KTĐT - Các đại biểu đại diện cho hàng triệu người có công với cách mạng được tôn vinh tại Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực sự là những tấm gương sáng đầy xúc động.
Dù là nông dân, công nhân hay thày giáo, nhà khoa học…, họ đã và đang làm việc, tạo dựng cuộc sống của họ, giúp đồng chí, thân nhân đồng đội họ, cũng là đóng góp cho sự phát triển nói chung của đất nước.
Vượt lên nỗi đau, giúp mình, giúp đồng đội
Họ có thể từng là người chiến sỹ trực tiếp chiến đấu ở chiến trường năm xưa, đã gửi lại chiến trường tuổi thanh xuân và một phần xương máu, khi trở về, họ mang trên mình những nỗi đau do chiến tranh găm lại. Hoặc, họ là những người con liệt sỹ, vợ liệt sỹ…
Nhưng điểm chung của hơn hai trăm người đại biểu ưu tú được tuyên dương lần này là mỗi người trong số họ không ngồi chờ chính sách mà phấn đấu không mệt mỏi vươn lên trong cuộc sống và còn giúp đỡ cộng đồng. Tinh thần và phẩm chất của những con người cách mạng ấy đã được cụ thể hóa bằng hành động và những thành quả lao động họ đạt được.
Thượng tá Trần Hữu Lưu, Đội trưởng Đội 584, Phòng Chính trị, Bộ chỉ huy quân sự Quảng Trị là một minh chứng. Năm 1982, anh Lưu tình nguyện nhập ngũ. Trong quân ngũ, anh bị nhiễm chất độc da cam.
Lập gia đình, anh sinh được hai người con đều bị ảnh hưởng chất độc từ bố: Một người bị thiểu năng trí tuệ, một người bị liệt. Do đặc thù công tác hay phải đi xa, không có điều kiện đỡ đần gánh nặng gia đình cho vợ, anh phải nhờ đến sự giúp đỡ của hàng xóm và đồng đội.
Vượt lên khó khăn của bản thân và gia đình, anh Lưu vẫn nhận nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sỹ, đồng đội. Quy tập hài cốt liệt sỹ là một công việc khó khăn, gian khổ được anh và đồng đội ý thức là nhiệm vụ thiêng liêng. 15 năm qua, anh cùng đồng đội Đội 584 đã tìm và quy tập được 2.168 hài cốt liệt sỹ ở Lào và 521 hài cốt liệt sỹ trong nước, bàn giao 216 hài cốt về an táng tại quê hương.
Có nhiều người lính trở về sau chiến tranh, dù mang trên mình đủ vết thương nhưng vẫn nghĩ cách làm kinh tế. Lăn lộn trên thương trường thời bình, họ gây dựng được những doanh nghiệp vững mạnh và giải quyết việc làm cho đồng đội và con em của đồng đội.
Anh thương binh Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đức Phong (Vinh, Nghệ An) là một ví dụ. Không những dạy nghề và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương, công ty anh Phong còn giúp những cựu chiến binh, thương bệnh binh có việc làm và thu nhập ổn định.
Đặc biệt, những người là thương binh, bệnh binh nặng phải ngồi xe lăn, hoặc bị mù cả hai mắt vẫn được anh ưu tiên nhận vào làm việc. Quan tâm chăm lo đến việc học hành của con em của những người có công với cách mạng cũng là một nhiệm vụ mà lương tâm của nhiều thân nhân liệt sỹ luôn tâm niệm phải làm bằng mọi khả năng có thể.
Đó là trường hợp anh Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Nội trú Nguyễn Viết Xuân (Hà Nội). Anh là con trai duy nhất của liệt sỹ Nguyễn Văn Hướng. Ngôi trường là nơi nuôi dạy con thương binh, liệt sỹ, mồ côi trong đó có 12% số học sinh bị thiểu năng trí tuệ.
Đã từng lớn lên từ ngôi trường này, sau khi tốt nghiệp thạc sỹ, trở về công tác tại trường, anh Tuấn luôn tâm niệm đây sẽ là nơi thể hiện cụ thể nhất các chính sách đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, các chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với con thương binh, liệt sỹ, mồ côi, vì vậy, anh Tuấn đã chú trọng việc chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục truyền thống, đạo lý cho những đối tượng học sinh đặc thù của mình.
Hàng năm, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh Trường Nguyễn Viết Xuân đạt xấp xỉ 100%. Không có em nào vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội.
Học tập Bác: Hy sinh mình vì lợi ích cách mạng
Trở về sau chiến tranh, những người lính Cụ Hồ hoặc thân nhân của các liệt sỹ vẫn tiếp tục cố gắng học tập, nghiên cứu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất chính trị vững vàng, lao động sản xuất giỏi, đóng góp cho cộng đồng. Nhiều người trong số họ đã tiếp tục tham gia công tác xã hội tại địa phương, rèn luyện tinh thần phê bình và tự phê bình, là tấm gương mẫu mực cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Duy Tòng là thương binh 2/4 ở Tây Sơn, Bình Định đã xung phong hiến 200m2 đất thổ cư, tự đóng góp 1 triệu đồng, vận động các gia đình hai bên đường hiến đất, góp tiền san ủi mặt bằng, để làm đường liên thôn. Kết quả, ông Tòng vận động được nhân dân hiến tổng cộng 1.100m2 đất và ruộng, 43 triệu đồng để làm đường.
Còn ông Đinh Trung Sơn, thương binh hạng 4/4, người dân tộc Thái, là hộ đầu tiên dỡ nhà đến định cư ở xã Mai Sơn (Sơn La) tái định cư để vận động bà con cùng bản giải phóng lòng hồ xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La. Noi gương gia đình ông, chỉ sau 1 tháng, 82 hộ dân của bản đã cơ bản ổn định trên quê hương mới.
Trước những tấm gương tiêu biểu người có công được biểu dương trọng thể tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã bày tỏ niềm xúc động và tự hào: “Tôi xúc động về những việc làm cao cả, ý nghĩa trong sáng của những thương binh, những người thân của liệt sỹ. Tự hào về những nỗ lực, sự năng động sáng tạo và những ý chí của họ, đã vượt qua khó khăn. Họ thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và ý chí những người chiến đấu năm xưa.”