Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những thương vụ M&A nào "khủng" nhất Việt Nam?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các hoạt động mua bán, sáp nhập DN (M&A) này đều in đậm dấu ấn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Mới đây, Diễn đàn M&A Vietnam đã công bố danh sách 50 thương vụ M&A đình đám nhất tại Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2016. Với mức giá trung bình lên đến 100 triệu USD/thương vụ, tổng giá trị của 50 thương vụ này ước đạt 5,3 tỷ USD, chiếm 64.97% giá trị các thương vụ M&A trong cả năm 2015 và 7 tháng đầu năm 2016.

Có một điểm dễ nhận thấy trong danh sách trên là nhà đầu tư nước ngoài góp mặt tại hầu hết các thương vụ có giá trị lớn. Cụ thể, trong Top 10 có đến 9 thương vụ và cả 3 thương vụ có giá trị lớn nhất đều thuộc về DN Thái Lan. Các lĩnh vực bản lẻ, bất động sản và sản xuất thực phẩm đang có hoạt động M&A sôi động nhất.

Cùng báo Kinh tế & Đô thị nhìn lại 5 thương vụ M&A "khủng" nhất Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2016:

Central Group mua BigC Việt Nam

Giá trị: 1.140 triệu USD

Vào cuối tháng 4/2016, Tập đoàn Thái Lan - Central Group đã công bố thương vụ M&A có giá trị lên tới hơn 1 tỷ USD khi mua lại thành công hệ thống BigC Việt Nam từ Tập đoàn Casino - Pháp. Đáng chú ý DN Thái mới chỉ có gần 2 tháng để tham gia vào thương vụ này nhưng với số tiền quá lớn, họ đã đánh bại hàng loạt các tên tuổi đình đám khác như Berli Jucker (Thái Lan), Lotte Group (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản)... 

 
Những thương vụ M&A nào "khủng" nhất Việt Nam? - Ảnh 1

Hiện tại Big C được đánh giá là một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất Việt Nam với hệ thống gồm 43 cửa hàng và 30 khu trung tâm mua sắm trên cả nước. Doanh thu trước thuế của thương hiệu này đạt hơn 14.000 tỷ đồngtrong năm 2015. 

Trước khi thực hiện thương vụ trên, Central Group đã sở hữu 49% cổ phần của hệ thống bán lẻ điện máy hàng đầu Việt Nam là Nguyễn Kim. Đặc biệt, Central Group Việt Nam (thành lập 2011), đang có 4 trung tâm thương mại, 27 cửa hàng thể thao, 30 cửa hàng thời trang, 1 khách sạn, 21 trung tâm bán lẻ điện máy, 1 kênh thương mại điện tử, 13 siêu thị Lan Chi.

Singha bắt tay cùng Masan

Giá trị: 1.100 triệu USD

Trong những ngày cuối cùng của năm 2015, Tập đoàn Masan đã chính thức công bố thương vụ kỷ lục tại thời điểm đó khi có giá trị 1,1 tỷ USD với Singha Asia Holding Pte Ltd của Thái Lan. Cụ thể, 1,05 tỷ USD được Singha dùng để nắm 25% cổ phần của Masan Consumer Holding (DN chuyên ngành hàng thực phẩm) và 50 triệu USD để sở hữu 33,3% cổ phần của Masan Brewery (DN chuyên về đồ uống).

 
Những thương vụ M&A nào "khủng" nhất Việt Nam? - Ảnh 2

Thương vụ này là điểm mấu chốt để thực hiện chiến lược chung của 2 DN trên: Sản phẩm của Masan có mặt trong bếp người Thái và đồ uống của Singha Asia sẽ hiện diện tại phòng khách người Việt.

Singha Asia là một công ty thành viên của Tập đoàn Boon Rawd Brewery, hãng bia lớn nhất tại Thái Lan thành lập năm 1933. Tỷ phú Santi Bhirombhakdi, người sở hữu tập đoàn này được Forbes đánh giá là giàu thứ 7 tại Thái Lan, với khối tài sản ròng trị giá 2,9 tỷ USD.

TCC Holdings mua Metro Việt Nam

Giá trị: 711 triệu USD

Cũng là lĩnh vực bán lẻ và cũng do người Thái thực hiện, sớm hơn một chút so với thương vụ Central Group và BigC Việt Nam, vào tháng 1/2016, Tập đoàn TCC Holdings đã mua lại thành công chuỗi Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam).

 
Những thương vụ M&A nào "khủng" nhất Việt Nam? - Ảnh 3

Metro Việt Nam hiện có 19 siêu thị và cùng tình hình kinh doanh rất khả quan khi đạt doanh thu hơn 507 triệu Euro trong giai đoạn 2014-2015. Đây được xem là đối thủ chính trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa tiêu dùng Saigon Coop hay Big C Việt Nam. 

Ngoài hệ thống siêu thị nói trên, Tập đoàn TCC Holdings còn có hàng loạt hoạt động đầu tư ở Việt Nam, có thể kể đến như sở hữu 65% cổ phần của Phú Thái Group – một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng. Hay đang là cổ đông nước ngoài lớn nhất sở hữu 11% cổ phần của Vinamilk, tương ứng lượng cổ phiếu trị giá hơn 750 triệu USD. Ngoài ra 65% cổ phần của Khách sạn Melia Hà Nội cũng thuộc về Tập đoàn này.

Mirae Asset mua Keangnam Landmark Tower 72

Giá trị: 382 triệu USD

Vào giữa tháng 4/2016, Công ty chứng khoán Hàn Quốc, Mirae Asset cùng Công ty đầu tư AON BGN của Anh đã cùng bắt tay mua lại tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower hay còn được biết đến với tên Keangnam Landmark 72, tòa nhà đang giữ kỷ lục tòa nhà chọc trời Việt Nam với độ cao 350m. 

 
Những thương vụ M&A nào "khủng" nhất Việt Nam? - Ảnh 4

Được biết, Mirae Asset được thành lập từ năm 1997, chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính, chứng khoán, bảo hiểm…tại Hàn Quốc, HongKong, Singapore, Ấn Độ, Anh, Việt Nam….

Tại Việt Nam, Mirae Asset đã nhận chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Wealth Management vào tháng 11/2015. Mới đây, công ty này đã được tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng. Năm 2015, công ty này đạt doanh thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán là 38 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4,6 tỷ đồng.

Keppel Land mua Empire City

Giá trị: 234 triệu USD

Vào tháng 3/2016, công ty Keppel Land (Singapore) đã tiến hành đầu tư vào khu phức hợp căn hộ cao cấp, văn phòng, khu bán lẻ Empire City rộng 14,6ha tại Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh. 

 
Những thương vụ M&A nào "khủng" nhất Việt Nam? - Ảnh 5

Cụ thể, sau khi đầu tư, Keppel Land sẽ nắm 40% và là cổ đông lớn nhất của Empire City. Các DN bất động sản khác của Việt Nam gồm Trần Thái và Tiến Phước sở hữu 30% và Quỹ Gaw Capital Partners nắm giữ 30%.

Tại TP.HCM, Keppel Land cũng đang triển khai dự án Saigon Centre giai đoạn II. Khi hoàn tất, dự án sẽ cung cấp cho thị trường 40.000 mét vuông sàn văn phòng hạng A, 50.000 mét vuông sàn bán lẻ và khoảng 200 căn hộ dịch vụ cao cấp.

Được biết, Keppel Land là một DN thuộc Keppel, một trong những Tập đoàn đa quốc gia lớn nhất Singapore với các ngành kinh doanh chính là dầu khí và hàng hải, cơ sở hạ tầng và bất động sản. Ở Việt Nam, Tập đoàn này cũng đang triển khai dự án Saigon Centre giai đoạn II với 40.000m2 sàn văn phòng hạng A, 50.000m2 sàn bán lẻ và khoảng 200 căn hộ dịch vụ cao cấp.