Nỗ lực quảng bá di sản trong thời gian tạm dừng hoạt động

Yến Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, toàn bộ di tích trên địa bàn Hà Nội tạm thời đóng cửa, ngừng đón khách tham quan. Khó khăn này đang được nhiều điểm đến văn hóa của Thủ đô tận dụng để ứng dụng công nghệ trong hoạt động số hoá tư liệu, trưng bày nhằm quảng bá di sản đến công chúng.

Không thụ động ngồi chờ hết dịch

Từ đầu năm đến nay, các di tích trên địa bàn Hà Nội như đền Ngọc Sơn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nhà tù Hoả Lò, Hoàng thành Thăng Long đều tạm dừng mở cửa, đón khách tham quan. Tại các điểm di tích, công chúng đi đến chỉ còn thấy những tấm biển báo tạm đóng cửa do dịch Covid-19, không gian di tích chìm trong yên ắng. Tuy nhiên, với quan điểm “không thụ động ngồi chờ”, nhiều di tích đã chủ động chuyển hoá thách thức thành cơ hội, tranh thủ quãng thời gian tạm thời đóng cửa để tập trung ứng dụng công nghệ vào hoạt động số hoá tư liệu, hiện vật; trưng bày, triển lãm góp phần tăng sức hấp dẫn của di sản trong bối cảnh dịch Covid-19.
 Du khách tìm hiểu kênh phát thanh của di tích Nhà tù Hoả Lò. Ảnh: Phạm Hùng.

Tại Di tích Nhà tù Hoả Lò, cùng với 2 tour đêm tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng thời gian qua là “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” và “Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa”, những ngày này, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò cùng với việc đẩy mạnh truyền thông qua fanpage đã cho ra mắt kênh phát thanh HoaLoPrisonRelic trên nền tảng Spotify. Đây là dịch vụ phát thanh trực tiếp và video kỹ thuật số giúp công chúng có thể nghe các câu chuyện lịch sử, xem trưng bày, triển lãm và tham gia các buổi tọa đàm, phỏng vấn ngắn về các nhân chứng lịch sử.

Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ (27/7), Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức trưng bày “Thắp lửa yêu thương”, qua kênh phát thanh HoaLoPrisonRelic và fanpage của di tích Nhà tù Hỏa Lò, thời gian diễn ra đến hết tháng 12/2021. Theo Trưởng Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy: “Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, với mong muốn duy trì kết nối với công chúng, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã vừa ra mắt công chúng kênh phát thanh trực tuyến trực tuyến nhằm giúp mọi người tìm hiểu sâu hơn những kiến thức lịch sử, đồng thời vẫn đảm bảo các biện pháp phòng dịch hiện nay. Đây là một trong những hướng đi mới của Ban Quản lý Di tích nhằm giúp thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử Việt Nam một cách dễ dàng hơn”.

Đối với Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong thời gian này cũng đã tăng cường việc quảng bá di sản trên website, fanpgage. Cùng với đó, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện đề án phát triển du lịch thông minh tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám dựa trên nền tảng công nghệ 4.0, Hiện nay, đề án đã báo các lên TP và đang trong giai đoạn thẩm định. Cùng với đó, Trung tâm đang đẩy nhanh kế hoạch tái hiện Trường Quốc Tử Giám tại khu vực vườn ươm để du khách có những hình dung rõ nét hơn về đời sống học tập của sĩ tử và các hoạt động khoa cử thời xưa; phục dựng các sinh hoạt tại trường; tiếp tục ứng dụng công nghệ để số hóa 3D hệ thống bia tiến sĩ tại đây nhằm vừa nâng cao hiệu quả lưu trữ, vừa phát huy giá trị rộng rãi hơn”.

Sẵn sàng cho ngày trở lại

Trong thời gian tạm dừng đón khách, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tập trung nghiên cứu chuyên sâu các nghi lễ, nghi thức cung đình để phục vụ khách tham quan, xây dựng sản phẩm du lịch đêm ra mắt trong thời gian đón khách trở lại. Cùng với đó, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) Nguyễn Thị Yến cho biết: “Các hoạt động tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên; cải tạo cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ, nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng dịch đã được triển khai nhằm mang đến chất lượng phục vụ tốt nhất dành cho du khách. Khu di tích cũng đã trang bị máy đo thân nhiệt tự động, bình sát khuẩn tự động ở các cổng chính. Phương án di chuyển giãn cách cũng như tuyên truyền khách tham quan tuân thủ thông điệp “5K” sẽ tiếp tục được duy trì khi di tích mở cửa trở lại”.

Tận dụng quãng thời gian tạm đóng cửa đón khách, Bảo tàng Hà Nội cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu theo hình thức cuốn chiếu, bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng thi công. Bên cạnh công tác chuyên môn, việc bảo đảm vệ sinh, an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cũng được các bảo tàng, di tích chú trọng. Theo đó, các công trình văn hóa này đều tổ chức phun thuốc khử khuẩn quanh khu vực điểm đến và yêu cầu cán bộ, nhân viên rèn tập các kỹ năng hướng dẫn du khách thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch, như: Đeo khẩu trang, vệ sinh sát khuẩn tay thường xuyên sẵn sàng phục vụ khi hoạt động tham quan được khôi phục.

Có thể thấy, dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho các hoạt động của di tích trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, thời điểm này cũng là cơ hội để các di tích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, không chỉ để ứng phó với dịch Covid-19 có thể kéo dài, mà còn tăng cơ hội quảng bá, giới thiệu giá trị di sản văn hóa tới nhiều người. Ngoài ra, đơn vị cũng dã chủ động phương án sẵn sàng phục vụ công chúng và du khách đi kèm với các yêu cầu về phòng, chống dịch ngay khi được mở cửa trở lại.