Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực để người lao động có Tết

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam chịu sự tác động tiêu cực rất lớn của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, xu hướng có chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm nay, nhất là từ tháng 10 trở đi. Những lĩnh vực nông nghiệp, thương mại - dịch vụ có sự phát triển và thu hút nhiều người lao động. Mặc dù vậy, số người tạm ngừng việc vẫn còn rất lớn. Nhất là những lao động làm trong ngành du lịch, khách sạn, vận chuyển khách...

Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long rút tiền lương từ cây ATM. Ảnh: Phạm HùngOanh Trần
Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày 27/12 – thời hạn cuối cùng Bộ LĐTB&XH yêu cầu các tỉnh, TP phải báo cáo thưởng Tết của DN cho người lao động (NLĐ), nhưng đến thời điểm này, không ít DN cho biết chưa lên kế hoạch, vì hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là những DN nhỏ và siêu nhỏ. Những NLĐ làm việc ở khu vực phi chính thức cũng đang rất mong ngóng có thưởng Tết nhưng tình hình không khả quan khi không có đơn hàng để gia công cho các DN lớn. Đã có những đơn vị cho biết năm nay khó khăn nên không có thưởng Tết. Lại có DN cho biết sẽ thưởng Tết bằng sản phẩm do DN sản xuất ra.

Trước thực tế đây là năm khó khăn nhất trong mấy thập kỷ qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có yêu cầu tổ chức công đoàn các cấp nắm bắt tình hình tiền lương, thưởng của DN đối với NLĐ. Bên cạnh việc vận động chủ sử dụng đảm bảo chính sách cho NLĐ, công đoàn cơ sở huy động mọi nguồn lực để chăm lo cho đoàn viên, nhất là những người bị mất việc làm, bị giảm sâu thu nhập.

Về phía Liên đoàn lao động TP Hà Nội cũng đã có đề xuất với UBND TP Hà Nội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tặng 5.000 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng) dành cho NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đã được TP thông qua từ tuần trước. Ngoài ra, công đoàn cấp quận, huyện, thị xã huy động mọi nguồn kinh phí sẽ tiếp tục có những hỗ trợ, chăm lo Tết cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Các xã, phường, thị trấn, với tinh thần “tương thân tương ái” lại có những thăm hỏi, tặng quà những gia đình gặp khó khăn đột xuất trong đợt Tết...

Theo đánh giá của các chuyên gia lao động, năm nay mức thưởng Tết được chia theo loại hình DN. Loại hình DN đang phát triển tốt, có thị trường tiêu thụ thì vẫn duy trì mức thưởng Tết cho NLĐ bằng hoặc thậm chí cao hơn năm trước. Loại DN bị tác động bởi dịch Covid-19 không nhiều thì cố gắng dành dụm, tính toán, tiết kiệm chi phí để thưởng Tết cho NLĐ. Những DN bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19, không có nguồn để thưởng Tết cho NLĐ thì tính toán trả đủ lương. Và đối với những DN thuộc loại hình thứ ba không có nguồn thưởng Tết cho NLĐ và những lao động bị mất việc làm vì Covid-19, các chuyên gia lao động đề xuất Bộ LĐTB&XH có những tính toán đề xuất Chính phủ có khoản ngân sách hỗ trợ để ai ai cũng có Tết. Về việc từ ngày 1/1/2021, các DN được phép thưởng Tết bằng hiện vật thì phải có sự thỏa thuận và được sự đồng ý của NLĐ. Và, những hiện vật đó phải có giá trị, thiết thực và có tính sử dụng cao. Nếu DN cố tình ép NLĐ nhận hiện vật mà không được sự đồng thuận là sai quy định. Trong việc này, các cơ quan chức năng phải tăng cường thanh tra, hướng dẫn DN làm đúng theo quy định về lương, thưởng.

Hy vọng, với sự cố gắng của các DN, Nhà nước và chia sẻ khó khăn của NLĐ, Tết Nguyên đán năm 2021, mọi gia đình NLĐ đều có cái Tết thật sự ấm cúng, vui vẻ và tiết kiệm. Để rồi, sau đợt nghỉ Tết, những NLĐ quay trở lại làm việc với tinh thần phấn khởi, có động lực để đóng góp vào năng suất, chất lượng ngày một tốt hơn.