70 năm giải phóng Thủ đô

Nỗ lực sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 trong nước

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 thì một trong những yếu tố quan trọng là phải thực hiện phòng, chống dịch theo đúng công thức “5K+vaccine, thuốc điều trị+công nghệ+ý thức người dân và các giải pháp khác”.

Trong đó vaccine, thuốc điều trị có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống dịch. Việc thúc đẩy sản xuất vaccine và thuốc điều trị sẽ giúp tăng cường năng lực y tế trong nước, góp phần phát triển ngành công nghiệp dược của Việt Nam.

Sản xuất bằng được vaccine Covid-19

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 9 loại vaccine được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp (2 vaccine mRNA; 3 vaccine vecto virus; 3 vaccine bất hoạt; 1 vaccine protein tái tổ hợp). Về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng và phát triển một số vaccine trong nước, hiện có các ứng viên vaccine như Nanocovax, Covivac, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, vaccine do Công ty Shionogi (Nhật Bản) phát triển.

Với vaccine Nanocovax do (Công ty CP Công nghệ sinh học dược - Nanogen) nghiên cứu, hiện tại đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, đã thông qua Hội đồng Đạo đức, chuyển sang cho Hội đồng xem xét cấp phép. Còn phía Hội đồng sau khi xem xét hồ sơ để cấp phép thì thấy đơn vị sản xuất vaccine cần cung cấp bổ sung đầy đủ các hồ sơ để hội đồng tiếp tục nghiên cứu và xem xét vấn đề cấp phép này.
Tiêm vaccine cho người dân phòng Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Với ứng viên vaccine Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) nghiên cứu, phát triển từ tháng 5/2020, phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thử nghiệm vaccine từ cuối tháng 1. Đây là vaccine Covid-19 thứ hai của Việt Nam thử nghiệm trên người. Giai đoạn 1, vaccine thử nghiệm tại Hà Nội, với 120 tình nguyện viên. Giai đoạn 2 bắt đầu từ giữa tháng 6, thử nghiệm tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, trên 375 người. Giai đoạn 3 dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2021. Theo kế hoạch đã được Bộ Y tế phê duyệt trước đó, nghiên cứu vaccine Covivac giai đoạn ba dự kiến cần 4.000 người tình nguyện thử nghiệm.

Trong số vaccine tiếp nhận công nghệ và gia công đóng ống, vaccine Sputnik V do Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) sản xuất đã xuất xưởng lô thương mại đầu tiên hơn 1 triệu liều. Quy mô gia công, đóng ống vaccine Sputnik V là 5 triệu liều 1 tháng. Ngoài ra, vaccine ARCT-154 do Tập đoàn Vingroup tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ, đã được thử nghiệm trên tình nguyện viên. Nếu đạt yêu cầu, quý I/2022, vaccine này có thể được Bộ Y tế xem xét phê duyệt, đi vào sản xuất. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang hướng dẫn các đơn vị trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 từ các quốc gia khác như Cuba, Ấn Độ… và có thư gửi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giới thiệu các đơn vị của Việt Nam tham gia chương trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mRNA của WHO.

Bộ Y tế cũng đã nhiều lần nhấn mạnh về chủ trương hết sức ủng hộ và mong mỏi sớm có vaccine tự sản xuất trong nước để bảo vệ người dân, để chủ động và giảm sự lệ thuộc vào vaccine nhập khẩu. Theo đó, mục tiêu cố gắng cuối năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam có vaccine nghiên cứu, sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ. “Việc phát triển vaccine thành công sẽ nâng vị thế của Việt Nam lên rất cao. Nếu Việt Nam phát triển sớm thành công vaccine Covid-19 là một dấu ấn, tiền đề cho việc xuất khẩu. Tôi tin rằng, năm 2022, Việt Nam cơ bản đáp ứng được nhu cầu vaccine trong nước và hướng tới xuất khẩu” - TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế nhấn mạnh.

Đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc điều trị Covid-19

Cũng theo Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân Covid-19 như thuốc ức chế sự nhân lên của virus như Molnupiravir (do Viện Hóa sinh biển nghiên cứu), Remdesivir, Favipiravir (do Viện Hóa học nghiên cứu)...; thuốc kháng thể kép cho bệnh nhân Covid-19 nặng và một số thuốc hỗ trợ khác, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền… Một số loại thuốc điều trị đặc hiệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu… cũng đang được nghiên cứu.
Đặc biệt, có đơn vị đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2, 3 đối với một số thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất phát từ các bài thuốc, vị thuốc cổ truyền để phòng và điều trị Covid-19. Kết quả giai đoạn 2 cho thấy các thuốc cổ truyền có tính an toàn, về hiệu quả cần được tiếp tục chứng minh trong các nghiên cứu giai đoạn 3 với cỡ mẫu lớn hơn. Hiện có 6 DN trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir.

Thời gian qua, Bộ Y tế và các bộ, ngành, đơn vị đã và đang phối hợp chặt chẽ để việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Chắc chắn, hành trình để có được vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Thế nhưng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải phát huy trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, chủ động nguồn vaccine, nhất là khi virus SARS-CoV-2 có thể tiếp tục biến chủng, nhiều loại dịch bệnh khác có thể xuất hiện trong tương lai. Muốn thực hiện được yêu cầu này, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan cần quán triệt sâu sắc quan điểm không để “lợi ích nhóm” chi phối, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không chịu bất cứ tác động, sức ép nào trong nghiên cứu và sản xuất vaccine.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn cần làm việc khách quan, trung thực, hiệu quả để đạt được mục tiêu đề ra trong chiến lược sản xuất vaccine. Các nhà khoa học, các chuyên gia, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất cần kiên trì theo đuổi công việc vì mục tiêu khoa học, tinh thần nhân đạo và bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân, bởi tính mạng và sức khỏe Nhân dân là quan trọng nhất.

Thủ tướng khẳng định, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là quyết tâm, phấn đấu sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng chống dịch hiệu quả, tiết kiệm ngân sách và chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam.

“Trong vấn đề sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19, cần hết sức tránh hai khuynh hướng là chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ, cản trở sự phát triển, bảo đảm thực chất, không chạy theo thành tích. Cần tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất bằng được vaccine và thuốc trong nước, nhưng phải bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả và bảo đảm công khai, minh bạch, chống mọi tiêu cực, sách nhiễu, lợi ích nhóm, cạnh tranh không lành mạnh” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương mở rộng điều trị thuốc kháng virus; phân bổ thuốc điều trị đến các địa phương, bảo đảm đủ thuốc điều trị (tự nguyện) cho tất cả người bị nhiễm. Bộ Y tế rút gọn tối đa thủ tục hành chính trong phê duyệt, cấp phép nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị, vaccine phòng Covid-19, đồng thời bảo đảm tính khoa học, an toàn, hiệu quả; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

"Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt, mong muốn Việt Nam sản xuất được vaccine để không bị động, phụ thuộc vào vaccine của nước ngoài. Tuy nhiên, động thái quyết tâm thực hiện chủ yếu thuộc về Bộ Y tế và các nhà sản xuất vaccine, đó mới là yếu tố quan trọng. Việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine Covid-19 trong nước là điều hết sức cần thiết và quan trọng. Bộ Y tế cần xác định rõ chất lượng của vaccine nội như thế nào? Bao giờ có vaccine xuất xưởng để tiêm cho người dân? Người dân hiện nay rất trông chờ vào câu trả lời của Bộ Y tế." - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)


Mới đây, Tập đoàn dược phẩm MSD của Mỹ và Công ty Pfizer đã có văn bản gửi Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đồng ý nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 Molnupiravir cho Việt Nam.