Những nốt son trên hành trình Đổi mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nay, Đảng và Nhà nước ta sẽ dành nhiều thời gian, trí tuệ, công sức để tổng kết,...

Kinhtedothi - Năm nay, Đảng và Nhà nước ta sẽ dành nhiều thời gian, trí tuệ, công sức để tổng kết, đánh giá lại chặng đường Đổi mới suốt 30 qua ở Việt Nam (1986 -2016). Từ đó, sẽ hoạch định một chiến lược mới cho nước nhà đi tiếp. Chúng ta sẽ kế thừa tư duy Đổi mới của thế hệ đi trước, nhưng sẽ phải là cách làm rất mới. Đó cũng chính là quy luật vận động của xã hội ngày nay.

Những người khai sơn phá thạch

Nói đến sự nghiệp Đổi mới ở Việt Nam, chắc rằng chúng ta phải nhắc ngay tới  vị "Kiến trúc sư trưởng" - cố Tổng Bí thư Trường Chinh, nhà lãnh đạo tài ba của Đảng ta. Ông luôn xuất hiện đúng những lúc mà Đảng và Nhân dân cần nhất. Đó là giai đoạn Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945, ông đã biết chớp thời cơ đúng lúc, với tư tưởng chỉ đạo "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta!" để giành chính quyền, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Tổng Bí thư Trường Chinh dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ X tháng 10/1986 (ảnh tư liệu).
Tổng Bí thư Trường Chinh dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ X tháng 10/1986 (ảnh tư liệu).
Đó là giai đoạn kinh tế đất nước đầu những năm 80 đã đứng bên vực thẳm, lúng túng không tìm được hướng ra. Ông đã đưa ra tư tưởng Đổi mới. Cái lạ ở nhà lý luận tư tưởng số 1 ấy, đổi mới lại bắt đầu từ tư duy và lại là tư duy kinh tế (chứ không phải từ tư duy chính trị).

Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội không thể quên được một điều: Vào dịp Đại hội Đảng bộ Thủ đô Hà Nội lần thứ X (10/1986), Hà Nội có vinh dự được đón Tổng Bí thư Trường Chinh tới dự. Tại đây, lần đầu tiên ông chính thức phát đi thông điệp Đổi mới là mục tiêu sống còn của đất nước. Ông nói: "...Đối với nước ta, đổi mới cũng là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Yêu cầu đó vừa là đòi hỏi bên trong của nước ta, vừa phù hợp với xu thế của thời đại...".

Đã nhiều lúc tôi tự đi tìm lời giải, vì sao một nhà lãnh đạo xuất sắc như ông,  rồi cũng đã có lúc bị xem là lớp người "bảo thủ" mà lại có thể có những tư duy rất mới, xuất thần đến vậy khi ông quay trở lại nhận trọng trách Tổng Bí thư của Đảng một lần nữa, dù lúc đó ông đã sang tuổi 79? Để "giải mã" điều này, tôi cho rằng cần hiểu vai trò của ông sâu xa hơn trong cả chiều dài của lịch sử Đảng ta.

Chúng ta nên nhớ lại câu chuyện"khoán hộ"  đã khiến cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc gặp sóng gió ra sao. Phong trào "khoán hộ" được manh nha từ những năm 1965 - 1967 ở Vĩnh Phúc, để hiểu rằng, không phải bỗng dưng mà có ngay tư tưởng Đổi mới trong con người Trường Chinh vào năm 1986.

Nếu ai có dịp được vào thăm nhà sàn của Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch và có may mắn hơn chút nữa là được đến tận chiếc bàn trong phòng nghỉ của Bác trong nhà sàn, sẽ được thấy trên đó có tờ báo "HàNộimới" số ra ngày 21/3/1969, có bút tích của Bác viết bên lề bài báo "Những thiếu sót trong thực hiện 3 khoán ở các Hợp tác xã nông nghiệp". Bác ghi: "Kính gửi đồng chí Trường Chinh! /Xem xong, xin trả lại cho B." (B.viết tắt đây là Bác, một cách viết của Người hồi đó).

Ông Nguyễn Văn Đoàn - nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên vệ sĩ của Bác Hồ, đã nhỏ nhẹ phân tích cho tôi hiểu: Bài viết này, tác giả có đề cập tới hiện tượng khoán của Vĩnh Phúc đã diễn ra với những gì gọi là thiếu sót. Nó không hẳn là khuyết điểm và càng không xem là sai lầm của mô hình này. Phải chăng Bác cũng mới chỉ có lưu ý và còn muốn tiếp tục theo dõi thêm chứ chưa quy kết sai, đúng ngay. Một nguyên tắc nữa của Bác, nếu là bài viết cần lưu trữ, Bác thường ra ký hiệu cho người giúp việc động tác "cắt, dán". Còn đây không thấy ghi gì, vẫn để nguyên trên bàn. Có thể Bác còn muốn để trên bàn lâu hơn nữa, tiếp tục lưu tâm chuyện này chăng? Còn việc Bác chuyển bài viết đó cho ông Trường Chinh, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng là muốn trao đổi và để cùng có hướng xử lý?

Sự day dứt của ông Trường Chinh khi đó và ngay cả sau này, tôi tin rằng ông không hề giản đơn cho qua bài báo. Cái câu chuyện "khoán hộ" đó, người lĩnh ấn tiên phong như ông Kim Ngọc thật đáng khâm phục. Phải chăng, vào thời điểm lịch sử lúc đó, cách nhìn của Đảng ta chưa thật thông thoáng như bây giờ nên mới như thế?

Như mọi người đều biết, "số phận" của Bí thư Kim Ngọc thực ra cũng không đến mức bị Đảng kỷ luật như đồn đại. Ông chỉ bị nhắc, yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm. Thậm chí, ông vẫn được tín nhiệm đảm đương cương vị Bí thư Tỉnh ủy khóa tiếp sau đó (khi sáp nhập Vĩnh Phúc với Phú Thọ thành Vĩnh Phú), nhưng ông "cáo yếu", xin nghỉ sớm.

Với tầm tư tưởng ở một nhà lãnh đạo như Trường Chinh, một người không bao giờ phủ định quá khứ sạch trơn ấy, tôi nghĩ đó chính là câu chuyện được ông đeo đuổi, đúc kết và  biến thực tiễn dang dở của đồng chí mình năm xưa thành lý luận. Lý luận được bắt nguồn từ thực tiễn chính là thế!

Nghị quyết 10 (Khoán 10) của Bộ Chính trị được ban hành 2 chục năm sau đó cũng là xuất phát từ thực tiễn "thành công làm chui" của Hải Phòng . Và từ sâu xa, nó là sự tiếp thu có kế thừa của "khoán hộ" do ông Kim Ngọc năm nào khởi xướng với biết bao rào cản. Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành chính là một trong những lãnh đạo địa phương xuất sắc hồi đó. Ông đã mạnh dạn "cởi trói" cho nông dân mình, sau đó là lĩnh vực thuộc về ngoại thương có lợi thế về cảng biển.

Tại các tỉnh, thành phía Nam như Long An và TP Hồ Chí Minh cũng là những điểm sáng "phá rào" đáng học tập. Đặc biệt là TP Hồ Chí Minh dưới thời của các ông Nguyễn Văn Linh - Bí thư Thành ủy, ông Võ Văn Kiệt - Chủ tịch UBND TP và sau đó kế nhiệm ông Linh làm Bí thư Thành ủy. Đây có thể xem là những mô hình tốt, biết tự chủ vượt qua khó khăn. Một bộ mặt TP khởi sắc sau nhiều năm tiêu điều, ảm đạm, nay cần ghi ơn các ông. Chính ông Trường Chinh cũng đã xuống cơ sở tìm hiểu khá kỹ và thấy rõ nhiều điều rất bổ ích.

Trong hồi ký của GS triết học Trần Nhâm - Thư ký riêng của ông Trường Chinh hồi đó, đồng thời lại được tham gia trong tổ nghiên cứu đặc biệt để phục vụ đề án Đổi mới do ông Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo đã nhận xét: "Trong một thời điểm bước ngoặt, tất yếu sẽ xuất hiện các nhân vật lịch sử có chí lớn, có trí tuệ hơn người để giải quyết các vấn đề trọng đại mà cuộc sống đặt ra. Trường Chinh chính là con người như thế..." ("Trường Chinh, một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam" - NXB Chính trị QG; HN.2012 - trang 432).
Từ phải qua là Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng những năm đầu 1980.
Từ phải qua là Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng những năm đầu 1980.
Ông Võ Văn Kiệt có lẽ là một trong những nốt son đỏ thắm trên hành trình Đổi mới với những cách làm táo bạo. Chính bằng tầm nhìn đó, ông được Đảng, Nhân dân tín nhiệm và dần đảm trách các cương vị khác, cho đến chức Thủ tướng Chính phủ sau này.

Những công trình mà ông để lại dấu ấn trong cương vị lãnh đạo Chính phủ có rất nhiều. Từ chủ trương trong quan hệ đối ngoại với các nước ASEAN, Mỹ... với rất nhiều hiệp định được mở ra để đàm phán hoặc được ký kết. Trong kinh tế, phát triển đất nước, các công trình thế kỷ như lắp đặt đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam, như mở đường Hồ Chí Minh, như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất… đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn... Tầm nhìn của ông Võ Văn Kiệt thật đáng nể phục!

Kỳ vọng về một thế hệ lãnh đạo mới...

Thế hệ sau các ông Trường Chinh, Kim Ngọc, Võ Văn Kiệt, Đoàn Duy Thành... là lớp người trưởng thành sau chiến tranh. Họ có tư duy mới, táo bạo, dám làm và làm tốt, chúng ta cũng có thể kể ra một số vị. Song, người mà tôi đánh giá cao, đó là ông Nguyễn Bá Thanh - cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ông đã có công biến nơi đây trở thành TP đáng sống của Việt Nam. Một niềm tự hào không dễ có. Đối với người dân Đà Nẵng, sự ra đi của ông Nguyễn Bá Thanh mới đây, tôi có cảm giác như họ đã mất đi một vị lãnh đạo được dân yêu quý, trân trọng xen lẫn sự biết ơn sâu nặng. Nhìn vào biển người đưa tiễn ông chật kín đường, tôi đủ hiểu vì sao.

Nhiệm kỳ tới đây, tôi hy vọng sẽ có một lớp lãnh đạo trẻ mang tư duy đó, phong cách làm việc đó...

Đất nước đã thay đổi là nhờ công cuộc Đổi mới do chúng ta đi đúng hướng. Để Việt Nam có thể tăng tốc và phát triển, tới đây ta không thể tự ru ngủ bởi những gì mình đã đạt được. Ta tiến bộ nhưng cả thế giới cũng đã có biết bao sự tiến bộ. Thậm chí, họ không có khái niệm "đổi mới" nhưng tốc độ tăng trưởng của họ vẫn cao hơn chúng ta, năng suất lao động cũng gấp nhiều lần, đời sống cũng cao gấp nhiều lần chúng ta. Vì thế, đây là thời điểm thích hợp để chính mỗi chúng ta nhìn lại mình và tự tin bước tiếp vào một hành trình mới...