KTĐT – Khi yêu nhau, ai cũng mong muốn tìm được một nửa đích thực của cuộc đời mình và sống với người đó cho đến lúc đầu bạc, răng long, viên mãn như lời chúc tụng của nhiều người trong ngày cưới. Nhưng cuộc đời có những khúc ngoặt không ngờ, không ít cặp đôi mới ngày nào còn hạnh phúc thì hôm nay đã thấy dắt nhau đến tòa án xin ly hôn. Ai cũng có lý do để biện minh, nhưng nguyên nhân sâu xa thì có lẽ chỉ chính họ mới hiểu, nhất là các đấng mày râu.
Tình yêu không còn
Tôi để ý đến người phụ nữ mảnh mai ngồi ở hàng ghế dành cho các đương sự trong phiên tòa của TAND TP Đà Nẵng hôm ấy. Đôi vai chị so lại, yếu đuối như muốn tìm kiếm sự che chở. Ở dãy ghế đối diện, một người đàn ông phong độ, trông khá trẻ so với chị (sau này tôi mới biết là chồng của chị) đang ném về phía chị cái nhìn đầy ác cảm, hằn học. Cả hai đang căng thẳng chờ tòa án xem xét việc ly hôn của họ.
Biết tôi là phóng viên, chị đến ngồi cạnh và năn nỉ: “Chuyện của chị buồn lắm, em đừng đưa lên báo nhé. Hôm nay đến tòa chị cũng lén cơ quan để đi, trừ những người trong gia đình, còn thì không ai biết vợ chồng chị phải ra tòa ly hôn. Bề ngoài nhìn vào, ai cũng tưởng gia đình chị hạnh phúc, chị đau khổ mà không biết thanh minh cùng ai...”.
Qua câu chuyện, tôi được biết chị lấy chồng từ năm 18 tuổi, rồi 3 đứa con lần lượt ra đời. Cuộc sống thời bao cấp vất vả nhưng là quãng đời hạnh phúc nhất của chị, vợ chồng đều lo bươn chải nuôi con, dồn hết tâm sức để cuộc sống gia đình đỡ thiếu thốn, không ai nghĩ riêng cho bản thân mình. Nhưng đến bây giờ, khi con cái đã trưởng thành, cuộc sống đã sung túc lên thì chồng chị bắt đầu có sự so sánh vợ mình với những cô đồng nghiệp trẻ ở cơ quan, rồi anh công khai cặp bồ và yêu cầu chị phải ly hôn.
Thậm chí, chị biết anh đã có con với người phụ nữ khác, khi về nhà thì tìm đủ các lý do gây gổ để chị không chịu nổi, bức xúc mà ký vào đơn ly hôn, nhưng chị nhất quyết không chịu. Từ mấy năm nay, nén nỗi đau khổ vì bị ghẻ lạnh, bị xúc phạm, hằng ngày chị vẫn nấu cơm, dọn phòng, giặt quần áo rồi ủi sẵn cho anh. Có hôm cũng vì những việc chị làm cho anh mà nó trở thành nguyên nhân khiến chị bị anh chửi mắng. Nhưng dù anh có làm gì thì chị vẫn nín nhịn, cố níu giữ gia đình mà chị biết chỉ còn cái vỏ bề ngoài, bằng chứng là năm nào gia đình anh chị cũng được bầu chọn là... gia đình văn hóa, cha mẹ, anh chị em nhà chồng đều yêu thương, ủng hộ chị.
Khi vị chủ tọa phiên tòa hỏi chồng chị về lý do xin ly hôn thì anh ta cũng không tìm được lý do gì để chê trách vợ, chỉ đơn giản là... không còn yêu! Anh còn nói chị lôi kéo cả cha mẹ, anh em ruột của anh để trói buộc tự do của anh, khi yêu cầu không được đáp ứng, anh ta tỏ ra hằn học, trước khi ra về còn lầm bầm: “Mày tưởng làm thế thì giữ được ông à, đừng hòng!”.
Khi người đàn ông mất vai trò “độc tôn”
Đối với ông Nguyễn Văn P. (trú P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu) thì lý do để ông đứng đơn xin ly hôn vợ là bà Nguyễn Thị H. vì cho rằng bà H. tự ý quyết định mọi vấn đề trong gia đình, dùng hung khí đuổi ông ra khỏi nhà và thuê người đánh chồng. Ông P. sợ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe nên phải ở lại cơ quan 2 năm nay. Lập luận của bà H. thì hoàn toàn ngược lại, bà cho biết: ông P. đã có một đời vợ và đã ly hôn.
Sau khi kết hôn với bà, hai người chung sống khá hạnh phúc, không có mâu thuẫn gì lớn, việc lời qua tiếng lại giữa vợ chồng là điều khó tránh khỏi ở mỗi gia đình. Bà không thừa nhận đã dùng hung khí đe dọa, đuổi ông ra khỏi nhà mà nguyên nhân chính theo bà là do ông có quan hệ với người phụ nữ khác nên tìm cách gây mâu thuẫn với vợ rồi tự ý đến cơ quan ở để có điều kiện đi lại với người phụ nữ “ngoài luồng” này, không quan tâm gì đến gia đình. Mẹ con bà đã nhiều lần nói ông về chung sống nhưng ông không đồng ý và quyết tâm xin ly hôn.
Ông Nguyễn Văn T. (trú P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu) và bà Trương Thị E. kết hôn năm 1983, đến năm 2004 thì phát sinh mâu thuẫn. Theo ông T. thì nguyên nhân chủ yếu là vấn đề tiền bạc, khi ông có việc cần, nói vợ đưa tiền thì bà nói không có, khiến ông phải vay mượn bên ngoài. Sau đó ông phát hiện bà cất giữ tiền riêng và từ đó mất niềm tin với vợ.
Từ 5 năm nay, mặc dù vẫn ở chung nhà nhưng ông T. hoàn toàn không còn tình cảm gì với vợ, công việc và tiền bạc thì phần ai nấy biết. Ông cho rằng mâu thuẫn vợ chồng đã quá trầm trọng, không thể hàn gắn. Bà E. thì cho rằng mâu thuẫn vợ chồng không có gì trầm trọng, khoảng 2 năm trở lại đây ông T. không đi làm biển nữa nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó bà E. nghe nhiều người thân kể lại việc ông T. ngoại tình nên vợ chồng thỉnh thoảng có cãi vã. Tuy vậy, bà vẫn còn thương yêu ông, sẵn sàng bỏ qua tất cả để vợ chồng được đoàn tụ, bà không đồng ý ly hôn.
Hôn nhân “chết” vì những toan tính
Hôn nhân của anh M.X.T với người bạn học thuở nhỏ K.L tưởng sẽ được bền vững bởi họ đã có gần chục năm yêu nhau. Thử thách lớn nhất đối với tình yêu của họ là khoảng cách về địa lý, đó là sau khi tốt nghiệp phổ thông, người yêu của T. theo gia đình xuất cảnh ra nước ngoài. Tuy vậy, qua thư từ, điện thoại và những lần K.L về nước, họ vẫn cùng nhau hẹn biển thề non và đám cưới của họ đã diễn ra vào năm 2000. Sau khi cưới, K.L hối hả xúc tiến việc bảo lãnh cho T. ra nước ngoài, nhưng cũng phải mất gần 2 năm nữa vợ chồng họ mới được đoàn viên.
Chờ đợi lâu là thế, vượt qua nhiều khó khăn trở ngại là thế, nhưng chỉ sau 4 tháng ở nước ngoài, T. đã đùng đùng bỏ về Việt Nam. Giải thích cho việc này, T. cho rằng nguyên nhân là do trong quá trình chung sống, người vợ có những lời lẽ xúc phạm danh dự của mình. T. về Việt Nam, vợ ở nước ngoài, đã hơn 7 năm qua, mối quan hệ vợ chồng của họ chỉ còn tồn tại trên giấy tờ. Theo yêu cầu của T., TAND TP Đà Nẵng đã mở phiên tòa giải quyết việc ly hôn của họ vào cuối tháng 1-2010. Tại phiên tòa, nghe những lời trình bày của T., nhiều người có mặt cảm thấy bất bình thay cho người vợ đang ở phương xa.
Thì ra, sau khi kết hôn, trong thời gian chờ vợ làm thủ tục bảo lãnh ra nước ngoài, T. đã có con với người đàn bà khác. Điều đó, người vợ chỉ biết sau khi đã đưa được chồng ra nước ngoài với bao nỗ lực, cố gắng và cả sự tốn kém về tiền bạc, công sức, vì thế tránh sao khỏi việc trách móc hờn giận. Lấy cớ đó, cộng với những thất vọng khi nơi T. đến không phải là thiên đường như trong tưởng tượng, vì thế T. đã bỏ về nước. Trước khi đưa đơn đến tòa án xin ly hôn với vợ, anh còn tiếp tục có thêm một đứa con ngoài giá thú nữa.
Ai đó đã từng nói: Những người hạnh phúc thì đều giống nhau, nhưng bất hạnh thì mỗi người một kiểu. Với những trường hợp vừa nêu, có thể thấy rằng những người đàn ông yêu cầu được ly hôn đều vì sự ích kỷ, vì bản thân mình. Trong đơn, họ tự coi mình là nạn nhân cần được giải thoát, nhưng qua chính việc trình bày của họ lại cho thấy điều ngược lại. Họ muốn thoát ra khỏi sự ràng buộc của hôn nhân để tìm đến với những tươi mới, hấp dẫn hơn mà không hề nghĩ đến những người khác.
Trao đổi với các cán bộ tòa án, người viết được biết, đa phần đối với những trường hợp không đưa ra được những lý do xác đáng, mâu thuẫn chưa đến mức trầm trọng không thể giải tỏa được thì tòa án đều hướng tới việc hòa giải, phân tích động viên để gia đình họ đoàn tụ. Còn đối với những vụ mà xét thấy khả năng hàn gắn là không thể, có kéo dài hôn nhân cũng chỉ làm tăng thêm hố sâu ngăn cách, thù hận, gây đau khổ, mệt mỏi cho những người trong cuộc thì tòa án giải quyết cho họ được ly hôn.
Đó là sự giải thoát cho cả hai!