Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực “kìm cương” lạm phát

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giữ chỉ tiêu lạm phát, trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều đảm bảo cân bằng cung - cầu hàng hóa; kiểm soát mức độ tăng của tổng phương tiện thanh toán.

Giảm áp lực tăng giá
Báo cáo đánh giá công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm 2018, dự báo và kiến nghị biện pháp điều hành giá 6 tháng cuối năm 2018 tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 vừa rồi, Bộ Tài chính cho biết, do giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao trong nửa đầu năm đã gây áp lực lên giá xăng dầu trong nước. So với thời điểm cuối năm 2017, giá bán lẻ tối đa các mặt hàng xăng dầu trong nước tăng từ 7,5 - 17,9%.
 Hoạt động nghiệp vụ tại VietcomBank chi nhánh Hà Nội.  Ảnh:Thanh Hải.
Trong rổ hàng hóa để tính CPI thì hàng hóa về lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng tới 40%. Để giữ chỉ tiêu lạm phát, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cũng là để giảm giá thành, chuyên gia về lĩnh vực giá cả cho rằng, còn gần 6 tháng nữa, nhưng dư địa để hoàn thành chỉ tiêu khống chế CPI không còn nhiều, là một sức ép, thách thức đối với Chính phủ. Nên trước mắt, với những mặt hàng do Nhà nước định giá việc giãn hoặc lùi thời gian điều chỉnh giá để tránh tác động trực tiếp lên mặt bằng giá cả, khiến lạm phát tăng cao là cần thiết.
PGS.TS Ngô Trí Long
Giá xăng dầu tăng là một trong những nguyên nhân khiến mặt bằng giá cả thị trường trong 6 tháng đầu năm biến động theo hướng tăng tương đối cao trong nửa đầu năm. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ngoài giữ ổn định mức giá các mặt hàng do Nhà nước định giá trong tháng 6/2018, cần tiếp tục rà soát để đẩy nhanh việc giảm giá các mặt hàng có khả năng giảm giá. Với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây như xăng dầu, lương thực, thịt lợn, cần chủ động rà soát, cân đối cung - cầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá để bình ổn thị trường; chú trọng tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan triển khai, trong đó giao Sở Công Thương theo dõi sát lượng cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, nông sản để tham mưu giúp UBND TP chỉ đạo điều hành, đảm bảo cung - cầu và bình ổn thị trường trên địa bàn. Sở NN&PTNT định hướng cách thức sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo ổn định nguồn hàng. Mặt khác, TP đề ra, cần hỗ trợ các DN tìm kiếm nguồn hàng, liên kết tạo các chuỗi hệ thống phân phối; tạo điều kiện cho DN tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá để thúc đẩy nhu cầu mua sắm trong Nhân dân.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính có thể làm việc với một số DN lớn có khả năng quyết định giá cả thị trường. Ngay cả ở các nước lớn, Nhà nước hoàn toàn có khả năng kiểm soát những tập đoàn lớn như Big C, Metro, Walmart, Fivimart... Bộ Tài chính nên làm việc với các DN lớn bằng những cam kết rõ ràng và chặt chẽ hơn.
Giảm cung tiền, tăng lãi suất
Nguy cơ của lạm phát cao trong năm 2018 là có. Một yếu tố góp phần kiềm chế lạm phát rất tích cực đã được nhiều nước áp dụng là giảm chi tiêu của Chính phủ. Các bài học về giải pháp tiền tệ linh hoạt, thận trọng, bài học tăng cung, giảm áp lực giá cũng đã tương đối rõ ràng, nhưng việc kiểm soát chi tiêu công của ta vẫn chưa thành công. Nợ công tăng cao, chi thường xuyên, chi trả nợ vẫn ở mức cao. Đây là thời điểm Nhà nước cần kiên quyết với những chi tiêu công, nhất là những công trình đầu tư kém hiệu quả, đọng vốn quá lâu…
TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách –VEPR
Trước việc tăng trưởng cung tiền mạnh trong 7 tháng đầu năm nay đã ít nhiều gây áp lực lên lạm phát cũng như tỷ giá giữa USD và tiền đồng, NHNN đang tiếp tục hút bớt tiền đồng thông qua thị trường mở, sau khi đã bơm một khoản khổng lồ thông qua kênh mua ngoại tệ.
Thực tế, trong hơn một tuần trở lại đây, NHNN đã mở rộng thêm các kỳ hạn tín phiếu để hút bớt tiền về. Nửa cuối tháng 6, số dư lưu hành tín phiếu ghi nhận còn rất lớn, quanh 150.000 tỷ đồng, thì đến nay chỉ còn ở mức độ khoảng 72.000 tỷ đồng. Bên cạnh kênh phát hành tín phiếu, việc NHNN bắt đầu bán ra ngoại tệ cũng đã hút bớt lượng tiền đồng về một cách triệt để hơn.
Đáng chú ý, bên cạnh lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng, lãi suất trên thị trường thông thường (thị trường 1) cũng có dấu hiệu tăng trở lại tại một số ngân hàng. Trong tháng 6 và những ngày đầu tháng 7 vừa qua, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi như Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã hai lần điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, Ngân hàng Quân đội cũng tăng mạnh lãi suất huy động vốn, với kỳ hạn một tháng tăng 0,2%, hai tháng tăng 0,3%, đặc biệt kỳ hạn từ 3 - 5 tháng tăng 0,55% và kỳ hạn 6 tháng tăng 0,35%. Trong khi đó, lãi suất cho vay trong một số lĩnh vực như  bất động sản cũng đã sớm tăng tại một số ngân hàng từ đầu quý II.
NHNN cũng liên tục ra văn bản hạn chế rót vốn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, các dự án BOT... cũng như cẩn trọng với tín dụng tiêu dùng. Theo một lãnh đạo NHNN, bên cạnh việc sử dụng các biện pháp mạnh để xử lý hiện tượng dư thừa tiền đồng nhằm hạn chế áp lực lên tỷ giá và lạm phát thì trong năm nay, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng, năm nay tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tăng thấp hơn mức dự kiến ban đầu là 17%.