Bùng phát từ châu Âu Hy Lạp là hình ảnh thu nhỏ của cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài suốt hai năm nay. Cuộc khủng hoảng khởi nguồn từ Hy Lạp, sau đó lan sang Ireland trước khi tràn tới Bồ Đào Nha, rồi đe dọa Tây Ban Nha, Italy và thậm chí cả Pháp. Nỗ lực cứu trợ của quốc tế cũng chưa đủ sức dập tắt nguy cơ khủng hoảng nợ công biến thành khủng hoảng xã hội và thể chế trong khu vực. Trên bình diện quốc gia, cuộc khủng hoảng nợ công bùng phát với nhiều nguyên nhân khác nhau. Tại Hy Lạp, đó là hậu quả của nhiều năm quản trị tài chính công yếu kém và chi tiêu bừa bãi, trong khi tại Ireland, nguyên nhân chính là do sự mất kiểm soát hoạt động cho vay của một số ngân hàng. Trên bình diện khu vực, cuộc khủng hoảng có nguồn gốc sâu xa là chế độ phúc lợi được xây dựng từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II theo hướng "chi nhiều hơn thu." Thói quen kéo dài nhiều thập kỷ qua khiến các chính phủ châu Âu dễ dàng vay mượn để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, song sự “vung tay quá trán” không tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đẩy “lục địa già” vào tình trạng thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công cao ngất ngưởng. Thậm chí, cho đến khi khủng hoảng đã xảy ra tại Italy mà nhiều nước châu Âu khác vẫn không tin Eurozone có "vấn đề." Thay vì nhanh chóng xem xét và đánh giá lại những nguy cơ vỡ nợ công, giới lãnh đạo chính trị châu Âu lại quay sang chỉ trích các thị trường tài chính. Mười tám tháng sau khi xảy ra khủng hoảng, một số nước phải huy động tài chính trên thị trường với lãi suất "cắt cổ," lúc đó Pháp và Italy mới tỉnh ngộ. Sai lầm chính ngay từ đầu của châu Âu là không để cho Hy Lạp bị vỡ nợ mà vẫn cố giữ nước này ở lại Eurozone và tìm mọi cách củng cố kinh tế của Hy Lạp. Tiền lệ này sẽ buộc các nước khác và những chủ nợ phải gia tăng các biện pháp kỷ luật ngân sách và tài chính công. Thế nhưng, mọi việc không diễn ra như vậy. Vào lúc đó, nhiều người lo ngại việc phá sản sẽ đẩy lãi suất trái phiếu tăng chóng mặt. Thực tế cho thấy, lãi suất đi vay vẫn tăng cho dù châu Âu đổ tiền cứu Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Giờ đây, châu Âu phải chấp nhận trả giá đắt cho sai lầm này. Với nhiều nước thuộc "châu Âu già " được bổ sung vào danh sách những nước nợ nần. “Mô hình châu Âu” từng một thời được ngưỡng mộ, đang mất dần ánh hào quang. Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng, các nước bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nợ công đã phải nhờ tới cứu trợ từ bên ngoài; đồng thời áp dụng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" đầy khắc khổ. Các nhà lãnh đạo EU đã cố gắng làm những gì có thể để đưa Eurozone thoát khỏi vực thẳm từ việc mở rộng quy mô và quyền hạn cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) nhằm dựng "bức tường lửa" ngăn chặn bệnh nợ công lan rộng cho tới việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bất ngờ mua trái phiếu chính phủ của những nước gặp khó khăn về tài chính. Khả năng Eurozone chưa thể sớm thoát khỏi khủng hoảng tài chính và nợ công đã làm các hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế liên tục báo động đỏ không chỉ riêng Eurozone, mà cả EU vào những ngày cuối năm. Có lẽ cuộc khủng hoảng nợ công sẽ còn “đeo bám” châu Âu trong thời gian tới và 2012 có thể sẽ là năm quyết định số phận đồng euro. Tiềm ẩn "rủi ro chính trị" tại Mỹ Các số liệu thống kê cho thấy nợ công của Mỹ đã vượt ngưỡng 15.000 tỷ USD, gần tương đương 99% GDP ước tính của nước này trong năm nay và sắp kịch trần mức đã được Quốc hội điều chỉnh hồi tháng Tám vừa qua. Nợ công của Mỹ tiếp tục tăng kể từ ngày 2/8 vừa qua, khi Quốc hội đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ từ 14.300 tỷ USD lên 15.194 tỷ USD. Thâm hụt ngân sách trong tài khóa kết thúc ngày 30/9/2011 là 1.300 tỷ USD và việc cắt giảm thâm hụt ngân sách là điều khó khả thi. Cho tới nay, dự luật cấp tiền cho chính phủ hoạt động trong tài khóa 2012, bắt đầu từ tháng 10 vừa qua, đã nhiều lần bị "treo" và các cơ quan liên bang đã phải hoạt động nhờ một loạt luật chi tiêu ngắn hạn. "Rủi ro chính trị" gắn liền với khoản nợ công ngất ngưởng cùng thâm hụt ngân sách khổng lồ và tiến trình ra quyết sách lại không đủ mạnh đã làm Mỹ lần đầu tiên rớt hạng tín nhiệm vàng AAA kể từ khi được Hãng đánh giá tín nhiệm Moody's dành cho chỉ số cao nhất này vào năm 1917 và tới năm 1941 lại được S&P đánh giá cùng ở mức này. Việc hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ phản ánh quan điểm của S&P rằng kế hoạch củng cố ngân sách mà Nhà Trắng và Quốc hội vừa nhất trí gần đây đã "không đạt được sự cần thiết để ổn định tính linh hoạt trong các khoản nợ trung hạn của Mỹ." Động thái của S&P đồng nghĩa với việc nợ công của Mỹ giờ đây đã trở nên kém an toàn hơn so với trước. Do đó giới đầu tư có thể đòi mức lãi suất cao hơn đối với trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ. Theo Nhật báo Phố Wall, hiện mỗi năm Mỹ trả 250 tỷ USD tiền lãi suất trái phiếu và có nhiều khả năng trong thời gian tới mỗi tháng Mỹ phải trả thêm 75 tỷ USD. Không chỉ chính phủ, các doanh nghiệp và các cá nhân Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn khi đi vay và phải trả phí cao hơn. Tác động tới các thị trường đang nổi Trong khi châu Âu và Mỹ đang phải vật lộn để kiềm chế lạm phát, các nền kinh tế mới nổi dường như ít phải lo lắng hơn. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ nợ công tính theo GDP của các thị trường mới nổi trong giai đoạn 2007-2010 được duy trì ở mức 36%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ của các thị trường phát triển khác (con số này tại các nước phát triển đã tăng từ 73% lên 96% trong cùng thời kỳ). Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng tại Eurozone sẽ có những tác động nhất định đến nhiều nền kinh tế, kể cả những nền kinh tế châu Á mới nổi và đang phát triển nhanh chóng. Dự báo mới nhất của một cơ quan ở Mỹ đưa ra hồi đầu tháng 12 này cho biết một số nền kinh tế phát triển đang đứng trước nguy cơ của một cuộc suy thoái kép, đe dọa kéo theo các nước khác trên thế giới. Theo nhà kinh tế học Sun Tao thuộc IMF, các thị trường mới nổi cần lưu ý tới hai nguy cơ gồm những hậu quả do cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng mang lại trong thời gian ngắn hạn, như xuất khẩu sụt giảm, dòng vốn đảo chiều và nhiều vấn đề khác; và sự tái diễn của vòng xoáy nợ nần, giống như những gì đã xảy ra tại Mỹ và châu Âu. Lịch sử cho thấy sau khủng hoảng, bao giờ cũng xuất hiện một động lực thay đổi mạnh mẽ. Do tiến trình tái cân bằng kinh tế trên phạm vi toàn cầu đang diễn ra, nên chúng ta có cơ sở để tin rằng cuộc khủng hoảng nợ công sẽ không gây ra những thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế thế giới, mà thay vào đó nó sẽ làm xuất hiện một mô hình tăng trưởng bền vững hơn, có thể giúp nền kinh tế toàn cầu đứng vững và thịnh vượng./.