Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký kết Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đầu tư, phát triển kinh tế xã hội với Đại sứ quán Nhật tại Hội nghị Hà Nội 2016 - Hợp tác và đầu tư. |
Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, trong chương trình hợp tác đầu tư vì sự phát triển của TP năm 2017, Hà Nội đã giới thiệu danh mục 136 dự án đến các nhà đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 1,1 triệu tỷ đồng; cùng các nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ với kinh phí dự kiến thực hiện 134,79 nghìn tỷ đồng; đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 74,37 nghìn tỷ đồng. Đây là đại điện cho các dự án tiêu biểu cho mọi lĩnh vực của TP (số vốn này gấp 2 lần so với cân đối ngân sách của TP đầu tư trong năm 2017). TP Hà Nội xác định, đây là nguồn lực quan trọng bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và các năm tiếp theo.Cùng với đó, đánh giá về tình hình phát triển kinh tế của UBND TP cho thấy một số dấu hiệu kinh tế sáng sủa trong thời gian qua, như TP đang tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kinh tế nhanh với mức 8,2% năm 2016; thu ngân sách vượt 10,5% so với dự toán; khách du lịch quốc tế tăng 19,9%; số lượng DN thành lập mới tăng cao nhất từ trước đến nay với 22.666 DN, tăng 18% và có sự đột phá về thu hút đầu tư với số vốn đăng ký ngoài ngân sách đạt 439,2 nghìn tỷ đồng, trong đó, đầu tư nước ngoài 3,11 tỷ USD (tăng gần 3 lần so với năm 2015). 6 tháng đầu năm 2017, TP tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao với mức 7,37%; thu ngân sách tăng 18%, vốn đầu tư xã hội tăng 9,9%, khách du lịch quốc tế tăng 14%, xuất khẩu tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây với mức 12,1%, thị trường hàng hóa sôi động, tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng 7,2%; số DN thành lập mới là 13.355 DN, tăng 16%...Những con số nêu trên là minh chứng rõ rệt về đổi thay của Hà Nội. Hàng loạt bất cập về cơ chế, ách tắc đã được lãnh đạo TP giải quyết bằng một tinh thần đổi mới quyết liệt, nói đi đôi với làm, rõ người, rõ việc, rõ đầu mối. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016 (PCI) của Hà Nội lần đầu tiên nhảy vọt lên 10 bậc. Giờ đây, chính quyền điện tử đã hiện hữu ở Hà Nội, đã tỏ ra rất hiệu quả và đó cũng là yếu tố quan trọng góp phần đưa cải cách hành chính của Hà Nội đứng ở vị trí thứ 2 trong cả nước...Trong 16 biên bản ghi nhớ được TP ký với các nhà đầu tư tại Hội nghị, kinh phí dự kiến thực hiện các dự án là 134,79 nghìn tỷ đồng. Đây quả là con số ấn tượng. Nói vậy là bởi dự toán Quốc hội phân bổ ngân sách cho toàn ngành giao thông năm 2017, một ngành luôn ngốn nhiều kinh phí thuộc hàng đầu của nước nhà lâu nay, nhưng cũng chỉ có 45.626 tỷ đồng. Trong khi đó, riêng dự án mà Tập đoàn Vingroup ký là Dự án hợp tác phát triển đường sắt đô thị Hà Nội đã có tổng vốn dự kiến 100.000 tỷ đồng. Hội nghị T.Ư 5 Khóa XII đã thông qua 3 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế, trong đó có riêng 1 nghị quyết về kinh tế và xác định kinh tế tư nhân giữ vai trò động lực của nền kinh tế. Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ tinh thần kiến tạo, hành động của Chính phủ đang hiện hữu ở Thủ đô. Có một điều đặc biệt là cả 16 biên bản mà TP Hà Nội ký ghi nhớ thì đều là của các nhà đầu tư trong nước. Điều này khẳng định, các DN trong nước có năng lực thực sự và đó cũng chính là ví dụ sinh động được cụ thể hoá từ Nghị quyết của Đảng.