặc phần lớn do các cô giáo liên hệ, xin từ những đoàn từ thiện.
“Chuyện có bịch sữa, gói bánh, viên kẹo là điều rất bình thường với các em mầm non ở miền xuôi, nhưng lại xa xỉ với các em miền ngược. Bởi vậy, khi có đoàn về cho bánh kẹo, quần áo là cả cô và trò mừng lắm”-cô Huệ chia sẻ.
Hiệu trưởng trường mầm non Trà Xinh Nguyễn Thị Ái Thảo cho biết: “Trường hiện có 5 điểm lẻ tại 3 thôn, trong đó Trà Veo 2 điểm, Trà Kem 2 điểm và Trà Ôi 1 điểm. Điểm trường tại thôn Trà Ôi là nơi xa nhất, khó khăn nhất”.
Thông thường, mỗi năm, các cô giáo của trường mầm nom Trà Xinh sẽ luân phiên lên dạy ở thôn Tà Ôi để chia bớt khó khăn cho nhau, trừ những cô có con nhỏ thì được ưu tiên, ở những điểm lẻ gần và thuận lợi hơn.
"Trường mầm non Trà Xinh được hỗ trợ từ Nhà nước dành cho học sinh miền núi nhưng lại không có bán trú nên không có người nấu ăn. Để có bữa trưa cho trẻ ở lại, phụ huynh cùng nhau đóng góp, thuê người cấp dưỡng. Nếu không thuê được thì các giáo viên, phụ huynh tự phân công, hỗ trợ nhau nấu"- bà Thảo cho hay.