Những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam cuối năm 2021

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Các tổ chức dự báo cắt giảm tăng trưởng GDP cả năm 2021 xuống còn 4%, phản ánh những tác động tiêu cực của đợt bùng phát lần thứ tư đối với các hoạt động trong nước cũng như ảnh hưởng kéo dài của các biện pháp phòng Covid-19 lên hoạt động kinh tế.

GDP có thể chỉ xoay quanh 4%

Ngân hàng Thế giới (World Bank -WB) mới đây hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam, dự kiến chỉ còn khoảng 4,8% cho cả năm 2021. Dự báo này, thấp hơn hẳn 2% so với dự báo do Nhóm Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 12/2020, có xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch Covid-19 hiện nay đến các hoạt động kinh tế.

Trong tháng 7/2021, doanh số bán lẻ của Việt Nam giảm 19,8% so cùng kỳ năm trước, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020, trong khi Chỉ số sức mua hàng (PMI) cũng giảm đáng kể.

Về kinh tế đối ngoại, cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt trong vài tháng qua, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài phần nào thể hiện sự thận trọng. Các chuỗi cung ứng và các khu công nghiệp bị gián đoạn do dịch Covid-19 tái bùng phát diện rộng dường như đã buộc các đơn vị xuất khẩu phải tạm thời đóng cửa nhà máy hoặc đình hoãn sản xuất.

 Ảnh minh hoạ

Tiếp sau WB, Standard Chartered cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay từ 6,5% xuống 4,7%, năm 2022 cũng từ 7,3% xuống 7%. Đây là lần thứ ba Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay, từ mức 7,8% đưa ra hồi đầu năm, lần lượt xuống còn 6,7%; 6,5% và hiện là 4,7%.

Theo Standard Chartered, nếu các ca nhiễm Covid-19 không được kiểm soát trong tháng 9, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ tiếp tục suy giảm. “Tăng trưởng kinh tế quý III dự kiến chậm lại. Theo đó, NHNN khả năng sẽ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất mới.”- Standard Chartered đánh giá.

Một số tổ chức trong nước cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kém lạc quan. Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 1-1,5% so với dự báo đưa ra hồi quý I.

Theo đó, với kịch bản cơ sở có nhiều khả năng xảy ra nhất, dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát vào cuối quý III/2021, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt từ 4,5-5,1%.

Trong kịch bản xấu nhất, dịch bệnh được giả định chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường trong quý IV/2021, quá trình tiêm chủng vacine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung cũng như năng lực của hệ thống y tế, khi đó tăng trưởng GDP chỉ có thể đạt từ từ 3,5-4,0%.

Số ca mắc Covid-19 tăng cao, tỷ lệ tử vong tăng, dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, nhiều tỉnh thành phải áp dụng giãn cách xã hội kéo dài, sản xuất bị ngưng trệ, nguy cơ đe dọa đứt gãy chuỗi cung ứng có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại so với kỳ vọng ban đầu. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nêu kịch bản xấu nhất, GDP chỉ tăng 2%, mức cơ sở 4%. 

Theo VDSC, nhiều tỉnh thành đang siết chặt hơn với các hoạt động không thiết yếu, các hoạt động đi lại và tụ tập không cần thiết theo Chỉ thị 16+, 16 hoặc 15 của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội kéo dài có thể có tác động nghiêm trọng đến kinh tế vì các tỉnh thành này đóng góp tới hơn 80% GDP quốc gia. 

Ít nhất 70% nhà máy sản xuất ở miền Nam phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian phong tỏa. Ngoài ra, các nhà máy hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” phải chịu chi phí vận hành rất lớn và phải giảm 40-50% công suất. Cũng theo ước tính của các chuyên gia từ Chứng khoán Rồng Việt, trong quý II/2021, tiêu dùng hộ gia đình và các ngành dịch vụ có thể sẽ tăng trưởng âm. Sang quý 4 năm nay, nếu không có những hỗ trợ chính sách mạnh mẽ hơn, sự phục hồi kinh tế sẽ yếu do dư chấn từ đại dịch lên thị trường lao động, chuỗi cung ứng, bảng cân đối của doanh nghiệp và hộ gia đình.

Trụ lực từ đầu tư công, kinh tế số, xuất khẩu

“Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không? Điều đó còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vaccine, và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng, và để kích thích phục hồi,” - theo lời ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam. “Tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi.”

Theo Standard Chartered, dịch Covid-19 có thể sẽ tiếp tục khiến cho dòng vốn đầu tư vào Việt Nam bị suy giảm từ nay đến cuối năm, cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực du lịch. Sản xuất công nghiệp trong những tháng tới- một trong những trụ cột của tăng trưởng kinh tế có thể sẽ vẫn bị ảnh hưởng. Chỉ số này trong tháng 8 ước giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm cao nhất từ đầu năm (trừ tháng Hai do có 8 ngày nghỉ Tết).

Từ dự báo về bức tranh kinh tế 2021, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, viện trưởng VEPR, cho rằng, từ nay đến cuối năm, các hoạt động kinh tế sẽ chưa thể trở lại hoàn toàn bình thường như trước. Hai động lực cho tăng trưởng chính sẽ vẫn đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Đồng thời khuyến nghị trong ngắn hạn cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế dịch Covid-19, phát triển vaccine trong nước và tận dụng các mối quan hệ chiến lược để tiến hành ngoại giao vaccine, ưu tiên đảm bảo nguồn cung và tổ chức tiêm vaccine nhanh và hiệu quả. 

Nhóm phân tích WB khuyến nghị các cấp có thẩm quyền cần xử lý những hệ quả xã hội của khủng hoảng Covid-19 bằng cách cải thiện chiều sâu và hiệu quả của các chương trình an sinh xã hội. Các cấp chính quyền cũng cần cảnh giác với rủi ro gia tăng ở khu vực tài chính, cụ thể là cần quan tâm đến nợ xấu. Chính sách tài khóa cũng cần được quan tâm hơn nữa vì các nhà hoạch định chính sách cần tìm cách cân đối cho phù hợp giữa nhu cầu hỗ trợ phục hồi kinh tế và nhu cầu duy trì nợ công ở mức bền vững.

Đặc biệt, WB nhấn mạnh đến chuyển đổi số đang diễn ra ở Việt Nam và cú sốc Covid-19 đang là nhân tố thúc đẩy lớn. Trên thực tế, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Việt Nam đã chứng kiến thay đổi lớn trong việc áp dụng công cụ số hóa mới ở cả khu vực tư nhân và khu vực công.

Theo ước tính của WB vào tháng 6/2021, ở Việt Nam có khoảng 2/3 số doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận các công nghệ có liên quan tới kinh tế số. Đây là bước nhảy vọt lớn so với giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào năm 2019.

Đối với năm 2022, WB nêu rõ, sẽ có ít khả năng xảy ra các đợt phong tỏa trên diện rộng, điều này tạo nền tảng khả quan hơn cho tăng trưởng kinh tế phục hồi trở lạicó ít khả năng xảy ra các đợt phong tỏa trên diện rộng, điều này tạo nền tảng khả quan hơn cho tăng trưởng kinh tế phục hồi trở lại.

Theo đó, dự báo năm 2022, GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,5%, với sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và chi tiêu tiêu dùng cá nhân. Song, do khả năng xảy ra các làn sóng Delta và các biến thể mới kèm theo các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với dịch bệnh vẫn là một rủi ro khó lường vào năm 2022, sự phục hồi vẫn sẽ còn khó khăn và tương đối chậm đối với một số lĩnh vực như du lịch, lữ hành và bán lẻ.

Tăng trưởng những tháng cuối năm của Việt Nam còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vaccine, và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng, và để kích thích phục hồi (Quyền Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam - Rahul Kitchlu)

Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải đang chết dần. Cần đẩy mạnh tiêm chủng vaccine; Triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; Phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chú trọng các giải pháp để tiếp tục giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp... (Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc)