Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Niềm vui của nhóm tình nguyện mang “hơi thở” đến nhà "cứu" bệnh nhân Covid-19

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh quá tải các ca mắc Covid-19, thì anh Nguyễn Phương Hiền cùng với đồng đội của mình trong nhóm “tình nguyện giao oxy tận nhà” đã không ngại vất vả, rủi ro… rong ruổi trên khắp các tuyến đường, vào tận những con hẻm cách ly, gõ cửa nhà F0, để giao oxy cho người bệnh nặng, nguy kịch.

Alo! anh Hiền ơi, em là Tiểu Thúy, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị (Văn phòng TP Hồ Chí Minh) hôm trước có gọi cho anh đấy… Đầu dây bên kia giọng vội vàng: “Anh đang làm nhiệm vụ, anh sẽ gọi lại cho em ngay”.
 Ngày mới của nhóm tình nguyện (gồm 80 thành viên: Bác sĩ, dược sĩ, tài xế, tình nguyên viên…) bắt đầu từ việc tiếp nhận thông tin bệnh nhân thông qua trang Fanpage 'Nhóm bác sĩ hỗ trợ - tư vấn F1- F0 tại nhà'.
Cứ thế, sau 3 ngày nỗ lực liên lạc, đến chiều 15/8, phóng viên mới có cơ hội được cùng anh Nguyễn Phương Hiền - Đội trưởng đội tài xế tình nguyện giao oxy miễn phí cho F0 (bệnh nhân mắc Covid-19) tại nhà ở TP Hồ Chí Minh, trải nghiệm những niềm vui nho nhỏ xoay quanh công việc mà anh ví von là vận chuyển “hơi thở”…
Ca trực đêm do anh Hiền phụ trách bắt đầu từ 20 giờ ngày 15/8, nhưng mới hơn 19 giờ, anh Hiền đã nhận được tin nhắn từ đồng đội với nội dung: “Ca nguy cơ cao, tài xế quay xe không kịp. Anh giao giúp một bình oxy lớn 40 lít, kèm túi mask đến địa chỉ 37 Dã Tượng (phường 10, quận 8). Tên bệnh nhân H.T.L (80 tuổi); ngày dương tính 12/8; tiền sử bệnh nền cao huyết áp (Pakinson); biểu hiện ngủ li bì, khó thở mệt mỏi; chỉ số oxy trong máu 77; số điện thoại người nhà 0933…956”.

Việc giao oxy do nhóm anh Hiền thực hiện là hoàn toàn miễn phí.
Chỉ kịp nhắn lại hai chữ “nhận bệnh”, anh Hiền tức tốc mặc đồ bảo hộ, vác bình oxy ra xe, sau chưa đầy 20 phút đã có mặt kịp thời, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Chị Xuân Yến, cháu ngoại của bệnh nhân H.T.L xúc động, liên tục cảm ơn anh Hiền: “Bà em phát hiện dương tính cách đây 3 ngày, nhưng bệnh viện quá tải đành phải nằm nhà tự điều trị. Nếu tối nay, oxy không đến kịp thì không biết chuyện gì xảy ra” - chị Xuân Yến thở phào nhẹ nhõm.
Anh Hiền đang chỉnh lại van bình oxy trước khi giao cho người nhà bệnh nhân.
Khoảng 20 giờ 15 phút, khi đang hướng dẫn chị Xuân Yến cách sử dụng bình oxy và các kiến thức về an toàn cháy nổ khi sử dụng bình, anh Hiền tiếp tục nhận được thông tin ngắn gọn về ca bệnh thứ 2: Bệnh nhân N.T.L (51 tuổi, địa chỉ 205/28 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7); tình trạng bệnh nhân thở mệt; số điện thoại người nhà 0903…766; bình oxy lớn và thuốc theo toa (1. Erythromycin 0,5g 1 viên uống 5 viên; 2. Medrol 16mg 1 viên uống 5 viên; 3. Primperan 10mg 1 viênx3 uống 15 viên; 4. Xarelto 10mg 1 viên uống 5 viên; 5. ZinC 5 viên).
Vẫn là động tác nhanh gọn thường thấy, anh Hiền khởi động xe, vội vàng di chuyển. Tuy nhiên, khi đi đến gần nhà bệnh nhân, thì một chốt kiểm soát dịch trên địa bàn yêu cầu anh Hiền dừng xe kiểm tra. Sau khi nghe anh Hiền trình bày, đang đi giao oxy cho F0 điều trị tại nhà trở nặng, lập tức lực lượng chức năng không hỏi gì thêm, phất tay, ra hiệu cho qua thông chốt.
Anh Hiền và đồng đội của mình chia ca trực, giao oxy xuyên suốt cả ngày lẫn đêm, nhằm đảm bảo khi nào bệnh nhân cần thì oxy sẽ có ngay khi đó.
“Anh đi giao oxy tính đến nay cũng đã hơn 2 tháng, có những chốt, mấy anh cán bộ quen mặt anh luôn, chỉ cần nhìn thấy xe anh là cho qua chốt, tạo mọi điều kiện thuận lợi để anh giao kịp oxy cho bệnh nhân, hoàn thành nhiệm vụ”, anh Hiền kể lại với thái độ cảm kích.
Trời càng lúc càng về khuya, điện thoại của anh Hiền vẫn liên tục nhận được tin nhắn báo ca bệnh mới. Khoảng 0 giờ ngày 16/5, khi vừa hoàn thành giao oxy cho bệnh nhân L.N.N(59 tuổi, ở địa chỉ 143/43 Phan Anh, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), anh Hiền nhận được cuộc gọi của đồng đội về một bệnh nhân đang nguy kịch (người nhà xin dấu tên), ở phòng trọ một mình (số nhà 15, đường E8221, Khu dân cư Trạm Điện, ấp 5, xã phong Phú, huyện Bình Chánh) cần được đưa đi cấp cứu gấp.
 Chiếc xe bán tải dùng để chở bệnh nhân đi cấp cứu mà nhóm anh Hiền được mạnh thường quân hỗ trợ.
Nhanh trí, anh Hiền gọi cho tài xế Kim Dung (là thành viên nữ duy nhất trong nhóm tài xế giao oxy tại nhà), để đổi từ xe 4 chỗ sang xe bán tải. May mắn, dù đoạn đường từ quận Bình Tân sang huyện Bình Chánh khá xa, nhưng vì đêm khuya đường vắng, anh Hiền đã kịp thời đến nhà hỗ trợ bệnh nhân thở máy. Sau đó, dùng thùng sau của xe bán tải chở bệnh nhân nhập viện. Với những nỗ lực, đến 2 giờ cùng ngày 16/5, anh Hiền hoàn thành công tác đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến 13 (đường Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh).
“Trong thời khắc “thập tử nhất sinh”, nếu không có những tấm lòng thiện lương như anh Hiền và đội nhóm của anh thì làm sao tôi được cứu sống. Không biết dùng lời lẽ nào để cảm ơn, chỉ dám hứa sẽ cố gắng vượt qua bệnh tật, khỏe mạnh để không phụ lòng mọi người”, bệnh nhân chia sẻ sau khi đã nhập viện an toàn.
  Anh Hiền và 7 tài xế khác trong đội luôn tranh thủ nghỉ ngơi ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào có thể, để đảm bảo có đủ sức khỏe làm việc. Trong ảnh: Chị Kim Dung, tài xế nữ, đang ngủ ngon lành sau một đêm thức trắng đi giao oxy cho F0.
Trải qua những giờ phút căng thẳng, cân đo đong đếm từng giây để níu giữ sự sống cho người bệnh, nhưng trong suốt quá trình làm việc của mình, anh Hiền không một lần nhắc đến 2 chữ “mệt mỏi”. Thay vào đó, anh chia sẻ, cảm thấy vô cùng may mắn, khi được các mạnh thường quân tặng cho đồ bảo hộ cấp 4, cấp cao nhất của y tế, nhằm đảm bảo an toàn cho đội tài xế khi làm nhiệm vụ, phải liên tục tiếp xúc với F0.
Cứ thế, thời gian trôi qua rất nhanh, khi đồng hồ điểm 5 giờ 15 phút ngày 16/5, là lúc anh Hiền thực hiện nhiệm vụ giao bình oxy cho bệnh nhân cuối cùng trong ca trực của mình. Đó là bệnh nhân T.T.H (60 tuổi, ở địa chỉ 17/14, Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8); đã điều trị Covid-19 được 1 tháng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh; vừa mới xuất viện nhưng hiện đang bị khó thở, tiêu chảy nặng; chỉ số oxy trong máu chỉ còn 21; số điện thoại người nhà 0913…970.

 Với những bệnh nhân nặng nhưng nhà ở chung cư, hoặc trong hẻm sâu, thì anh Hiền sẽ hỗ trợ mang bình vào tận nhà và lắp đặt luôn cho người bệnh.
Vì nhà bệnh nhân Trương Thị Huê nằm trong con hẻm sâu và nhỏ, trong khi bình oxy lại rất nặng. Anh Hiền nhiệt tình sử dụng xe đẩy cỡ nhỏ, để vận chuyển bình oxy vào tận nhà cho bệnh nhân. Thậm chí, anh còn nán lại, hướng dẫn bệnh nhân cách thở, cách chăm sóc thân nhiệt để sớm hồi phục.

Đèn đường đã tắt, 6 giờ 45 phút sáng 16/5, anh Hiền chính thức bàn giao ca cho đồng đội.
Tổng kết đêm 15/8 và rạng sáng 16/8, anh Hiền giao được tất cả là 20 bình oxy cho nhiều F0 nằm rải rác ở khắp các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Người quận 8, người Bình Chánh, người Nhà Bè, người lại Hóc Môn...
“Không phải lúc nào cũng may mắn như hôm nay, cũng đã có những ngày khi đang giao oxy, anh phải quay đầu xe, chuyển hướng vì nhận được tin bệnh nhân qua đời”, anh Hiền xúc động.

 Anh Hiền vác bình oxy đến cho bệnh nhân F0 không có người thân bệnh cạnh, sau đó anh trực tiếp hướng dẫn bệnh nhân cách hô hấp và lưu lại thông tin bệnh nhân để hỗ trợ những ngày tiếp theo.
Theo anh Hiền, hầu hết người bệnh liên hệ xin oxy đều rơi vào tình trạng khó thở. Song, vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, nên dù cấp bách vẫn phải cần chỉ định từ bác sĩ có chuyên môn. Bác sĩ sau khi thăm khám cho bệnh nhân qua điện thoại, mới kê toa thuốc, chỉ định oxy bình lớn hay nhỏ, có kèm túi mask hay không…
“Thực tế, vẫn có những trường hợp bệnh nhân không biết chính xác tình trạng của mình, chỉ vì hoang mang, họ muốn trữ bình oxy trong nhà. Nhưng như vậy, vô tình sẽ làm mất cơ hội của người khác. Khi lượng bình oxy còn hạn chế, các bác sĩ vẫn phải làm việc theo nguyên tắc thăm khám kĩ lưỡng, để đảm bảo rằng mỗi bình oxy gửi đi phải cho người thật sự cần đến nó”, anh Hiền nhấn mạnh.
 Các tài xế xịt khử khuẩn đồ bảo hộ cho nhau, để có thể tiết kiệm dùng thêm 1,2 lần nữa. Thông thường sau 3 lần sử dụng, đồ bảo hộ sẽ được đốt để phòng ngừa lây lan dịch bệnh.
Anh Hiền hy vọng tinh thần “dựng nhà cần nhiều người, đánh giặc cần nhiều sức” sẽ được lan tỏa, để những người trẻ, những người vốn yêu TP Hồ Chí Minh, yêu đất nước Việt Nam sẽ không ngại dấn thân, không ngại cống hiến thời điểm đất nước đang cần.
“Anh đã được tiêm vaccine Covid-19 và anh đang từng ngày cố gắng làm sao để xứng đáng với sự quan tâm mà Chính phủ, chính quyền TP đã dành cho người dân trong thời điểm khốn khó này ” - anh Hiền bỏ lửng câu nói vì ngủ quên lúc nào không biết, dù một giây trước đó anh vẫn khăng khăng “anh không mệt”…
Đánh giá về các đội giao oxy tận nhà tự phát trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là giải pháp mang tính tình thế, rất hữu ích vì giúp bệnh nhân Covid-19 trong lúc nguy cấp, cầm cự được hơi thở trong khoảng thời gian nhất định, để chờ đợi được sự hỗ trợ tích cực của nhân viên y tế, nhập viện điều trị.
Trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, những việc làm tốt như thế này, nên được ủng hộ và nhân rộng. Tuy nhiên, vấn đề bảo hộ, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan cần được quan tâm, sâu sát. Ngoài ra, thay vì làm tự phát, nếu như các đội giao oxy tận nhà liên hệ, kết nối với chính quyền địa phương để cùng hoạt động, thì hiệu quả công việc sẽ cao hơn rất nhiều.