Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhường đường cho xe cứu thương, cứu hỏa: Trước hết phải từ ý thức

Đạt Lê – Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ người điều khiển xe ô tô có hành vi cản trở các loại xe ưu tiên đang phát tín hiệu đi làm nhiệm vụ như xe cứu hỏa, cứu thương, xe dẫn đoàn... khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, đây không chỉ là hành vi coi thường pháp luật mà còn cho thấy sự xuống cấp đạo đức của một số người tham gia giao thông.

Hành vi coi thường pháp luật

Những ngày gần đây, dư luận không khỏi bức xúc trước clip ghi lại cảnh một chiếc xe ô tô 7 chỗ chặn đầu, quyết không nhường đường cho xe cứu hỏa (Phòng Cảnh sát PCCC quận 12, TP Hồ Chí Minh) đang trên đường đi làm nhiệm vụ, được đăng tải trên mạng xã hội. Trong clip này, mặc kệ cho xe cứu hỏa liên tục hú còi báo động xin vượt, tài xế ô tô vẫn lạng lách, đánh võng phía trước suốt đoạn đường dài 4km.
Xe ô tô 7 chỗ cố tình chặn đường xe cứu hỏa tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh cắt từ clip)
Trước đó, khoảng 17h ngày 19/5/2017 tại ngã tư Trần Duy Hưng – Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cũng đã xảy ra một vụ việc tương tự. Cụ thể, vào thời điểm trên, khi đoàn xe của các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao APEC di chuyển trên tuyến đường này, CSGT làm nhiệm vụ tại ngã tư trên đã thực hiện lệnh cấm đường tạm thời, phục vụ công tác đón, dẫn các đoàn đại biểu. Tuy nhiên, lái xe taxi BKS 30E - 178.50 vẫn cố tình không chấp hành, lao vào đoàn xe ưu tiên.

Được biết, sau khi các clip được đăng tải, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng, tước GPLX 2 tháng đối với các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, mức xử phạt theo quy định dường như vẫn chưa xoa dịu được nỗi bức xúc trong dư luận. TS Nguyễn Tuấn Anh - Phó trưởng khoa Chữa cháy (Đại học PCCC) cho rằng, hành vi vi phạm của lái xe đã rõ, về thẩm quyền xử phạt CSGT đã xử lý nghiêm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp xử lý “phần ngọn”, “cái gốc” của vấn đề vẫn chưa được xử lý.

Điều 22, Luật Giao thông Đường bộ 2008 quy định: Những xe được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu… Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.


“Hành vi của tài xế ô tô không nhường đường cho xe cứu hỏa là không chấp nhận được. Bởi, pháp luật đã quy định các phương tiện, phải nhường đường ưu tiên cho xe cứu thương, xe cứu hỏa… khi đi làm nhiệm vụ. Vậy mà một số người kém ý thức không chấp hành gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự ATGT và cản trở công việc của lực lượng thi hành công vụ, hành vi này sẽ càng trở lên nghiêm trọng nếu những chiếc xe ưu tiên đó không đến được nơi cần đến đúng thời gian”. - Phó Ban ATGT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tường

“Trong trường hợp của người lái xe 7 chỗ cản chở xe cứu hỏa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, người lái xe cho rằng, do không nghe thấy tiếng còi của xe cứu hỏa nên vẫn di chuyển bình thường. Tuy nhiên, ai cũng hiểu đây chỉ là lý do ngụy biện của người vi phạm. Bởi, khi đã tham gia giao thông, lái xe buộc phải quan sát, nhìn gương và lắng nghe âm thanh bằng tai. Do đó, nếu người này nói không nghe thấy còi xe cứu hỏa thì các lực lượng chức năng cần đưa lái xe đi kiểm tra lại thính giác” – TS Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Phạt nặng để tạo sức răn đe

Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên, đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ, sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng, tước GPLX từ 1 – 3 tháng. Tuy nhiên, trao đổi với PV báo Kinh tế& Đô thị, lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho rằng, mức xử phạt này dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét nâng cao mức xử lý đối với những hành vi này.

Về vấn đề này, Luật sư Vũ Văn Biên - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Khoa Tín mặc dù đồng ý mức xử phạt 2,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, đối với hành vi của lái xe ô tô 7 chỗ cản trở xe cứu hỏa phát đèn tín hiệu đi làm nhiệm vụ. Song Luật sư cho rằng, để tạo sức răn đe, ngoài bị xử lý hành vi vi phạm giao thông, các cơ quan chức năng cần xem xét quy trách nhiệm, đền bù thiệt hại, nếu đủ căn cứ xác định những thiệt hại đó do người có hành vi cản trở xe ưu tiên đang phát tín hiệu đi làm nhiệm vụ gây ra. Còn theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, đây là những hành động đáng lên án và cần được xử lý thật nghiêm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

“Hành vi cố tình cản trở xe các loại xe ưu tiên đang phát hiệu đi làm nhiệm vụ là rất nghiêm trọng, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, uy tín và hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế” - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng nhận định.