Những phút trải lòng của hơn 300 người lầm lỡ ở Hà Đông

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 300 người lầm lỡ, tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn Hà Đông đã đến trụ sở Công an quận để dự buổi gặp gỡ, đối thoại, tư vấn hướng nghiệp...

Chiều ngày 6/4, Công an quận Hà Đông - đơn vị đầu tiên trong Công an TP Hà Nội đã tổ chức buổi gặp gỡ, tư vấn hướng nghiệp đối thoại giữa Ban chỉ huy Công an quận với người lầm lỡ, tái hòa nhập cộng đồng với nhiều thông tin thiết thực trong không khí cởi mở, chân tình.

Hơn 300 người lầm lỡ, tái hòa nhập cộng đồng ở Hà Đông đến tham gia đối thoại.
Hơn 300 người lầm lỡ, tái hòa nhập cộng đồng ở Hà Đông đến tham gia đối thoại.

Chia sẻ như người thân trong gia đình

Buổi đối thoại có lãnh đạo Công an quận Hà Đông, UBND các phường, đại diện các đội nghiệp vụ các phòng thuộc Công an TP: Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp… Hơn 300 người lầm lỡ, tái hòa nhập cộng đồng (là những người có án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ trên địa bàn, người có án phạt từ được hoãn thi hành án) trên địa bàn Hà Đông đã đến trụ sở Công an quận dự buổi gặp gỡ, đối thoại. 

Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông chia sẻ tại buổi đối thoại.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông chia sẻ tại buổi đối thoại.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông mở đầu buổi đối thoại: “Tôi xin trân trọng cảm ơn các anh chị, các cháu đã đến dự buổi đối thoại. Xưng hô thế bởi chúng ta hôm nay sẽ cùng chia sẻ, mở lòng như người thân trong gia đình để cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Ở đây không chỉ có lực lượng công an mà có cả lãnh đạo các phòng chuyên môn của UBND quận, 17 phường. Những khó khăn vướng mắc sẽ được trả lời thấu đáo”.

Ngay sau đó, buổi đối thoại diễn ra trong không khí cởi mở hơn 2 giờ đồng hồ. Nhiều câu hỏi đã được đăng ký trước và không ít cánh tay đã giơ lên để được tâm sự và được lắng nghe.

Cởi mở nói về bản thân, anh P.T.T (ở phường Yên Nghĩa) cho biết, bản án của mình về “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng". Trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử, các cấp ban ngành có thẩm quyền đã cân nhắc đến những yếu tố giảm nhẹ cũng như hành vi vô ý phạm tội của anh T để đưa ra quyết định hình phạt cải tạo không giam giữ; Tạo cơ hội cho anh được tiếp tục lao động, học tập đóng góp cho xã hội. Hiện tại, anh T đã thi hành bản án được gần 2 năm, trong thời gian qua, nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, cơ quan làm việc cũng như bạn bè, người thân.

"Tôi đã tích cực cố gắng học tập, làm việc, thực hiện tốt các quy định của pháp luật, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước. Ai cũng có thể mắc sai lầm. Điều quan trọng là trong nhận thức của chính mình có cố gắng thay đổi hay không", anh PT.T nói.

Nhiều câu hỏi, ý kiến được nêu ra trong buổi đối thoại cởi mở.
Nhiều câu hỏi, ý kiến được nêu ra trong buổi đối thoại cởi mở.

Trường hợp của anh N.T.H (ở phường Mộ Lao), người từng bị xử phạt 12 tháng tù treo về tội gây rối trật tự công cộng chia sẻ: “Chính sự động viên, quan tâm của lực lượng công an cơ sở, cảnh sát khu vực thường xuyên đến thăm hỏi đã giúp tôi sớm vượt qua mặc cảm. Tôi xin nhắn nhủ đến những thanh niên trẻ hãy chăm chỉ học hành, kiếm sống để không phải hối tiếc vì lầm lỡ, không phải nhắc đến từ “giá như”...

Còn trường hợp của chị N.T.D (phường Kiến Hưng) muốn bày tỏ sự cảm ơn những chiến sỹ Công an quận Hà Đông. Chị D đang hưởng án treo về hành vi buôn bán động vật quý hiếm cho biết, khi vi phạm đã được lực lượng công an giải thích cụ thể và nhận ra mình vi phạm pháp luật do quá thiếu hiểu biết. “Tôi hiểu và quyết làm lại cuộc đời, không bao giờ lặp lại sai lầm ấy nữa”, chị D trải lòng…

Ngoài những người lầm lỡ, tại buổi đối thoại, ông Đỗ Xuân Cát (nguyên là Bảo vệ dân phố phường Phú La) đã có chia sẻ chân tình. Ông Cát là người đã giúp đỡ nhiều người nghiện hòa nhập cộng đồng.

Theo ông Cát, khi phường mới thành lập, địa bàn có 28 người nghiện ma túy. Cùng với lực lượng công an cơ sở, ông tham gia tổ động viên, giúp đỡ người nghiện. Lúc đầu đi đến gặp gỡ, người nghiện không ai thèm nghe ông. Nhưng bằng sự kiên trì và tấm lòng, họ cũng trải lòng và hợp tác.

"Trường hợp anh N.K.T bị xử tù 9 năm, 9 tháng về tội buôn bán ma túy, nay đã có hàng cháo lòng rất ngon, cuộc sống ổn định, con cái đỗ đạt... 'Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần', các bạn ở đây kém may mắn, nhưng đã đến lúc cũng phải nghĩ, chẳng nhẽ cứ băng hoại mãi, phải ngẩng đầu mà đi tiếp. Quyết tâm làm lại, làm giàu chính đáng”, ông Đỗ Xuân Cát nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Cát đưa ra kiến nghị, quận có 17 phường, đề xuất mỗi phường bố trí cho 2 nơi để làm cửa hàng sửa xe máy, bán rau... như thế là thiết thực giúp cho người lầm lỡ ổn định cuộc sống...

Đáp lời những câu hỏi, các ý kiến được nêu ra, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền cho hay: Ở các phường, lực lượng CSKV được giao nhiệm vụ thường xuyên đến thăm, động viên người lầm lỡ. Nhưng tự cá nhân mỗi người phải bỏ qua mặc cảm. Chủ động tiếp xúc với người thân, hàng xóm, xã hội.

"Ở quê tôi cũng có trường hợp như vậy, khi trở về địa phương, không dám đi đâu, họp họ cũng không dám dự. Tâm lý sợ bị xã hội bỏ rơi. Cả họ phải chung tay, dần dần tháo gỡ khúc mắc, tiếp xúc nhiều. Sau đó tâm lý được giải tỏa, người đấy đã tìm được việc làm chính đáng, duy trì được cuộc sống. Tự mình phải bước đi, khẳng định bản thân. Không ai giúp được mình ngoài chính mình trong việc ấy”, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền chia sẻ.

Hướng nghiệp, giúp đỡ người lầm lỡ

Cùng với các lãnh đạo, đại diện các đội nghiệp vụ của Công an quận Hà Đông đã trực tiếp trả lời các vấn đề người lầm lỡ quan tâm như: người bị án treo không bị cản trở, quản thúc và có quyền lao động, học tập, làm việc; các thủ tục cần thiết để xóa án tích… Cụ thể, anh N.H.S (ở phường La Khê) chia sẻ mong muốn hỗ trợ vay vốn để kinh doanh. Đây là mong muốn của đại đa số những người lầm lỡ.

Cũng tại buổi đối thoại, lãnh đạo Phòng LĐTBXH quận Hà Đông đã trả lời chi tiết các quy định, hướng dẫn thủ tục cần thiết để đăng ký vay vốn cho người lầm lỡ…

Đáng chú ý, tại buổi đối thoại, ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá cao sáng kiến tổ chức đối thoại với người lầm lỡ của Công an quận Hà Đông.

Ông Thành cho biết, việc hỗ trợ tư vấn, kết nối người lầm lỡ với doanh nghiệp tương đối khó khăn bởi tâm lý tự ti. Tạo việc làm ổn định cho người lầm lỡ là việc rất quan trọng đề phòng ngừa tái phạm. Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ cùng Công an quận Hà Đông tiếp tục tổ chức những buổi tư vấn chuyên sâu cho người lầm lỡ; thu thập nguyện vọng của người lầm lỡ để xây dựng phương án tìm việc phù hợp. “Phiên giao dịch việc làm diễn ra hàng ngày, các cán bộ trung tâm sẵn sàng hộ trợ người lầm lỡ đến đăng ký. Nếu cần chúng tôi sẽ xuống tận phường hỗ trợ”, ông Vũ Quang Thành khẳng định...

Trưởng Công an quận Hà Hà Đông trả lời các vấn đề người lầm lỡ quan tâm...
Trưởng Công an quận Hà Hà Đông trả lời các vấn đề người lầm lỡ quan tâm...

Kết thúc buổi đối thoại, Công an quận Hà Đông yêu cầu những người đã chấp hành xong án phạt tù, và đang hưởng án treo tại địa phương phải chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của chính quyền địa phương; thực hiện các cam kết, nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù, tích cực lao động, học tập và tham gia hoạt động xã hội; kịp thời phát hiện, phản ánh, tố giác tội phạm với cơ quan công an, UBND phường và cơ quan chức năng địa phương về những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn. 

Cùng với đó, Công an quận Hà Đông cũng đề nghị Phòng Lao động thương binh và xã hội quận Hà Đông nghiên cứu tham mưu UBND quận xem xét, quyết định chính sách đào tạo nghề nghiệp và có phương án hỗ trợ đối với số người chấp hành xong hình phạt tù không có nơi nương tựa, có hoàn cảnh khó khăn để tạo việc làm ổn định cuộc sống. 

UBND các phường phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm tiếp nhận, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tử những người có quyết định chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và vận động nhân dân trong khu vực dân cư phối hợp chặt chẽ với gia đình giám sát, giúp đỡ người lầm lỡ trên địa bàn.

Trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, giúp đỡ tạo việc làm; làm thủ tục đề nghị Tòa án Nhân dân có thẩm quyền xem xét, quyết định xóa án tích trong trường hợp đặc biệt cho người chấp hành xong hình phạt tù đã có tiến bộ rõ rệt theo quy định của pháp luật.