Những người thầm lặng ươm hạt giống cho đời

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhteodothi - Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 không chỉ là dịp để ngành Giáo dục tôn vinh những người trong ngành, học trò thể hiện lòng “tôn sư trọng đạo”, mà còn là dịp để xã hội tôn vinh, tri ân những người đã, đang gắn bó với sự nghiệp trồng người - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Thêm yêu nghề và thương trò nghèo
Trường THPT Đồng Quan được xây ở xã nghèo Phượng Dực (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cách xa trung tâm huyện. Học sinh (HS) của trường chủ yếu thuộc gia đình nông dân nghèo, kinh tế của thầy, cô giáo cũng chẳng khấm khá hơn. Dù khó khăn chồng chất, vậy mà những năm gần đây trường liên tục có thủ khoa các trường đại học top đầu cả nước.

Niềm vui của cô - trò trường Tiểu học Giang Biên, quận Long Biên trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2016. Ảnh: Hoàng Như Thính

Gắn bó với ngôi trường đó đã trên 18 năm, cô Nguyễn Thị Hường - giáo viên bộ môn Vật lý, từng là giáo viên chủ nhiệm của thủ khoa Lê Đức Duẩn (thủ khoa trường Đại học Y Hà Nội năm 2012); Ngô Minh Huy (thủ khoa Học viện Quân y năm 2015); Vũ Đức Trọng (thủ khoa Học viện Hậu cần năm 2015) và đã từng dẫn dắt nhiều HS đoạt giải cao các kỳ thi HS giỏi cấp TP. Mỗi HS đạt ngôi vị thủ khoa hay đỗ đại học đều là niềm vui của thầy cô, niềm tự hào của nhà trường. Cô Hường tâm sự, 18 năm trong nghề với nhiều kỷ niệm vui buồn, nhưng in đậm trong tâm trí cô là cặp lồng cơm của học trò Lê Đức Duẩn. Cô Hường bùi ngùi nhớ: “Duẩn là một học trò học giỏi trong lớp (lớp 12 do cô chủ nhiệm năm 2012 – HS đỗ thủ khoa năm 2012), nhưng rất nhiều buổi học (cả chính khóa, phụ đạo) Duẩn lặng lặng chẳng nói, cũng không vui đùa như HS khác. Vào một buổi trưa, mở cặp lồng cơm của Duẩn thấy chỉ có vài cọng rau muống và mấy hạt lạc rang, tôi thấy thương em vô cùng. Đây cũng là kỷ niệm tôi không thể quên. Cũng chính từ cặp lồng cơm của em mà tôi cảm thấy thêm động lực để phấn đấu, yêu nghề hơn”.
Cô Hường tự hào: HS của trường rất nghèo, nhưng được học đại học là ước mơ lớn của nhiều HS nơi đây. “Hiểu được nguyện vọng này của các em, không chỉ riêng cô, mà tất cả từ ban giám hiệu đến các thầy, cô trong trường đều nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu để có thể truyền đạt kiến thức tốt nhất, giúp các em thực hiện được ước mơ của mình. Vì thế mà thành tích của mỗi một HS đạt được cũng được xem là thành tích của cả trường, cả thầy cô và bạn bè”. 
Nơi không thiệp, không hoa vào 20/11
Thật cảm động khi nghe được những chia sẻ, những kỷ niệm về "20/11 không thiệp cũng chẳng hoa" của thầy giáo thuộc thế hệ 9x xung phong ra đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) khiến nhiều người thấy khâm phục. Đó là thầy giáo Lê Văn Quyết (SN 1990) – giáo viên trường Tiểu học Song Tử Tây.
Sinh ra trong gia đình rất khó khăn, từ nhỏ đã chứng kiến nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh giống mình phải nghỉ học. Từ đó, Quyết nuôi ước mơ trở thành một thầy giáo để giúp những HS có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách tới trường. Thế nên, sau khi tốt nghiệp, Quyết nhiều lần đến Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa xin được ra Trường Sa làm việc. “Tôi đã khóc khi nhận được quyết định ra đảo dạy học, dù khi đó tôi chưa biết hoàn cảnh cụ thể trên đảo ra sao” – thầy Quyết chia sẻ.
“Đảo không có trường riêng, lớp học chỉ là nhà tạm đơn sơ mượn của bộ đội. Không có quạt điện, HS ngồi học mà mồ hôi chảy ròng trên trán, nhưng ánh mắt vẫn rạng ngời niềm say mê với con chữ, tôi càng thấy thương học trò hơn” - thầy Quyết tâm sự.
 Nói về ngày lễ 20/11 trên đảo, thầy giáo trẻ ngậm ngùi, nhưng ánh mắt thì ánh lên niềm vui tự hào: “Ngày 20/11 vẫn diễn ra bình thường, hoa tặng thầy là những trang giấy HS tận dụng vẽ tặng. Dù không quà, cũng không hoa tươi, không thiệp chúc mừng nhưng tôi vẫn cảm thấy vui. Càng dạy học ở đảo tôi lại càng thêm yêu đảo, yêu nghề. Điều tôi mong mỏi nhất, Nhà nước xem xét, hỗ trợ tạo điều kiện để các giáo viên như chúng tôi có thể cập nhật thông tin trong đất liền và tìm hiểu, nâng cao chất lượng các bài dạy”.