70 năm giải phóng Thủ đô

Nỗ lực giải mã kiến trúc hoàng cung Việt

Bài, ảnh: Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/11, UBND TP Hà Nội phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long”.

Phát lộ kinh đô hoa lệ

Theo PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trước năm 2002, khu 18 Hoàng Diệu là khu tập thể quân đội, nằm trong quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, di dời để thực hiện Dự án xây dựng nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới). Theo Luật Di sản, trước khi xây dựng dự án Chính phủ phải cho tiến hành khảo cổ học. Điều bất ngờ, từ những hố thám sát có 4m2, rồi nâng lên 20 hố với diện tích 100m2/hố, trong tổng thể mặt bằng 48.000m2 các cán bộ khảo cổ học, trong đó PGS.TS Tống Trung Tín – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã tạo ra những khởi đầu đầy hy vọng về việc khai quật trúng phía Tây của Hoàng thành Thăng Long, để minh chứng về một kinh đô hoa lệ của nước Đại Việt xưa đã từng tồn tại ở nơi này. Để rồi từ đó, các cấp, ngành đi đến thảo luận, thống nhất đề xuất bảo tồn toàn bộ di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, cùng gợi ý giới thiệu giá trị di sản ra thế giới.
Công tác khai quật khảo cổ học để làm sáng tỏ các giá trị dưới lòng đất tại Hoàng thành Thăng Long là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm.
Có mặt tại hội thảo, Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khi đó đang giữ vị trí là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chia sẻ đầy xúc động về giờ phút Hà Nội nhận tin vui, tại Kỳ họp thứ 34, UNESCO đã công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội của Việt Nam là di sản thứ 900 của thế giới. Trong suốt 10 năm qua, Hà Nội đã cùng với Bộ VHTT&DL và các ngành đã chấp hành đúng 8 cam kết với UNESCO về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Có thể nói, từ khai quật thăm dò đến khai quật mở rộng, khai quật tổng thể, cho đến nay Hà Nội đã tiến hành khai quật được gần 1/3 diện tích tổng số trung tâm Hoàng thành và Cấm thành Thăng Long. Qua đó, ngày càng sáng tỏ kiến trúc, quy mô của các công trình trong hoàng cung qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX, giúp chúng ta hình dung phần nào đời sống vật chất chốn cung vàng, điện ngọc của hoàng thân quốc thích.

Lao tâm khổ tứ phục dựng điện Kính Thiên

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhận định, việc nghiên cứu bảo tồn các di tích khảo cổ học nằm sâu dưới lòng đất vốn là vấn đề rất khó khăn, phức tạp và mang tính quốc tế, không chỉ riêng đối với Việt Nam. Trăn trở của các nhà khoa học trong 10 năm qua là làm sao để trả lại giá trị cho Hoàng thành Thăng Long, bằng việc phục dựng được điện Kính Thiên cùng nhiều công trình khác.

Theo TS Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội: Trong 10 năm qua, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật tại khu vực sát thềm rồng hiện nay, để phát lộ khu vực chính điện Kính Thiên. Đã có một số căn cứ khoa học để phục dựng không gian điện Kính Thiên, đó là tập trung tìm hiểu cấu trúc, vị trí quy mô và diện mạo của chính điện Kính thiên thời Lê, kết hợp chặt chẽ với tìm hiểu chính điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý – Trần. Còn PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), những khám phá khảo cổ học trong thời gian qua tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã tìm thấy rất nhiều bằng chứng xác thực về mô hình kiến trúc cung điện thời Lý, thuộc loại kiến trúc đấu củng, có thể dễ dàng tìm được nét tương đồng trong cung điện ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, quy mô, số gian, vị trí cụ thể của điện Kính Thiên như thế nào thì vẫn là một ẩn số và các nhà khoa học vẫn đang từng bước đi giải ẩn số đó nên việc phục dựng mới chỉ dừng ở các bản vẽ 3D.

Chúng ta vui mừng ghi nhận kết quả đạt được 10 năm qua trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội nhưng cũng cần đặt ra câu hỏi 10 năm sau cần làm gì để xứng tầm với di sản ngàn năm, để lượng khách đến Hoàng thành Thăng Long không khiêm tốn như ngày hôm nay, mà phải là điểm đến hấp dẫn số 1 của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Không còn cách nào khác là việc phục dựng lại giá trị kiến trúc vương triều đã ngự trị tại đây trong suốt hơn một nghìn năm.

"Chính điện Kính Thiên là kiến trúc trung tâm của Cấm thành Thăng Long, nơi ngự tọa của Hoàng đế, biểu trưng cao nhất của quyền lực quốc gia Đại Việt thời Lê. Nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên là công việc hết sức cấp thiết có ý nghĩa và giá trị lịch sử văn hóa sâu sắc không chỉ đối với Thăng Long – Hà Nội mà với cả nước." - TS Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội