Niềm vui của “đứa con ghẻ” sân khấu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối nay (30/7), Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc 2014 sẽ khép lại. Nhìn lại nhiệt huyết diễn xuất trên sân khấu đơn sơ đến tồi tàn của 40 thí sinh, những người yêu sân khấu phần nào mừng cho nghệ thuật hát tuồng (hát bộ, hát bội) - loại hình đã nhiều năm bị coi là "con ghẻ" của sân khấu truyền thống.

Nỗi buồn nghệ sĩ

Đến thăm cơ ngơi của Nhà hát Tuồng Việt Nam nằm lọt thỏm trong khu văn hóa, nghệ thuật Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội, ai cũng có cảm giác cám cảnh cho loại hình nghệ thuật "quốc hồn, quốc túy" của người Việt. Khu sân khấu ngổn ngang cờ quạt, đạo cụ biểu diễn, phông bạt; ghế nhung đã sờn rách. Nghệ sĩ ngồi bệt xuống sàn nhà để hóa trang, ánh đèn leo lét như chỉ đủ để họ nhìn thấy mặt nhau. Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam, trong đó có nhiều người đã được phong NSND, NSƯT, cả một đời cống hiến để rồi cùng nhau quy tụ trong những căn hộ hơn 30m2 của khu tập thể Nhà hát. Nói như NSND Hương Thơm - Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam: "Mỗi năm, Nhà hát vẫn đủ chỉ tiêu theo quy định của Bộ nhưng cũng chỉ là buổi diễn cúng đình, theo xuân thu nhị kỳ, hội hè của các địa phương. Tại những nơi đấy, nghệ thuật tuồng bị coi là thứ yếu. Ít biểu diễn, nghệ sĩ không có thu nhập, Nhà hát không có tiền đầu tư cơ sở vật chất".
Trích đoạn “Kim Lân thượng thành” do diễn viên Nguyễn Đức Thành thể hiện.  Ảnh: Như Hà
Trích đoạn “Kim Lân thượng thành” do diễn viên Nguyễn Đức Thành thể hiện. Ảnh: Như Hà
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Phạm Đình Thắng cũng thừa nhận: "Thời gian qua, rõ ràng nghệ thuật sân khấu tuồng truyền thống gặp rất nhiều khó khăn. Phải nói là hiện nay rất khó để thu hút được thí sinh, diễn viên tham gia vào loại hình nghệ thuật này. Vì cơ chế thị trường, nhiều loại hình nghệ thuật khác có vẻ như là tạo cho họ cái cảm giác an tâm, thu hút họ hơn". Nhìn không gian sân khấu biểu diễn đêm khai mạc Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc 2014 diễn ra ngày 25/7 tại Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Bình Định thì rõ ràng, tuồng vẫn chưa thoát khỏi cảnh là "đứa con ghẻ" của sân khấu. Hàng chữ trên phông nền được cắt dán vội vàng. Những chiếc bục kê lên cho nghệ sĩ biểu diễn theo kiểu có sao dùng vậy. Nhưng không thể trách đơn vị tổ chức thiếu chuyên nghiệp, chỉ có thể cảm thông cho nỗi khó khăn của nghệ thuật tuồng. Bù lại cho nỗi khó khăn ấy là không khí tham gia hồ hởi, đầu tư kỹ lưỡng của mỗi tiết mục biểu diễn.

Chờ nhà hát đạt chuẩn

Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc 2014 thu hút 40 tiết mục của 40 nghệ sĩ có tuổi đời không quá 35 ở 6 đơn vị nghệ thuật tuồng. Có thể điểm đủ sự xuất hiện của các bậc anh tài trong hệ thống nhà hát tuồng chính thống ở Việt Nam như: Nhà hát Tuồng Đào Tấn - Bình Định (6 diễn viên), Nhà hát Tuồng Việt Nam - Hà Nội (11 diễn viên), Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Đà Nẵng (8 diễn viên), Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống cung đình Huế (5 diễn viên), Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh (6 diễn viên), Đoàn Nghệ thuật tuồng Thanh Hóa (3 diễn viên).

Không câu nệ tuổi đời, hào hứng cho một sân chơi hiếm hoi của nghệ thuật tuồng, những bậc thầy lão luyện như: NSND Minh Gái, NSND Hồng Khiêm, NSND Hương Thơm, NSND Gia Khoản, NSƯT Ánh Dương, NSƯT Tuyết Mai, NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế, NSƯT Nguyễn Thị Hằng, NSƯT Hữu Danh, NSƯT Ngọc Quyền… đã nguyện đứng làm "nền" cho lớp diễn viên trẻ lần đầu bước lên cuộc thi chuyên nghiệp. Có những trích đoạn như "Liễu Nguyệt Tiêm" của Nhà hát Tuồng Việt Nam có tới hàng chục diễn viên tham gia chỉ để phục vụ duy nhất một nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thị Tuyết Mai dự thi vai Liễu Nguyệt Tiêm. Thậm chí, nhiều NSND, NSƯT cũng lên sân khấu diễn vai phục vụ trợ giúp cho trò đi thi. Thế hệ diễn viên 9x của nghệ thuật tuồng là Bùi Thị Cẩm Nhung và Đào Tuấn Long tham gia trong cuộc thi lần này đều có chung suy nghĩ: "Các nghệ sĩ đầu tư kỹ lưỡng cho mỗi tiết mục biểu diễn không phải vì yếu tố thắng - thua, mà mong muốn dù chỉ là những trích đoạn chỉ kéo dài không quá 25 phút cũng phải kéo được cảm xúc của người yêu tuồng".

Và 20 giờ tối nay, sẽ có nghệ sĩ được xướng tên nhận huy chương Vàng, huy chương Bạc; có nghệ sĩ ra về tay trắng. Nhưng hòa chung trong cảm xúc khi ánh đèn sân khấu khép lại là niềm vui còn in dấu trên gương mặt nghệ sĩ về một loại hình nghệ thuật không bị lớp diễn viên trẻ lãng quên. Đặc biệt, hiện nay, UBND tỉnh Bình Định cũng đang gấp rút xây dựng một nhà hát tuồng đạt chuẩn cũng dễ khiến người ta hy vọng về tương lai tươi sáng hơn của nghệ thuật hát tuồng.