Niềm tin từ những cuộc “giao duyên”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp đà ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thị trường nhạc Việt cả năm vừa rồi vẫn hát và diễn ở mức độ… cầm chừng.

Vậy nhưng, giữa biển nhạc tưởng như thiếu gió im ắng ấy, người ta đã thấy nổi lên những con sóng của sự giao thoa âm nhạc truyền thống và hiện đại - tín hiệu dự báo về một trong số những dòng nhạc nổi lên trong thị trường nhạc Việt 2015.

Làn gió mới

Quả là những sóng nhạc của sự giao thoa giữa “cũ” và “mới” đã tạo ra nhiều cảm nhận mới cũng như dấu ấn trong làng nhạc nội. Đầu tiên phải kể đến chuỗi chương trình “Giai điệu tự hào” trên truyền hình. Một kịch bản “khởi động” từ các ca khúc cách mạng được phối khí và dàn dựng mới, được thổi “hơi đương đại” vào không khí của mấy chục năm trước, mang lại cho ca khúc một đời sống mới. Không chỉ thế hệ những người tuổi từ 50 trở lên đợi chờ nghe các bài hát “đi cùng năm tháng”, mà cả thế hệ 8X, 9X cũng tìm thấy sự đồng điệu trong các bản phối lạ. Cuộc tranh cãi “cố ý” mà Ban Tổ chức chương trình mở ra thành diễn đàn ngay sau các màn trình diễn đã cho thấy sự đa chiều trong cảm nhận của công chúng. Và cuộc tranh cãi “bản cũ hay – bản mới lạ” cũng đã tiếp diễn không ngớt bên ngoài sân khấu, kể cả khi chương trình đã khép lại, chứng tỏ dư âm của cuộc làm mới ca khúc cách mạng này đã lan tỏa.

 
Một tiết mục trong Lễ hội Gió mùa.
Một tiết mục trong Lễ hội Gió mùa.
Nhìn lên sân khấu biểu diễn, không thể không kể tới show “Lửa” – cuộc đối thoại giữa piano và nghệ thuật tuồng mà Phó An My đã đem ra trình diện công chúng hồi cuối tháng 11/2014. Hơn một tiếng đồng hồ trình diễn, “Lửa” có tích, có trò, có vai chính, vai phụ, có âm thanh, ánh sáng hiện đại phụ trợ, song âm nhạc vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Âm nhạc đa thanh, đa tiết tấu của cây đàn piano đan xen, đối đáp với giọng hát, làn điệu tuồng nguyên bản dẫn dắt người xem theo cốt truyện được nhà viết kịch Lương Tử Đức sáng tác dựa trên nội dung vở tuồng cổ “Ngọn lửa Hồng Sơn”. Như nhiều người nhận xét, Phó An My (với sự hợp tác của nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên) không chỉ đưa sân khấu tuồng sống lại theo một cách thức mới mà còn tạo nên bước đột phá trong cách đưa nghệ thuật truyền thống tới khán giả trẻ. Bên cạnh “Lửa”, còn phải nói đến MV “Tiễu trừ cướp biển” của nhóm Xẩm Hà thành. Một chút âm hưởng hip hop, một chút phong thái của rap đan xen trong những làn điệu xẩm truyền thống đã là một cuộc giao duyên lạ của âm nhạc. Đã thế, các nghệ sĩ còn mượn bản hùng văn bất hủ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt để nói về một vấn đề thời sự nóng bỏng (về độc lập chủ quyền Việt Nam, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa). Nhóm Xẩm Hà thành chia sẻ: “Gắn loại hình nghệ thuật truyền thống với những câu chuyện mang tính thời sự nhằm mang xẩm đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ”.

Rồi 3 show diễn trong lễ hội âm nhạc “Gió mùa” diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long thực sự là cuộc hội tụ của giao duyên âm nhạc. Sân khấu ấy là sản phẩm giao thoa giữa quan họ, chèo, xẩm, ca trù của Việt Nam và âm nhạc thế giới mà người “cầm trịch” là nhạc sĩ Quốc Trung. Người ta nhận ra những âm hưởng dặt dìu như một sự gắn bó dài lâu trong những bản phối “có nghề” và lạ tai, song lại không hề “chậm nhịp” so với lối sống thời hiện đại… Rõ ràng, những chuyển động của nhạc Việt trong năm qua đã góp phần đưa nghệ thuật truyền thống lan tỏa trong đời sống hiện đại.

Tạo dấu ấn riêng cho nhạc Việt

Sản phẩm nghệ thuật mới nào khi ra đời cũng tạo ra 2 luồng dư luận khen và chê, cuộc giao duyên “cũ - mới” trong âm nhạc cũng vậy. Người này thấy “vừa tai”, người kia thấy “bất ổn”, thậm chí có những show nhạc khi kết thúc còn tạo ra diễn đàn tranh luận sôi nổi. Song điều không thể phủ nhận là cuộc giao duyên này cho thấy rõ nét xu hướng tiếp cận thời đại của giới làm nhạc, cho thấy một “trường phái” chuyên nghiệp, tiếp thu nhiều tiến bộ từ tư duy làm nhạc cũng như công nghệ làm nhạc từ làng âm nhạc thế giới. Hơn hết, cuộc giao duyên này khẳng định sự miệt mài tìm tòi, sáng tạo của giới nhạc sĩ với mong muốn tạo dấu ấn riêng cho nhạc Việt cũng như tìm đường cho nhạc Việt hội nhập thế giới.

Không phải “ngẫu hứng” mà Quốc Trung chia sẻ: “Sáng tạo ra những tác phẩm mới để tiếp nối nguồn mạch di sản là con đường tôi chọn, và tôi tin đó là cách dễ dàng để đưa âm nhạc dân tộc đến với giới trẻ”. “Gió mùa” là thành quả của một hành trình thử nghiệm dài mà anh theo đuổi cùng với một số người bạn nước ngoài - hành trình từng gắn tên anh với dự án “Đường xa vạn dặm”, “Cội nguồn”… “Gió mùa” cũng là cuộc chơi mà Quốc Trung không tiếc nuối bỏ ra khoản tiền tiết kiệm trong 2 năm của mình để… thỏa đam mê. Còn “Lửa” là một dự án được ấp ủ trong 8 năm của nghệ sĩ piano Phó An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên với khát vọng sáng tạo ra một ngôn ngữ sân khấu kịch hát mới. Họ không “nuôi” tham vọng phá vỡ, bùng nổ, mà chỉ chú trọng giữ chất nguyên bản, để 2 thể loại nhạc có thể song hành, đối thoại cùng nhau. Đây là một sự kết hợp công bằng, nâng đỡ nhau, sử dụng 2 ngôn ngữ nghệ thuật âm nhạc và diễn xướng khác nhau thành một chỉnh thể nghệ thuật khác lạ. Và giờ, dù đã có trong tay nhiều tác phẩm in dấu ấn trong đời sống âm nhạc như: “Piano với Hò Huế”, “Piano với hát Cọi”, “Piano với cồng chiêng Êđê”, “Piano với nhạc Chăm”, “Bóng” (piano kết hợp với hát văn)…, song họ vẫn chưa có ý định kết thúc cuộc “giao duyên” này.

Vậy là cuộc “giao duyên” âm nhạc đã để lại dấu ấn sắc nét trong làng nhạc 2014, và chắc chắn nó sẽ là một trong những xu hướng âm nhạc được nhiều người quan tâm trong năm nay. Dù còn những tranh cãi, nhưng nhìn ở cuối những “cuộc chơi nhạc” sẽ thấy không mấy khi cả nghệ sĩ lẫn người xem lại hào hứng đến vậy. Cảm xúc đó cho người ta niềm tin vào sự phát triển của nhạc Việt trong tương lai, của văn hóa xem và của những chương trình chất lượng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần