Niềm tự hào của người dân khi cầu Rồng được vinh danh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi cầu Rồng được vinh danh tại Hoa Kỳ, người dân thành phố Đà Nẵng cảm thấy tự hào. Bởi từ đây, cầu Rồng không những tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại phát triển kinh tế mà còn là biểu tượng của thành phố bên bờ sông Hàn thơ mộng.

Cầu Rồng nối đường Nguyễn Văn Linh, ở khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng với bờ Đông sông Hàn dài 666m, rộng 37,5 mét với kết cấu nhịp chính gồm 5 nhịp liên tục dạng vòm ống thép có khẩu độ từ 90-160m. Thiết kế của cầu Rồng trước đây đã được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ, tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt về một thành phố đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ.
Mô hình cầu Rồng (Ảnh: Sở GTVT Đà Nẵng)
Mô hình cầu Rồng (Ảnh: Sở GTVT Đà Nẵng)
Sau khi biết thông tin cầu Rồng được Hội đồng các công ty kỹ thuật Mỹ trao tặng Giải thưởng lớn, người dân Đà Nẵng thêm tự hào về công trình của quê hương được thế giới vinh danh. Ông Nguyên Đình Lẫm, 85 tuổi, nguyên là cán bộ Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng cũ tự hào: “Cầu Rồng của Đà Nẵng biểu hiện cho sự bay lên vươn cao của Đà Nẵng và của đất nước Việt Nam. Rất tự hào vui sướng khi thấy biểu tượng của Đà Nẵng đã vươn cao, đã bay xa”.

Cầu Rồng có hình dáng con rồng đang lượn trên mặt sông Hàn và hướng ra biển Đông. Chiếc cầu được khởi công xây dựng tháng 7/2009 và hoàn thành năm 2013, với tổng kinh phí đầu tư 1.500 tỷ đồng. Công trình này không chỉ là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng, biểu tượng mới của Đà Nẵng mà còn là điểm đến của khách du lịch gần xa.

Ông Nguyễn Ngọc Chiến, ở thị trấn cầu Dát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đến Đà Nẵng tham quan dịp nghỉ lễ bày tỏ: “Con Rồng không những là biểu tượng của Đà Nẵng mà là của Việt Nam, đó là con Rồng cháu tiên vươn lên. Rất tự hào, Đà Nẵng xứng đáng với sự vinh danh đó”.

Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã cho phép tổ chức phun lửa, phun nước cầu Rồng vào lúc 21h các ngày thứ Bẩy, Chủ Nhật hàng tuần và các ngày lễ lớn trong năm. Hình thức phun là tổ chức 1 lần đồng thời lửa và nước để phục vụ người dân, khách tham quan.