Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những vật không thể thiếu trên mâm lễ cúng Rằm tháng Chạp

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với người Việt Nam, tháng Chạp (hay tháng 12 Âm lịch) là tháng quan trọng trong năm, Rằm tháng Chạp cũng là ngày rằm cuối cùng của năm trước khi mọi người hướng đến cái Tết đoàn viên bên gia đình.

Chính vì thế, vào dịp này, ai nấy đều hối hả, dốc sức hoàn tất các kế hoạch trong năm để khi năm mới đến, nhìn lại năm cũ thấy mình có nhiều thành tựu.

Mâm cơm chay cúng ngày Rằm. Ảnh: Internet.
Mâm cơm chay cúng ngày Rằm. Ảnh: Internet.

Cúng Rằm tháng Chạp với ý nghĩa cầu sự may mắn, an lành, tưởng nhớ đến tổ tiên, và tạ ơn các vị thần linh. 

Rằm tháng Chạp còn được coi là lễ cúng tổng kết cho một năm, là bước chuẩn bị cho lễ cúng Giao thừa, đón Tết Nguyên Đán sắp về. Chính vì thế, lễ cúng Rằm tháng Chạp thường được chuẩn bị chỉn chu, tươm tất và nhiều nghi lễ, thủ tục hơn các lễ cúng rằm khác trong năm.

Mâm hoa quả dâng tổ tiên trong ngày Rằm. Ảnh: Internet.
Mâm hoa quả dâng tổ tiên trong ngày Rằm. Ảnh: Internet.

Tùy nhà mà sắm lễ cúng cho phù hợp, có thể cúng chay, cúng mặn... Lễ cúng mặn thường có gà luộc, xôi đỗ/gấc, canh miến, giò hoặc chả, rượu gạo và một vài món mặn khác, nhưng hạn chế dùng tỏi, hoặc một số gia vị có mùi nồng trong chế biến mâm cúng.

Lễ cúng chay đơn giản hơn chỉ gồm hoa quả, hoa tươi, hương đèn, nước sạch và nến, xôi, chè. Các loại hoa quả gia chủ có thể cúng bao gồm: Phật thủ, táo, cam, dưa hấu, chuối…. Các loại hoa thường dùng là hoa cúc, hoa dơn, hoa sen, hoa hồng…. Các gia đình có thể làm mâm cơm chay với các món ăn chủ yếu được chế biến từ rau, củ quả, đậu, nấm...

Tuy nhiên cả lễ cúng mặn, cúng chay đều có trầu cau, hương, đăng (nến, đèn dầu), trà nước, hoa tươi, quả đẹp (có thể bày mâm ngũ quả, hoặc tam quả nhưng chọn quả tươi, mã đẹp)...

Thời gian cúng

Việc cúng Rằm tháng Chạp không quy định thời gian, nhưng không nên cúng quá muộn vào lúc chạng vạng tối, hay cúng quá khuya.

Tùy quan niệm mỗi nhà và thu xếp cúng Rằm tháng Chạp. Có nhà bắt đầu làm lễ cúng Rằm từ ngày chiều 14 vắt sang ngày 15 Âm lịch tháng Chạp. Có nhà cúng từ sáng sớm ngày Rằm.

Gia chủ có thể bắt đầu làm lễ cúng từ ngày 14 cho tới ngày 15 âm lịch tháng Chạp.

Phải tắm gội sạch sẽ trước khi cúng

Trước khi làm lễ cúng rằm tháng Chạp, người làm lễ thường phải tắm gội sạch sẽ, đầu tóc quần áo gọn gàng, thể hiện sự trang nghiêm, trịnh trọng với nghi lễ cúng.

Năm nay, Rằm tháng Chạp rơi vào ngày thứ Hai (17/1/2022).