70 năm giải phóng Thủ đô

Những tai nạn đáng tiếc và bài học quản quân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 17/4, làng thể thao Việt Nam bàng hoàng trước cái chết đột ngột của hậu vệ trẻ Trần Phước Thọ đội Long An.

Một lần nữa, tai nạn giao thông lại khiến thể thao Việt Nam mất đi những tài năng đang ở độ chín về sự nghiệp.

Tai nạn không trừ một ai

Tháng 6/2005, làng bóng đá Việt Nam bất ngờ đón nhận hung tin, HLV phó đội Đà Nẵng bị tai nạn giao thông ở Thái Nguyên và qua đời. Đó là thời điểm đội Đà Nẵng đang đóng quân ở Hà Nội và HLV Hoàng Kim Tuấn đã đi xe máy lên Thái Nguyên thăm bạn cũ. Khi trở về, ông Tuấn không may gặp nạn. Đáng nói, đây là vị HLV được nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lúc đó là ông Nguyễn Bá Thanh đặc biệt tin cẩn và muốn đào tạo trở thành người dẫn dắt đội bóng sau này.
Trần Phước Thọ ra đi để lại sự thương tiếc cho người hâm mộ
Trần Phước Thọ ra đi để lại sự thương tiếc cho người hâm mộ
Năm 2006, sau trận đấu giữa HAGL và Hòa Phát Hà Nội, trung vệ Võ Bá Khôi - người từng góp mặt ở ĐT U23 quốc gia đã bắt xe máy về nhà một người quen ngủ nhờ để sáng hôm sau đi lễ nhà thờ. Trên đường đi, cầu thủ này bị tai nạn và qua đời. Năm 2007, trung vệ đội trưởng Nguyễn Thị Hiền của CLB Than Cửa Ông (Quảng Ninh) và ĐT Việt Nam cũng qua đời do đâm vào vỉa ba toa. Đến năm 2013, đến lượt kình ngư 31 tuổi từng giành HC bạc SEA Games 21 Trần Xuân Hiền qua đời vì tai nạn giao thông.

Có quá nhiều tài năng của ngành thể thao trở thành nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông. Những người cũng bị tai nạn giao thông nhưng may mắn bảo toàn được tính mạng thì không thể thống kê hết. Tuy nhiên, có những cầu thủ phải nghỉ thi đấu dài hạn, cá biệt có trường hợp phải chia tay sân cỏ như cầu thủ trẻ tài năng của HAGL Bùi Xuân Hiếu sau khi bị liệt một bên tay vì tai nạn giao thông.

Cần sự quản lý chặt chẽ hơn

Có rất nhiều trường hợp VĐV bị tai nạn do có sử dụng rượu bia. Có thể là gặp gỡ bạn bè, có trường hợp vì đội nhà thắng trận mà liên hoan và trên đường về nhà thì bị nạn. Giới cầu thủ quan hệ rộng, luôn đối diện với những lời mời giao lưu từ bạn bè, người hâm mộ. Ngoài ra, sau mỗi chiến thắng, các cầu thủ, đội bóng thường có thói quen ăn mừng. Và những người quá chén thường đối diện với rủi ro về tai nạn giao thông.

Từ những sự cố không đáng có, vấn đề đặt ra là công tác quản lý cầu thủ của các đội bóng đôi khi không được coi trọng. Các đội bóng không quy định khi nào được sử dụng rượu bia. Một số đội bóng chỉ khuyến cáo cầu thủ không dùng bia rượu trước trận đấu, nhưng sau mỗi chiến thắng, họ lại tỏ ra phấn khích và sẵn sàng hết mình trong các cuộc vui. Thậm chí, một số ông bầu còn sẵn sàng mở tiệc khao quân, cho cầu thủ lên bar dùng rượu mạnh như một phần thưởng sau chiến thắng.

Ở bóng đá Việt Nam lúc này, những quy định nghiêm ngặt nhằm giúp giới cầu thủ tránh các chất kích thích hầu như không được đặt ra. Thậm chí, sau mỗi trận đấu, các đội bóng thường cho cầu thủ xả trại vui vẻ. Trong khi đó, sau mỗi trận đấu, các cầu thủ cần được nghỉ ngơi và quản lý chặt chẽ hơn. Đơn cử, HLV Hữu Thắng đã ra một quy định được xem là đi ngược với tinh thần chung của V.League là cấm trại sau mỗi trận đấu. Trong khi đó, ông Thắng cho rằng, quy định đó nhằm giúp cầu thủ bảo vệ sức khỏe, tránh việc sa vào các cuộc vui thâu đêm do ăn mừng chiến thắng. Tiếc rằng, không nhiều đội bóng thực hiện quy định quản quân giống SLNA, và bóng đá Việt Nam thường đối diện với những tin buồn do tai nạn giao thông mang đến.