Những “quả ngọt” từ chương trình 9+

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đối tượng của chương trình 9+ hầu hết là những em học sinh không đủ điểm vào trường THPT công lập; nhưng sau 3 năm vừa học văn hóa vừa học nghề một số em đã có những thành tích đáng nể, cơ hội việc làm cao.

 Nhiều em học sinh 9+ đạt giải cao
Cái nắng nóng như thiêu đốt nhưng nhiều phụ huynh và học sinh (HS) vẫn tìm đến trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (CĐN) (Phố Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tìm hiểu và đăng ký theo học chương trình 9+. Vừa điền thông tin vào hồ sơ đăng ký học văn hóa chương trình 9+, em Phùng Duy Hưng đến từ xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội bộc bạch: Năm 2020, em đăng ký học chương trình 9+ nghề Công nghệ ô tô. Hôm nay em đến trường nộp hồ sơ để đăng ký học văn hóa của chương trình 9+. Sau 1 năm học nghề, em thường xuyên được các thầy cô giáo ở trường quan tâm, giúp đỡ, hướng rất thực hành nghề... nên rất phấn khởi.
 Các em học sinh đang được cán bộ tuyển sinh trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội tư vấn chọn nghề khi theo học chương trình 9+, năm 2021. Ảnh: Thủy Trúc.
Thông tin về tình hình tuyển sinh chương trình 9+ năm 2021, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giải quyết việc làm - trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội Nguyễn Minh Phương cho biết: Đến thời điểm này đã gần hoàn thành mục tiêu kế hoạch tuyển sinh 500 chỉ tiêu chương trình 9+. Chương trình 9+ được nhà trường chính thức thực hiện từ năm 2018 đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực và rất đáng khích lệ. Chương trình 9+ rút ngắn được thời gian, tiết kiệm kinh phí học tập; sau 3 năm HS hoàn thành được chương trình văn hóa THPT, chương trình trung cấp nghề và tham gia thị trường lao động được luôn.
Đặc biệt, có không ít HS 9+ có kết quả học nghề và học văn hóa rất nổi trội. Dù học trung cấp chương trình 9+ nhưng có những bạn tham gia hội thi tay nghề từ cấp trường, TP, quốc gia và đạt các giải thưởng. Đơn cử, tại Kỳ thi tay nghề TP Hà Nội năm 2020, nhà trường có 4 HS lớp 11C7 là Nguyễn Đắc Huynh đạt giải Nhất, Phạm Đình Mạnh Quân đạt giải Nhì nghề Lắp cáp mạng thông tin; Nguyễn Xuân Thắng giải Nhì nghề Hàn; Dương Thanh Hoa giải Nhì nghề Lắp cáp mạng thông tin.
 Các em học sinh chương trình 9+ trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội tại Lễ trao giải Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2020. Ảnh: HHT.
Không dừng lại ở đó, là đại diện của Hà Nội tranh tài tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia năm 2020, Nguyễn Đắc Huynh đã đạt giải Ba, Phạm Đình Mạnh Quân đạt Chứng chỉ nghề xuất sắc nghề Lắp cáp mạng thông tin. Tại Kỳ thi HS giỏi TP Hà Nội năm 2021, HS chương trình 9+ của trường đã đạt thành tích ấn tượng. Theo đó, em Khuất Mạnh Quân – HS lớp 12C2 đạt giải Nhì môn Hóa, em Hồ Nhật Hưng – HS lớp 12C5 đạt giải Ba môn Toán. Đặc biệt, em Nguyễn Viết Sơn – HS lớp 12C5 đã xuất sắc đạt 7.5 IELTS khi chưa tốt nghiệp THPT.
“Chương trình 9+ khả năng có tương lai bền vững hơn nên ngày càng được nhiều phụ huynh và HS lựa chọn. Chương trình này cũng chính là giải pháp để thực hiện thành công Đề án 522 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phấn đấu ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS và ít nhất 45% HS tốt nghiệp THPT tiếp tục đi học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp’’ – Phụ trách trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội TS.NGƯT Phạm Xuân Khánh khẳng định.
Nhiều chính sách ưu đãi học sinh 9+
Chia sẻ về giải pháp để đạo tạo HS chương trình 9+ có chất lượng, TS.NGƯT Phạm Xuân Khánh đưa ra 3 giải pháp chính. Giải pháp đầu tiên là kỷ luật. Theo đó, nhà trường có cách quản lý HS thực hiện theo giờ giấc, lịch học, không được để các em tự do quá. Với mỗi khu lớp học, nhà trường đều lắp camera giám sát, giáo viên thường xuyên đốc thúc HS việc học hành, rèn luyện. “Trường hợp HS nghỉ học thì phụ huynh được thông báo ngay. Tức là phải có thông tin kịp thời giữa nhà trường với phụ huynh; giữa nhà trường với Trung tâm GDTX Hoài Đức” – ông Phạm Xuân Khánh nhấn mạnh.
 Các em học sinh đang điền thông tin vào hồ sơ đăng ký theo học chương trình 9+ tại trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội, tháng 7/2021. Ảnh: Thủy Trúc.
HS học cùng lúc 2 chương trình cũng nặng nên nhà trường đã thực hiện giải pháp thứ hai. Đó là xây dựng thời khóa biểu, tổ chức lớp học hợp lý, phân công giáo viên cho phù hợp để HS tiếp thu được khi học văn hóa, học nghề, mà không bị căng thẳng.
Thứ ba là điều kiện để cho các em được học nghề và học văn hóa. Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội đào tạo nghề theo nguyên tắc đi từ cái tay đến cái đầu. Theo TS Phạm Xuân Khánh, những em học yếu văn hóa chưa hẳn là dốt, không thông minh, có thể do điều kiện, hoàn cảnh, chưa chú tâm học ở cấp THCS. Nhưng khi tham gia chương trình 9+, các em được thực sự học nghề với đầy đủ máy móc, trang thiết bị giúp kích thích tinh thần học tập. Và, khi các em được rèn luyện, sáng tạo thì đam mê, thích thú và say sưa học tập. HS học nghề tốt thì việc học văn hóa cũng tiến bộ bởi các em có tinh thần trách nhiệm, lo lắng hơn.
Chính những giải pháp này đã giúp cho HS theo học chương trình 9+ có chất lượng học tốt hơn và đã có những hoạch định cho tương lai một cách rõ ràng. Em Phạm Đình Mạnh Quân cho biết: “Sau khi học xong THCS em đã mạnh dạn chọn học một nghề mà mình yêu thích. Nhà trường đã củng cố cho chúng em niềm tin sẽ thành công trong tương lai với tay nghề vững chắc, có kỹ năng nghề và những kỹ năng khác đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Em cũng tin học nghề sẽ có tương lai”.
Xuất sắc đạt 7.5 IELTS, em Nguyễn Viết Sơn chia sẻ: Em chọn học hệ 9+ tại trường CĐN Công nghệ cao Hà  Nội để vừa có thể học văn hóa, vừa chọn học một nghề thuộc khoa CNTT để “tiệm cận” dần với ước mơ trở thành một lập trình viên giỏi. Khi theo học ở trường, ban đầu em cũng gặp nhiều khó khăn do học song song 2 chương trình, phương pháp học cũng khác so với cấp THCS. Nhưng may mắn em được gia đình động viên, các thầy cô giúp đỡ nên dần dần đã thích nghi được với môi trường học tập tại đây.
Thực hiện quy định của Chính phủ, HS theo học chương trình 9+ được miễn phí học nghề. Để động việc và khích lệ HS trong quá trình học, trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội còn tặng học bổng cho những em có kết quả học tập đầu vào cao. HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn được nhà trường tặng học bổng. Nhà trường còn hỗ trợ chỗ ở trong ký túc xá với mức phí ưu đãi. Nhà trường còn bố trí cho HS 9+ từ năm học thứ 2 đi thực tập tại DN và được hỗ trợ 150.000 – 200.000 đồng/ngày, tùy theo từng nghề.