Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2014 ước tăng trưởng 7,6% so với năm 2013. Càng về cuối năm, giá trị sản xuất công nghiệp càng tăng cao, trong đó: quý I tăng 5,3%, quý II: 6,9%, quý III: 7,8%, quý IV: ước tính tăng hơn 10%). Các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất là: chế biến, chế tạo tăng 8,7%; sản xuất và phân phối điện tăng hơn 12%; lĩnh vực cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 6,4%.
Tăng trưởng sản xuất công nghiệp còn thể hiện theo công dụng của sản phẩm công nghiệp, đó là: Chỉ số sản xuất của sản phẩm dùng cho quá trình sản xuất tiếp theo tăng 7,8% so với năm trước; sản phẩm cho tích lũy và tiêu dùng cuối cùng tăng 7,4%; sản phẩm là tư liệu sản xuất tăng 9,6%, công cụ sản xuất tăng cao ở mức 22,9%; nguyên vật liệu xây dựng tăng 7%; sản phẩm tiêu dùng của dân cư tăng 6,5%.
Như vây, sản xuất công cụ, sản phẩm phục vụ cho phát triển sản xuất tiếp theo tăng trưởng cao hơn sản xuất sản phẩm tiêu dùng và tích lũy. Điều này thể hiện đà tăng trưởng và mở rộng của sản xuất công nghiệp.
Điểm tích cực của ngành sản xuất công nghiệp năm qua còn được thể hiện qua việc cải thiện chỉ số hàng tồn kho. Đến cuối năm 2014, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,4% so với tháng trước; tăng 10% so với cùng thời điểm năm 2013; so với cùng thời điểm năm 2012 là 20,1% và năm 2013 là 10,2%
Những ngành có chỉ số tồn kho giảm hoặc tăng thấp hơn mức tăng chung: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 45,1%; sản xuất giường tủ, bàn ghế giảm 19,2%; sản xuất thiết bị điện giảm 12,2%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hóa chất giảm 11,2%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 6,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,3%. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch kinh doanh tốt, lựa chọn đúng hướng đi với tiềm lực tài chính, nhân sự hứa hẹn phát triển, mở rộng quy mô hoạt động.
Riêng năm 2014, có 22,8 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 595,7 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2014 là 1.027,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm 595,7 nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 432,2 nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, tăng 8,4% so với năm trước.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp là một trong những tín hiệu tốt để các doanh nghiệp chủ động hội nhập, cạnh trạnh với khu vực và quốc tế, nhất là thời điểm xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, cũng như việc Việt Nam tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do như Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên minh Hải quan, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP sắp tới./.
Ảnh minh họa
|