70 năm giải phóng Thủ đô

Những tấm “lá chắn” từ cơ sở

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với những chốt, tổ kiểm tra của thành phố, trong thời gian giãn cách xã hội, tại các quận, huyện, nhiều giải pháp để kiểm soát chặt từ từng ngõ phố với nòng cốt là cán bộ tổ dân phố và người dân cũng được lập nên, tạo nên những tấm "lá chắn" từ cơ sở.

Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, để bảo đảm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, quận đã thành lập 10 chốt chính tại các cửa ngõ vào trung tâm quận; lập 200 chốt nhỏ tại các chợ, ngõ ngách, khu vực đông người, vận động các gia đình giám sát lẫn nhau, nhằm quản lý tốt việc thực hiện giãn cách xã hội. Các lực lượng duy trì ứng trực từ 6 giờ đến 22 giờ hằng ngày; một số điểm trực chính duy trì ứng trực 24/7 để bảo đảm phòng, chống dịch.

Tại quận Hai Bà Trưng, với mục tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” chống dịch, quận đã lập 37 chốt cố định kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19; 295 chốt kiểm tra do các tổ Covid-19 cộng đồng phụ trách. Đồng thời, quận đã thành lập 41 tổ kiểm tra lưu động (4 tổ của quận và 37 tổ của 18/18 phường) thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm xử lý nghiêm hành vi vi phạm, không để xảy ra tình trạng tranh thủ, lợi dụng thời gian ban đêm hoặc sáng sớm để vi phạm giãn cách xã hội.

Huyện Thanh Trì cũng đã thành lập 2 tổ chuyên trách; 10 tổ phản ứng nhanh cấp huyện, 32 tổ phản ứng nhanh cấp xã; điều động 10 tổ kiểm soát của UBND huyện về cơ sở để trực tiếp đôn đốc triển khai công tác phòng, chống Covid-19. Toàn huyện đã thiết lập 411 chốt tự quản tới ngõ, xóm, trong đó có 315 chốt kiểm soát "vùng xanh".

Nhiều mô hình hay nhanh chóng được triển khai, hàng loạt “vùng xanh” an toàn đang mở rộng khắp 30 quận huyện của Hà Nội, tạo thêm những “pháo đài” trong cuộc chiến chống Covid-19. Đến nay, nhiều đơn vị đã thành lập hàng trăm chốt bảo vệ “vùng xanh”, như tại quận Đống Đa, toàn quận đã triển khai mô hình “Tự quản an toàn phòng dịch” quản lý giám sát 385 “vùng xanh” tại các địa bàn dân cư. Quận Tây Hồ đã triển khai thực hiện tốt 266 “vùng xanh” an toàn và 266 điểm trực chốt bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc ra - vào địa bàn...

Tại nhiều địa bàn khác các giải pháp mới trong đợt giãn cách thứ 3 đã được thực thi bổ sung, như tại các phường của quận Hai Bà Trưng, các gia đình đã đăng ký và cam kết thực hiện “Gia đình an toàn Covid-19”, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, đặc biệt thực hiện triệt để 5K ở mọi lúc, mọi nơi…

Trong thời gian tới, việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, có sáng kiến, sáng tạo, khơi dậy ý thức cộng đồng, tinh thần trách nhiệm xã hội để huy động sức dân tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 được nhấn mạnh. Đặt người dân vào vị trí nòng cốt quản lý, giám sát công tác phòng, chống dịch ở địa bàn dân cư, là lực lượng chính quản lý các chốt kiểm soát tới từng ngõ, phố. Tại các cuộc kiểm tra tại các quận, huyện vừa qua, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng đặc biệt của Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch. Lực lượng chủ lực còn mỏng, cuộc chiến đấu chống dịch còn dài lâu; nếu không có sức dân không thể duy trì được thế trận. Muốn duy trì được khả năng kiểm soát dịch từ gốc thì không gì tốt bằng Nhân dân tự quản, tự giám sát lẫn nhau, gắn với yêu cầu từng hộ gia đình ký cam kết không ra đường khi không có việc cần thiết.

Thực tế trong những ngày qua cho thấy, khi lập “vùng xanh”, lực lượng trực chốt sẽ vất vả thời gian dài nhưng đổi lại là sự an toàn cho cả một vùng. Tại các khu vực không có dịch - “vùng xanh”, mỗi người dân ngoài việc chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết còn phát huy vai trò cùng tham gia thành lập các khu vực tự quản, thành lập chốt bảo vệ “vùng xanh” do chính khu dân cư, tổ dân phố lập nên với sự ủng hộ, vào cuộc của người dân, chủ động phòng ngừa dịch ngay khi dịch bệnh chưa xảy ra. Đặc biệt từ những ngõ xóm, thôn phố an toàn sẽ có thêm phường, xã an toàn, quận, huyện an toàn, để tiến tới thành phố an toàn.