Đó là chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng với báo Kinh tế & Đô thị.
Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, Trung tâm đã thực hiện các biện pháp phòng, chống, đảm bảo an toàn cho ĐVHD như thế nào, thưa ông?- Chúng tôi thường xuyên nắm bắt tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, trong nước và Hà Nội. Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 với 3 cấp độ. Ngày 6/5, ngay khi có thông tin trên địa bàn huyện Sóc Sơn có ca dương tính Covid-19, Trung tâm đã kích hoạt phương án phòng dịch ở cấp độ cao nhất.
Cụ thể, bố trí lực lượng 10 người, gồm: Lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thú y, công nhân chăm sóc túc trực trong khu vực 24/24 giờ; dựng hàng rào cách ly để tập trung chăm sóc, bảo tồn ĐVHD trong môi trường an toàn tuyệt đối. Ở cấp độ này, Trung tâm thành lập 2 tổ luân phiên làm nhiệm vụ trong khu vực cách ly tối thiểu 2 – 3 tuần. Bên cạnh đó, Trung tâm duy trì lực lượng hỗ trợ cung ứng nhu yếu phẩm cho tổ làm nhiệm vụ và ĐVHD trong khu vực cách ly.
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng (bên phải) tái thả ĐVHD tại Vườn Quốc gia Cúc Phương tháng 4/2021. Ảnh: Ánh Ngọc |
Trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh, việc chăm sóc sức khỏe ĐVHD luôn được Trung tâm chú trọng tăng cường. Số người giảm đi 1 nửa, khối lượng công việc tăng lên gấp đôi, song ai nấy đều ý thức cao trong hoàn thành trách nhiệm chuyên môn.Công tác tiếp nhận, cứu hộ, tái thả ĐVHD của Trung tâm có bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19 không, thưa ông?- Từ đầu năm đến nay, Trung tâm thực hiện 2 cuộc tái thả ĐVHD lớn, gồm: Thả và chuyển giao cho Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) 169 cá thể; di chuyển hơn 2.000km, thả và chuyển giao cho Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) 42 cá thể, trong đó có nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm như: Rái cá, rùa đất lớn, rùa núi vàng. Chỉ tính riêng trong tháng 4/2021, Trung tâm tiếp nhận một lượng lớn ĐVHD, bình quân 2 - 3 ngày lại tiếp nhận 1 vụ, cá biệt có ngày tiếp nhận đến 3 vụ. Đáng nói, thời gian qua, cán bộ, nhân viên Trung tâm phải xoay tua, di chuyển liên tục, nhiều đợt để tiếp nhận, cứu hộ, chăm sóc, tiếp đến lại thả và chuyển giao trong điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 nên áp lực công việc rất lớn.Vậy theo ông, đâu là động lực để mỗi cán bộ, nhân viên của Trung tâm vượt áp lực, hoàn thành công việc với nỗ lực và trách nhiệm cao nhất?- Cá nhân tôi rất phấn khởi khi đơn vị triển khai phương án phòng dịch Covid-19 mức độ cao nhất, tất cả cán bộ, nhân viên trong Trung tâm đều tự nguyện, vui vẻ, xung phong tham gia ngay. Mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động đều coi động vật là trung tâm để làm tốt việc nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng bệnh các loài ĐVHD.Hiện nay, cùng với thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho động vật, Trung tâm luôn yêu cầu và giám sát người lao động làm việc đúng quy trình. Bởi, khi được chăm sóc tốt, động vật sẽ khỏe, không mắc bệnh và không phải điều trị. Nhờ áp dụng biện pháp tối ưu này mà những năm gần đây, tỷ lệ ĐVHD bị bệnh rất thấp. Bên cạnh đó, Trung tâm chú trọng nâng cao điều kiện phúc lợi cho ĐVHD. Khi được vận động, chăm sóc chu đáo, đầy đủ trong môi trường an toàn, được con người tiếp cận, đối xử thân thiện thì ĐVHD sẽ không bị stress. Đây là phương pháp làm việc tiên tiến mà Trung tâm đang hướng tới và thực hiện.Việc hợp tác của Trung tâm với các tổ chức quốc tế liệu có bị gián đoạn không, thưa ông?- Những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 căng thẳng hơn, hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế cũng phải thay đổi để thích ứng. Các tổ chức quốc tế đã tạm dừng đến Trung tâm làm việc trực tiếp. Trung tâm thực hiện trao đổi trực tuyến với chuyên gia nước ngoài qua các phương tiện truyền thông để giải quyết công việc.Xin cảm ơn ông!
"Mặc dù vừa phải tập trung cao độ phòng dịch Covid-19, vừa duy trì các hoạt động khác nhưng lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Trung tâm luôn tự giác tăng thời lượng, hiệu suất làm việc với tinh thần đề cao trên hết là bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an toàn cho các loài ĐVHD." - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng |