Khi tái lập vào năm 1992, Ninh Bình là một tỉnh nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất công nghiệp chưa phát triển. Đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỷ trọng hơn 80% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; đóng góp của ngành công nghiệp chiếm trên 50% tổng thu ngân sách của tỉnh.
Cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng. Ninh Bình đã và đang nổi lên trở thành một trong 3 trung tâm lắp ráp ô tô lớn nhất cả nước, từng bước nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Công nghiệp thực sự trở thành động lực tăng trưởng của Ninh Bình. Số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2023 ước đạt 102.893,2 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm trước. Năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận đà phục hồi tích cực.
Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong 11 tháng đạt hơn 95.100 tỷ đồng, đạt mức tăng khá và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá như sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ...
Năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, là năm bứt phá nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Tỉnh Ninh Bình phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 đạt 111.544 tỷ đồng, tăng 10,1% so với thực hiện năm 2024.
Năm 2025, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến khó lường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp đặt ra thách thức lớn đối với sản xuất công nghiệp của tỉnh. Định hướng phát triển của tỉnh Ninh Bình là tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, ưu tiên phát triển công nghệ điện tử, công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực.
Bên cạnh đó, tỉnh sớm thu hút nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Long, khu công nghiệp Tam Điệp II; triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”, Đề án “Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường dựa trên năng lực kết nối giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, đồng bộ hóa giữa phát triển công nghiệp dịch vụ và đô thị”.
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Trong đó, Ninh Bình xác định 4 ngành kinh tế trụ cột gồm: lấy du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm mũi nhọn; lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực thúc đẩy một số ngành công nghiệp công nghệ cao; lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ.