Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Ninh Bình: nâng cao đời sống kinh tế cho người dân từ nghề nuôi ong

Kinhtedothi - Người dân Ninh Bình đã chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật phát triển nghề nuôi ong mật, sản phẩm mật ong được người tiêu dùng ưa chuộng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân.

Huyện Kim Sơn có tổng diện tích rừng ngập mặn ven biển khoảng 700ha, chủ yếu là cây sú, vẹt. Những năm qua, mỗi mùa hoa nở, hàng chục nghìn đàn ong được các chủ nuôi trong và ngoài tỉnh mang về đây khai thác nguồn hoa tự nhiên. Với những giá trị đặc trưng của mình, sản phẩm mật ong hoa sú vẹt đã được đánh giá phân hạng OCOP 3 sao. Các hộ sản xuất cũng đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu khách hàng là các doanh nghiệp và xuất khẩu.

Mô hình nuôi ong lấy mật phát triển tại nhiều địa phương ở Ninh Bình. 

Xã Yên Đồng, huyện Yên Mô có diện tích rừng lớn, chủ yếu là rừng đặc dụng. Tận dụng tiềm năng, lợi thế đó, xã đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật với quy mô ngày được mở rộng. Toàn xã hiện có gần 2.000 đàn, mỗi năm cung ứng ra thị trường gần 30 tấn mật. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, xã đã chọn mật ong để xây dựng thương hiệu, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX nuôi ong được thành lập trên cơ sở kết nối các hộ có cùng đam mê, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và thu hoạch. Vì vậy, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, mới đây sản phẩm mật ong đã được chứng nhận OCOP 3 sao.

Nhiều năm liền là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương từ nghề nuôi ong, ông Vũ Văn Chung, xã Phúc Sơn, huyện Nho Quan đã tìm tòi, lập kênh youtube “Ông Chung chuyên ong” từ năm 2020 để chia sẻ rộng rãi hơn kinh nghiệm về nuôi ong lấy mật. Đến nay, kênh của ông không chỉ mang lại nguồn lợi về giá trị kinh tế cho bản thân, mà còn trở thành nguồn tư liệu quý báu cho người dân tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi ong, phát triển kinh tế.

Theo ông Chung, sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi ong, ông chứng kiến nhiều người nuôi ong không thành công vì chưa có đủ kinh nghiệm. Sau khi tham khảo các video trên mạng, ông có ý định tự quay và lập kênh để mọi người có chung niềm đam mê về nuôi ong có thêm nguồn tư liệu về việc nuôi ong lấy mật. Hiện, kênh của ông Chung nhận được lượt tương tác lớn với 12,3 nghìn lượt đăng ký.

Thời điểm tháng 3, 4 hàng năm cũng là lúc người nuôi ong ở huyện miền núi Nho Quan bước vào vụ thu hoạch mật nhiều và thơm ngon nhất trong năm. Gia đình ông Đinh Minh Châu (thôn Sấm 2, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan) có 200 đàn ong, dự kiến năm nay gia đình ông sẽ thu được khoảng 3 tấn mật, hơn năm ngoái khoảng 0,5 tấn.

Theo ông Châu, mùa tháng 4, trên rừng có hàng trăm các loại hoa, trong đó có nhiều loại hoa quý có tác dụng chữa bệnh như dây búng báng, đơn xương, đà nam, quéo,... Năm nay thời tiết thuận lợi, nguồn hoa rừng dồi dào nên từ đầu mùa đến giờ ông đã quay được 4 lần mật, trung bình cứ sau 5 ngày là các cầu ong đã bắt đầu vít nắp và ông sẽ để thêm 7-10 ngày để cho mật thật già mới bắt đầu đưa vào quay.

Để có được những mẻ mật đạt chất lượng, ông Bùi Văn Thuận, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ mật ong Cúc Phương chia sẻ, trước tiên phải có đàn ong khỏe mạnh, tiếp đến là yếu tố thời tiết, nguồn mật, thời tiết nắng ráo, nguồn hoa dồi dào thì mật mới ngon. Tuy nhiên, quan trọng là phải chọn được thời điểm quay mật phù hợp, khi kiểm tra thấy các cầu ong được vít nắp trên 80% bề mặt. Nếu quay sớm hơn, mật chưa được ong quạt hết hơi nước sẽ loãng, chất lượng không đảm bảo.

Để phát triển nghề nuôi ong và sản phẩm mật ong địa phương, những người nuôi ong ở xã Cúc Phương đã cùng nhau thành lập HTX để cùng chia sẻ các kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ bệnh, kiểm tra từng tổ ong, hướng dẫn các phương pháp tạo chúa, san đàn, quay mật... Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư máy móc, chú trọng khâu đóng gói, tem nhãn, bao bì truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm mật ong rừng Cúc Phương đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, có sức cạnh tranh cao trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng biết đến, lựa chọn.

Huyện Nho Quan có số lượng đàn ong là 13 nghìn đàn. Nhiều xã đã đẩy mạnh phát triển đàn ong như Thạch Bình, Xích Thổ, Gia Lâm, Kỳ Phú, Phú Long... Không chỉ gia tăng về số đàn, hình thức tổ chức sản xuất của người dân cũng trở nên chuyên nghiệp hơn với việc chú trọng đầu tư máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Năm 2019, huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận Mật ong Cúc Phương dùng cho sản phẩm mật ong sản xuất trên địa bàn huyện.

Hiện nay, nghề nuôi ong lấy mật trở thành mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững ở nhiều địa phương của tỉnh Ninh Bình, với các phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3, 4 sao, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Ninh Bình: sản phẩm OCOP phát triển về số lượng và chất lượng

Ninh Bình: sản phẩm OCOP phát triển về số lượng và chất lượng

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
5 ngày nghỉ lễ, Quảng Nam đón 282.000 lượt khách du lịch

5 ngày nghỉ lễ, Quảng Nam đón 282.000 lượt khách du lịch

04 May, 07:43 PM

Kinhtedothi - Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay ghi nhận lượng khách du lịch đến địa phương tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Kiểm soát nguồn cung nguyên liệu để ứng phó với phòng vệ thương mại

Kiểm soát nguồn cung nguyên liệu để ứng phó với phòng vệ thương mại

04 May, 01:58 PM

Kinhtedothi- Việt Nam lọt top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, song đi kèm là những rủi ro liên quan đến xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp. Do đó, kiểm soát nguồn cung nguyên liệu sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải cân nhắc thận trọng.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ